Nhà ở xã hội có thể được vay tới 70% tổng vốn đầu tư
Dự án nhà ở xã hội có thể vay tới 70% tổng vốn đầu tư dự án trong thời hạn 12 năm hiện đang được đề xuất trong dự thảo Nghị định về tín dụng đầu tư.
Nhà ở xã hội được vay vốn dài hạn
Dự thảo Nghị định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu đang được Chính phủ xem xét ban hành. Theo đó, dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên thuê, dự án nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp thuê, dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ nằm trong Danh mục các dự án được vay vốn tín dụng đầu tư.
Trước tình trạng huy động vốn của các dự án BĐS nói chung đang gặp nhiều khó khăn, thì việc nhà ở xã hội nằm trong danh mục được vay vốn tín dụng đầu tư đặc biệt có ý nghĩa đối với các chủ đầu tư.
Bởi như vậy, nếu Nghị định được ban hành thì thời hạn cho vay của dự án nhà ở xã hội được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án, khả năng trả nợ của chủ đầu tư nhưng có thể kéo dài tới 12 năm.
Điều này sẽ giảm áp lực rất lớn cho các chủ đầu tư khi mà hiện nay, việc vay vốn từ ngân hàng chủ yếu chỉ trong phạm vi ngắn hạn, trung hạn đã là hiếm chứ chưa nói đến dài hạn.
Không những vậy, mức vốn mà chủ đầu tư được xem xét vay đối với dự án nhóm A được tối đa bằng 50% tổng mức vốn đầu tư; bằng 60% tổng mức vốn đầu tư đối với dự án nhóm B và tới 70% đối với dự án nhóm C.
Thậm chí, các dự án này còn được xem xét mức hỗ trợ sau đầu tư trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất vay vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng và lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước. Mức hỗ trợ này được giao cho Bộ Tài chính quyết định và Ngân hàng Phát triển Việt Nam cấp hỗ trợ sau đầu tư theo kết quả trả nợ của chủ đầu tư.
Nhưng để có được những ưu đãi trong việc vay vốn như trên thì chủ đầu tư phải có tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu tham gia dự án và phải bảo đảm đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, các điều kiện tài chính cụ thể của phần vốn đầu tư ngoài phần vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Theo Lan Hương
Dân trí