Nhà tài phiệt đầu tư tiền ảo: Đi trước hay đầu cơ?

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, tiền ảo chỉ tồn tại dựa trên niềm tin của một nhóm người hay một cộng đồng, nó có thể trở về 0 khi niềm tin sụp đổ.

Theo thời gian, giới đầu tư truyền thống và các nhà tài phiệt có cái nhìn thân thiện và cởi mở hơn với tiền ảo. Hàng loạt người giàu đổ vốn vào Bitcoin, Dogecoin và các đồng tiền ảo khác.

Động thái này là hành động đi trước để đón đầu sự phát triển của tiền ảo trong nền kinh tế số, tiến tới điều khiển cuộc chơi hay chỉ đơn giản là đầu cơ kiếm lời?

Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, các nhà tài phiệt - những người đổ vốn vào tiền ảo chính là những nhà đầu tư và đầu cơ đang nắm được trào lưu của xã hội, sự thiếu hiểu biết về tài chính của một số đông người dân nói chung và nhà đầu tư nói riêng trong xã hội để kiếm lời.

Ngay cả tỷ phú Elon Musk của Tesla cũng vậy. Trước khi Tesla tuyên bố chính thức "đình chỉ việc mua xe bằng Bitcoin" hôm 13/5, chính vị tỷ phú này thông báo chấp nhận Bitcoin như một phương thức thanh toán khi mua xe Tesla. Trong quý đầu năm 2021, Tesla đầu tư 1,5 tỷ USD mua Bitcoin, sau đó bán đi khoảng 10% số Bitcoin đang nắm giữ để mang về 101 triệu USD lợi nhuận góp vào doanh thu quý đầu tiên của công ty.

Sự thay đổi này, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đơn giản là để kiếm lời. Ban đầu họ tuyên bố một đằng để đẩy giá lên, đến khi có lợi nhuận rồi thì lại thoái lui. 

Tương tự, động thái của SpaceX thông báo sẽ phóng vệ tinh lên mặt trăng và chấp nhận Dogecoin là phương thức thanh toán cũng chỉ là một chiêu để đẩy giá lên.

"Nói thẳng ra đó là chiêu lừa đảo để thổi giá hoặc đầu cơ", ông Thịnh nhận xét.

Nhà tài phiệt đầu tư tiền ảo: Đi trước hay đầu cơ? - Ảnh 1
Giá trị tiền ảo lên xuống là câu chuyện của niềm tin

Theo vị chuyên gia, Dogecoin, Bitcoin hay những đồng tiền ảo khác chỉ là một tài sản ảo và giá trị nội tại của nó bằng 0. Nó không hề đại diện cho một lượng hàng hóa hay một lượng tài sản nào đó thực tế của xã hội. Nó chỉ tồn tại dựa trên niềm tin của một nhóm hay một cộng đồng người.

"Như đồng Bitcoin, nó chỉ có một số lượng nhất định, nếu người tham gia vào cộng đồng nói trên càng nhiều thì giá trị của Bitcoin càng tăng vì cung ít cầu nhiều. Thế nhưng nó chỉ là đồng tiền ảo và giá trị của nó có thể trở về 0 ngay ngày mai nếu như niềm tin của cộng đồng đó tự nhiên sụp đổ", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ và khẳng định, đối với tiền ảo, không phải giới tài phiệt đi trước đón đầu nhằm có thể điều khiển được cuộc chơi tiền tệ sau này, cũng không phải là một xu hướng công nghệ gì.

Theo ông, nếu nói về xu hướng thì đó là công nghệ blockchain rất hiện đại, có thể có rất nhiều ứng dụng có ích cho xã hội cũng như cho thị trường tài chính tiền tệ. Công nghệ này giúp cho hoạt độn kinh tế trở nên công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch. Nếu có một hoạt động ghi vào đó thì tất cả mọi người đều biết và không thể sửa chữa được nữa.

Còn tiền ảo không có ý nghĩa gì. Ông Thịnh giải thích, về bản chất tài chính, đồng tiền của bất kỳ quốc gia nào đều gắn liền với hoạt động của nhà nước. Nó có giá trị nội tại nhất định hoặc đại diện cho một lượng hàng hóa, tài sản trong một nền kinh tế và sức mạnh của nền kinh tế ấy. Đồng tiền ấy có nền kinh tế đứng sau, thông qua cơ quan quản lý nhà nước là chính phủ để đảm bảo giá trị đồng tiền đó.

"Như Bitcoin, người tạo ra nó đến nay vẫn như người vô hình, không có pháp nhân, không ai biết mặt, không ai biết tên, nếu phát hành đồng tiền ấy thì lấy ai ra để đảm bảo giá trị cho nó? Nó đại diện cho ai? Nhà nước nào chấp thuận nó?

Chính vì thế, dù tiền ảo đã ra đời nhiều năm nay nhưng chưa có nhà nước nào công nhận nó là phương tiện thanh toán hay tiền để được mua bán, thanh toán trong nền kinh tế? Mà không được nhà nước thừa nhận thì nó không là gì cả", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ rõ.

Ông cũng khẳng định tiền ảo khác với tiền điện tử, tiền điện tử là một xu hướng của nền kinh tế số. Nhiều quốc gia đang nghiên cứu tiền điện tử như đồng eCNY của Trung Quốc, hay các đồng tiền điện tử khác của Thụy Điển, Pháp, Đan Mạch..., chúng do Ngân hàng Trung ương phát hành.

Chính phủ có quyền phát hành tiền điện tử, điều chỉnh giá cả của đồng tiền ấy... Nói một cách tổng quát, tất cả mọi thứ của tiền điện tử giống như tiền thật, trong khi tiền ảo chỉ là "đứa con vô thừa nhận" - không có chủ cũng không có bố mẹ, mà giả sử có chủ thì chủ đó cũng không đủ tầm để quán xuyến được.

Theo ông Thịnh, có một số đồng tiền ảo doanh nghiệp phát hành nhưng nó cũng chỉ giới hạn trong hàng hóa của doanh nghiệp đó hoặc trong một cộng đồng nhỏ, không  thể chịu trách nhiệm trước toàn xã hội được. Người chịu trách nhiệm cho một đồng tiền ở một quốc gia chỉ có thể là chính phủ - họ có đủ năng lực, có đủ các công cụ về luật pháp và hành chính trong tay để duy trì sức mạnh của đồng tiền đó.

Đối với Việt Nam, một lần nữa vị chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam không thừa nhận, không coi tiền ảo là tiền và không coi nó là một phương tiện thanh toán, không cho phép kinh doanh, tàng trữ tiền ảo. Cho nên, các hoạt động liên quan đến tiền ảo là bất hợp pháp.

"Không quốc gia nào công nhận tiền ảo là tiền. Việt Nam có thể giống như các quốc gia khác nghiên cứu, xem xét tiền ảo như các tài sản ảo khác trên thị trường chứng khoán để cho phép các nhà đầu tư có thể đầu tư, kinh doanh", ông nói.

 

Thành Luân

Theo Đất Việt