Nhà thầu Việt đủ sức 'đem chuông đi đánh xứ người'?

Theo ông Lê Viết Hải, Việt Nam có thể phát triển thành một quốc gia chuyên xây dựng nhà ở cho thế giới, mang sản phẩm xây dựng sang nước ngoài.

Tại buổi toạ đàm“Làm thế nào để công nghiệp xây dựng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” diễn ra ngày 20/10 nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu Xây dựng TPHCM (SACA), Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình (HBC) đồng thời là Chủ tịch SACA Lê Viết Hải nhấn mạnh, ngành xây dựng Việt Nam buộc phải tiến ra nước ngoài khi thị trường trong nước ngày càng chật chội.

Theo ông Hải, từ 1945-1995 ngành xây dựng Việt Nam giậm chân tại chỗ và chỉ phát triển từ năm 1995 trở lại đây. Từ năm 1995, các công ty xây dựng Việt Nam có tiếp cận, học hỏi công ty nước ngoài và từ đó xây dựng Việt Nam phát triển với tốc độ rất nhanh. Từ rất lạc hậu, không có thiết bị cơ giới thi công, công nhân còn mang dép lê, chưa có thiết bị bảo hộ lao động, cho đến nay chúng ta tổ chức quản lý thi công, công nghệ kỹ thuật trong ngành xây dựng, áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế với trình độ cao hơn nhiều nước trong khu vực. Riêng giai đoạn 1995-2015, các công ty xây dựng trong nước, đặc biệt là tư nhân, phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ.

Từng có giai đoạn các nhà thầu lớn của Việt Nam tăng trưởng tới 20-30%/năm nhờ sự tiến bộ về kỹ thuật, công nghệ, thay thế nhà thầu nước ngoài thi công các dự án lớn trong nước. Nhưng mặt trái là sau khi làm chủ thị trường, nhà thầu Việt lại không còn cơ hội cọ xát, học hỏi nếu chỉ quẩn quanh trong nước.

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình  
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình  

Quy mô thị trường xây dựng trong nước từ vật liệu, dịch vụ thi công, nội thất tổng cộng khoảng 60 tỷ USD. Trong khi thị trường xây dựng thế giới có quy mô lên đến 12.000 tỷ USD. Do đó, lãnh đạo SACA cho rằng chỉ cần Việt Nam lấy được 1% thị phần xây dựng toàn cầu, quy mô đã gấp đôi tổng giá trị các công trình trong nước.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh việc xuất khẩu xây dựng Việt Nam ra nước ngoài cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị chứ không thể manh mún như trước đây. "Chúng ta không thể tiếp tục chỉ đi bán lẻ vật liệu xây dựng hay xuất khẩu lao động. Đó là nền kinh tế hái lượm, có cái gì bắt cái nấy", ông Hải chia sẻ.

Ông cho rằng, Việt Nam không thiếu kiến trúc sư giỏi hay doanh nghiệp cung cấp vật liệu, nhà thầu có năng lực cạnh tranh. Mấu chốt để tiến ra thị trường nước ngoài nằm ở việc phải kết hợp các mắt xích trong chuỗi cung ứng dịch vụ xây dựng nhằm xuất khẩu sản phẩm xây dựng hoàn thiện từ đầu đến cuối với hàm lượng chất xám, giá trị lớn, đem lại nguồn lợi kinh tế cho đất nước.

Ông Lê Viết Hải khẳng định, ngành xây dựng Việt Nam có nhiều lợi thế từ đội ngũ nhân lực kỹ sư dồi dào, chất lượng thi công, trình độ quản lý không thua kém các nhà thầu thế giới, thể hiện qua việc đảm nhận các dự án lớn trong nước. Đặc biệt, chi phí xây dựng nhà ở cao tầng của nhà thầu Việt Nam khoảng 400-500 USD/m2 nhưng ở các nước phát triển lên tới 1.500-2.000 USD/m2.

"Chúng ta có thể phát triển thành một quốc gia chuyên xây dựng nhà ở cho thế giới, mang sản phẩm xây dựng sang nước ngoài. Nếu trau dồi, rèn luyện nghề nghiệp, chúng ta không thua kém ai rèn luyện rất sâu thì không thua kém ai", ông Hải tự tin khẳng định.

Ông cũng thừa nhận các nhà thầu Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm chinh chiến thị trường quốc tế, nhân lực yếu về ngoại ngữ, giao tiếp. Năng lực tài chính của nhà thầu Việt cũng rất hạn chế so với đồng nghiệp quốc tế.

Song song đó, ngành xây dựng trong nước còn hạn chế về tiêu chuẩn kỹ thuật. Ngành xây dựng trong nước không thiếu những người thợ kỹ năng nhưng lại không có chứng nhận tiêu chuẩn hay chứng chỉ hành nghề. Cuối cùng, các doanh nghiệp trong ngành còn rời rạc, chưa có sự liên kết trong cùng chuỗi giá trị ngành xây dựng.

Tham vọng xuất khẩu xây dựng ra thế giới đã được ông Lê Viết Hải ấp ủ từ lâu. Trong nhiều lần chia sẻ trên báo chí, ông chia sẻ, phát triển ngành công nghiệp xây dựng ra nước ngoài chúng ta không chỉ giải quyết được bài toán công ăn việc mà còn bảo đảm thu nhập cao làm cho lực lượng lao động trong hiện tại, tương lai.

Hiện tốc độ tăng trưởng của thị trường đã chậm hơn tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Thị trường xây dựng trong nước đã quá chật chội, bão hòa so với năng lực xây dựng của các công ty. Sự bất đối xứng cung-cầu lâu dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ ngành. Trong khi đó, ngành xây dựng toàn cầu có thể nói là khổng lồ và đầy tiềm năng cho chúng ta khai thác.

Lợi thế cạnh tranh của nhà thầu Việt Nam, theo ông Hải, trước hết nằm ở giá xây dựng.

Cụ thể, giá thành xây dựng nhà cao tầng cho giới trung lưu của nước ta rất cạnh tranh, nằm trong khoảng từ 400 - 600 USD/m2, trong khi các nước phát triển dao động từ 1.800 - 3.000 USD/m2. Đặc biệt, có những nước rất nghèo nhưng giá xây dựng vẫn rất cao vì họ không đủ năng lực để xây dựng đội ngũ và sở hữu công nghệ xây dựng hiện đại nên phải sử dụng dịch vụ tổng thầu của nước ngoài. Tại các quốc gia phát triển, giá xây một mét vuông lên đến hàng ngàn đô la, chúng ta có thể mang về hàng tỷ USD cho quốc gia.

Chưa kể trong một số ngành mà Việt Nam đang có lợi thế trên thị trường toàn cầu, xây dựng không chỉ có triển vọng nhất với tính cạnh tranh rất cao mà còn là ngành có thị trường toàn cầu lớn nhất. Xây dựng Việt Nam cũng là ngành có tỷ lệ nội địa hóa lớn nhất, tận dụng được chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp nội địa nhiều nhất... Như vậy, nếu thành công trong việc mở rộng thị trường ra toàn cầu thì ngành xây dựng sẽ mang về một nguồn lợi ngoại tệ to lớn, làm tăng tổng thu nhập quốc gia.

Minh Thái

Theo Đất Việt