‘So găng’ kết quả kinh doanh của các ‘ông lớn’ ngành xây dựng: Lần đầu tiên trong lịch sử Hòa Bình vượt mặt Coteccons
Theo thông tin từ Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Coteccons (CTD) cho thấy đây là lần đầu tiên Hòa Bình vượt Coteccons. Cũng phải nói đến đó là thời điểm Coteccons đang trượt dốc không phanh.
Lần đầu tiên trong lịch sử Hòa Bình ‘vượt mặt’ Coteccons
Theo BCTC hợp nhất quý II/2021 của Hòa Bình, doanh thu thuần của HBC đạt gần 3,180 tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận gộp của HBC trong quý 2 ghi nhận hơn 195 tỷ đồng, giảm 17%. Lợi nhuận sau thuế công ty 58 tỷ đồng
Trong kỳ, doanh thu tài chính của Công ty ghi nhận hơn 65 tỷ đồng, gấp 7.5 lần cùng kỳ, chủ yếu đến từ gần 51 tỷ đồng phát sinh từ chuyển nhượng các khoản đầu tư. Bên cạnh đó, chi phí trong kỳ của HBC nhìn chung giảm. Dù chi phí bán hàng tăng 29% nhưng cả chi phí tài chính giảm 18% và chi phí quản lý giảm 12%. Kết quả, Hòa Bình lãi ròng gần 66 tỷ đồng trong quý 2/2021, gấp gần 35 lần so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HBC đạt gần 5,443 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ thu nhập đột biến từ chuyển nhượng các khoản đầu tư cộng với việc chi phí được tiết giảm, lãi ròng của HBC ghi nhận hơn 73 tỷ đồng, gấp 5.6 lần so với nửa đầu năm 2020.
Cùng với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, dòng tiền kinh doanh của HBC trong nửa đầu năm đã được cải thiện và dương trở lại với gần 733 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm hơn 451 tỷ đồng. Đây là một tín hiệu khả quan cho HBC, phần nào phản ánh được sự cải thiện trong công tác thu hồi công nợ.
Tính đến ngày 30/06/2021 tổng tài sản của HBC đạt hơn hơn 16,155 tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng nhẹ 3%, vượt mức 11 ngàn tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng đã giảm hơn 530 tỷ đồng so với đầu năm, còn ở mức 5,020 tỷ đồng.
Đồng thời, dư nợ vay của Công ty cũng giảm 11% so với đầu năm, còn gần 4,539 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn tăng 37%, đạt 1,291 tỷ đồng.
Trong khi doanh thu thuần quý II/2021 của Hòa Bình đạt gần 3.180 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 58 tỷ đồng thì con số của Coteccons là 2.550 tỷ đồng và 45 tỷ đồng.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021 của Coteccons, Công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.550 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 134,7 tỷ đồng, giảm 44,7%. Biên lãi gộp vì vậy mà giảm từ 6,1% xuống còn 5,3%.
Trong quý, doanh thu tài chính giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 47 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý tăng tới 72% (lên 122 tỷ đồng). Cộng với việc ghi nhận khoản lỗ 7,5 tỷ đồng trong công ty liên doanh liên kết, CTD báo lãi trước thuế chỉ 59 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đạt 199 tỷ đồng. Kết thúc quý II, lãi sau thuế đạt 44,8 tỷ, giảm tới 71,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu thuần của CTD đạt 5.119 tỷ đồng, giảm 32%; lãi trước thuế đạt 128 tỷ đồng, giảm 64% so với cùng kỳ. Dòng tiền kinh doanh 6 tháng dương 220 tỷ đồng, nhưng dòng tiền đầu tư âm 786 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 178 tỷ đồng dẫn đến tiền và tương đương tiền tại thời điểm 30/6/2021 giảm khoảng một nửa, xuống còn 652 tỷ đồng.
Về tài sản, tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của CTD đạt 13.576 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu kỳ. Cơ cấu tài sản ghi nhận sự tăng lên của khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, đạt 3.015 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ so với đầu kỳ.
Tại ngày 30/6/2021 nợ phải trả là 5.230 tỷ đồng, giảm 9% so với đầu kỳ. Nợ ngắn hạn chiếm đa số với 5.225 tỷ đồng. CTD không ghi nhận khoản nợ vay trong kỳ, tuy nhiên, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cho thấy công ty đã vay 338 tỷ đồng và đã tất toán với khoản lãi phải trả 950 triệu đồng. Vốn chủ sở hữu của CTD tại cùng thời điểm đạt 8.345 tỷ đồng, giảm 0,6% so với đầu kỳ.
Có thể thấy đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hòa Bình có thể ‘vượt mặt’ Coteccons về khoản doanh thu.
Tuy nhiên như đã nói, việc Hòa Bình đang dẫn trước Coteccons diễn ra trong bối cảnh Coteccons đang rơi vào khủng hoảng. Mà điểm nhấn lớn nhất là vào năm ngoái, khi ông Nguyễn Bá Dương (người được coi là ‘linh hồn’ công ty) đã rời Coteccons, kéo theo một nửa doanh nghiệp trong hệ sinh thái Coteccons.
Theo đó, Coteccons không chỉ hao hụt về nguồn lực mà còn về cả chất xám, khi rất nhiều cán bộ trung và cao cấp của Tập đoàn này rời đi. Hiện tại, Coteccons vẫn đang trong giai đoạn tái cơ cấu với rất nhiều khó khăn cả từ bên trong lẫn bên ngoài.
Còn nhớ thời điểm năm 2016 đến 2018 doanh số của Coteccons luôn nhiều hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đỉnh cao 2018, Coteccons bắt đầu lao dốc, một phần vì thị trường xây dựng ngày càng khó khăn và phần khác là những mâu thuận nội bộ không thể giải quyết giữa các cổ đông lớn.
Do đó nhìn nhận một cách khách quan, việc Hòa Bình có thể lần đầu qua mặt Coteccons về doanh thu trong nửa đầu 1 năm, không bởi vì họ quá xuất sắc, mà bởi Coteccons đang gặp ‘khủng hoảng’ nghiêm trọng.
Coteccons rơi vào ‘khủng hoảng’ kể từ khi ‘thay tướng’
Như đã đề cập ở trên ‘linh hồn’ của Coteccons – ông Nguyễn Bá Dương đã chính thức nói lời tạm biệt kể từ thời điểm tháng 10/2020. Kể từ thời điểm đó đã đánh dấu một sự chuyển mình không mấy tốt đẹp của Coteccons.
Mặc dù ngay khi nhà sáng lập kiêm chủ tịch công ty rời đi. Ngay lập tức HĐQT Coteccons đã quyết định bổ nhiệm ông Bolat Duisenov - CEO Kusto Việt Nam làm chủ tịch kiêm người đại diện theo pháp luật công ty. Theo đó triều đại của ông Nguyễn Bá Dương chính thức chấm dứt tại Coteccons sau 17 năm. Đây là hệ quả của hàng loạt vụ đấu tranh, mâu thuẫn liên tiếp được công khai trên truyền thông.
Một thông tin đáng chú về tình hình nhân sự tại Coteccons, thời điểm tháng 3 năm nay, Coteccons đã nhận đơn từ nhiệm chức quyền Tổng Giám đốc Coteccons của ông Võ Thanh Liêm sau hơn 7 tháng đương nhiệm.
Đồng thời điểm Coteccons đã công bố bổ nhiệm các nhân sự cấp cao, đều là những tên tuổi nổi bật trong ngành xây dựng. Đầu tiên là ông Chris Senekki - Nguyên Tổng Giám Đốc Công ty xây dựng Turner Việt Nam được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám Đốc Coteccons. Bên cạnh đó là Tiến Sĩ (TS) Phan Hữu Duy Quốc - Nguyên Phó đại diện của Shimizu Việt Nam cũng vừa được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng Giám Đốc Coteccons.
Công ty cũng bổ nhiệm 2 người khác, đó là ông Võ Hoàng Lâm - Tổng Giám Đốc công ty Unicons và ông Nguyễn Ngọc Lân - Giám Đốc khối Xây Lắp Coteccons làm Phó Tổng Giám Đốc Coteccons. Cùng với ông Phạm Quân Lực và ông Micheal Trần đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám Đốc trước đó.
Về tình hình kinh doanh của Coteccons, kể từ thời điểm ông Nguyễn Bá Dương rời đi, kết quả kinh doanh của công ty sụt giảm rõ rệt. Coteccons có còn giữ được vị trí số 1 trong ngành xây dựng Việt Nam hay không là một câu hỏi chưa có đáp án. Cụ thể, kết quả kinh doanh năm 2020, CTD đạt 14.628 tỷ doanh thu, đặc biệt trong năm CTD phát sinh khoản giảm trừ hơn 31 tỷ. LNTT đạt 589 tỷ đồng, suýt soát kế hoạch ban lãnh đạo cũ đề ra hồi đầu năm là 600 tỷ đồng. LNST cả năm đạt 463,5 tỷ đồng, giảm 35% so với năm ngoái.
Sang năm 2021, trong bối cảnh tình hình nhân sự và kinh doanh đang ‘rối như tơ vò’, theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2021, Coteccons vẫn đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 17.413 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 340 tỷ đồng, lần lượt tăng 20% và 2% so với thực hiện trong năm 2020.
Khi ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT chia sẻ về tham vọng doanh thu có nhiều hoài nghi và bàn tán về tham vọng và mục tiêu này trong giới đầu tư và ngành xây dựng, khi nhìn lại quý 3 và quý 4 /2020 việc tìm kiếm khách hàng và ký kết các hợp đồng mới hoàn toàn bị ngưng trệ.
Thật vậy, theo kết quả tại BCTC hợp nhất quý II/2021 của Coteccons, kết thúc nửa năm 2021, Công ty mới chỉ thực hiện được 29,3% doanh thu và 29,1% về lợi nhuận sau thuế so với kế hoạch cả năm đề ra.