Nhận vốn từ 1 'ông lớn, Hàn Quốc, DN bảo hiểm Việt tăng mạnh lợi nhuận
Việc thâu tóm AIC và BHI đã được DB Insurance hoàn tất trong quý I vừa qua. Ngay từ quý II, 2 doanh nghiệp này đã báo cáo lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ.
Lợi nhuận tăng mạnh
Sau khi nhận đầu tư từ Tập đoàn bảo hiểm DB Insurance từ Hàn Quốc trong quý I, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (UPCoM: AIC) và Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (UPCoM: BHI) đã ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong quý II với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới hàng chục và hàng trăm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
AIC ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm tăng 18% so với cùng kỳ, đạt hơn 559 tỷ đồng. Chi phí hoạt động tăng chậm hơn ở mức 17%, giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh 31%, tương đương 46,3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, hoạt động tài chính của AIC lại giảm sút khi doanh thu giảm 10%, đạt gần 38 tỷ đồng. Dù thiếu hỗ trợ từ nguồn thu tài chính, AIC vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 10 tỷ đồng, tăng gấp 3,4 lần cùng kỳ nhờ kiểm soát chi phí hiệu quả. Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của AIC tăng gấp đôi, đạt 23,6 tỷ đồng nhờ vào việc cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh và doanh thu tài chính (chủ yếu tăng trưởng trong quý I).
Trong khi đó, BHI ghi nhận doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm duy trì ở mức ổn định so với cùng kỳ, đạt hơn 730 tỷ đồng. Tình trạng kinh doanh dưới giá vốn đã không còn tái diễn. Doanh nghiệp có lãi gộp 27 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, so với mức lỗ 18,6 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Mặc dù doanh thu từ hoạt động tài chính giảm 41%, chỉ đạt 61 tỷ đồng, BHI vẫn ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận nhờ vào việc giảm chi phí quản lý doanh nghiệp đến 32%, giúp lợi nhuận sau thuế tăng 24%, đạt 52 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của BHI giảm 37%, chỉ đạt 50,5 tỷ đồng do kết quả kinh doanh quý I không mấy khả quan.
Một doanh nghiệp bảo hiểm khác mà DB Insurance là cổ đông lớn, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI), cũng ghi nhận kết quả tích cực trong quý II. Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 18,6%, chỉ đạt gần 997 tỷ đồng, nhưng nhờ vào việc giảm đáng kể chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm (giảm 29,7%), PTI đã ghi nhận lợi nhuận gộp tăng 77,4%, đạt 223,7 tỷ đồng.
Cùng với việc tiết giảm các chi phí khác, PTI báo cáo lợi nhuận sau thuế tăng gấp 3 lần cùng kỳ, đạt hơn 172 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm giảm 21,6%, chỉ đạt hơn 2.083 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng gấp 2,3 lần, đạt hơn 255 tỷ đồng nhờ kiểm soát chi phí hiệu quả.
Còn nhiều dư địa phát triển và cơ hội đầu tư
Các kết quả tích cực của AIC và BHI không chỉ đến từ sự quản lý của DB Insurance mà còn từ xu hướng tăng trưởng chung của ngành bảo hiểm phi nhân thọ tại Việt Nam. Công ty Chứng khoán Vietcap dự báo phí bảo hiểm phi nhân thọ có thể tăng 13% trong năm 2024, từ đó hỗ trợ tăng nhẹ tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm phi nhân thọ lên 0,8% so với mức 0,7% của năm 2023.
Dù trong ngắn hạn ngành bảo hiểm còn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng triển vọng dài hạn vẫn khả quan nhờ vào sự kỳ vọng tích cực đối với đà tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm hiện vẫn ở mức thấp. Trong bối cảnh còn nhiều dư địa phát triển, các chuyên gia kỳ vọng ngành bảo hiểm Việt Nam sẽ thu hút thêm vốn đầu tư từ khối ngoại, nhất là khi cơ hội tăng trưởng tại các thị trường bảo hiểm của nhiều quốc gia phát triển đang dần cạn kiệt.
Việc tập đoàn DB Insurance đã chi khoảng hơn 2.800 tỷ đồng để thâu tóm AIC và BHI trong thời gian qua đã củng cố thêm niềm tin vào tiềm năng phát triển của thị trường bảo hiểm Việt Nam. Được biết, lĩnh vực bảo hiểm thuộc 1 trong 59 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã mở room ngoại lên mức 100%, tạo cơ hội lớn cho khối ngoại gia tăng tỷ lệ sở hữu.
Mới đây, 2 “ông lớn” trong ngành bảo hiểm là Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) và Công ty cổ phần PVI (HNX: PVI) đã đánh tiếng về việc thoái vốn nhà nước trong thời gian tới. Giới phân tích cho rằng đây sẽ là cơ hội lớn và hấp dẫn cho nhà đầu tư nói chung và khối ngoại nói riêng để chiếm thị phần của miếng bánh bảo hiểm tại Việt Nam. Bởi lẽ đây là 2 doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ, với quy mô hoạt động lớn và thị phần không hề nhỏ.