Nhật, Mỹ nợ công lớn: Mối lo lớn hơn...

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, điều các nước lớn như Mỹ, Nhật, EU... lo hơn không phải là nợ công tăng cao mà là bong bóng tài sản.

Đài Sputnik của Nga mới đây dẫn thông tin từ Trung tâm phân tích đầu tư và nghiên cứu kinh tế vĩ mô thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược cho biết, kết quả của năm 2020 cho thấy chỉ số tổng nợ Chính phủ trên GDP thế giới nói chung lên tới 105%.

Chiếm ngôi đầu về nợ công trên thế giới ở thời điểm hiện tại là Nhật Bản, 234% GDP, tiếp đến là Hoa Kỳ 160% GDP, Anh 144% GDP và khu vực đồng euro 120,4% GDP.

Đáng lưu ý, tuy đứng ở vị trí thứ 2 và kém xa về mức nợ so với GDP nhưng với quy mô của nền kinh tế lớn nhất toàn cầu, Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về tổng số nợ với hơn 30.000 tỷ USD, thậm chí còn có số liệu cho là gần 40.000 tỷ.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh ( Học viện Tài chính) đánh giá, tỷ lệ nợ công/GDP của những quốc gia nói trên là một con số lớn nhưng không phải là điều cần quá lo lắng.

Phân tích cụ thể, ông Thịnh cho biết, trong điều kiện đại dịch Covid-19 bùng phát, các quốc gia trên thế giới đều sử dụng chính sách tài khóa để bơm dòng tiền vào nền kinh tế, từ đó hồi phục sản xuất kinh doanh, giúp các doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Bởi các quốc gia dùng chính sách tài khóa nên nợ công gia tăng là chuyện đương nhiên. Dù vậy, khả năng trả nợ của các nước cũng rất lớn, đặc biệt nợ công của các nước dù lớn nhưng chủ yếu là nợ trong nước.

Bên cạnh đó, khả năng hồi phục kinh tế của các nước này cũng rất cao. Theo dự báo của các định chế tài chính như IMF, WB hay các tổ chức đánh giá, xếp hạng tín nhiệm, tốc độ tăng trưởng của Mỹ năm 2021  rất lớn, có thể đạt mức 6,5-7%; của EU 4,8%...

Khi nền kinh tế hồi phục, sẽ giúp cho chính phủ các nước điều chỉnh kế hoạch, từ đó đồng tiền có thể lên giá và họ có thể thu hồi bằng việc giảm bớt trái phiếu Chính phủ, nợ công xuống.

"Đó là điều bình thường. Dĩ nhiên, khi các nước thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, nâng lãi suất... còn phải xem xét nhiều vấn đề, đó là nền kinh tế phải phục hồi bền vững thì mới bắt đầu thu hồi các gói hỗ trợ, nâng lãi suất lên, từ đó mới tính toán đến việc kìm giữ lạm phát", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận xét.

Những người công nhân làm việc tại một công trường nâng cấp giao thông ở Manhattan, New York, tháng 4/2021. Ảnh: Reuters.  
Những người công nhân làm việc tại một công trường nâng cấp giao thông ở Manhattan, New York, tháng 4/2021. Ảnh: Reuters.  
 

Đó là chuyện của thời gian tới, còn hiện nay, theo vị chuyên gia, khả năng lạm phát cao ở nhiều quốc gia trên thế giới vẫn rất lớn, kể cả Mỹ, EU, Nhật Bản hay Trung Quốc. Các tổ chức quốc tế dự báo Trung Quốc năm nay có thể đạt mức tăng trưởng cao, 8-8,5%. Thế nhưng Bắc Kinh cũng nhìn thấy sự tăng trưởng quá nóng của dòng tiền trong nền kinh tế, nên đã bắt đầu có động thái siết chặt tín dụng và tiền tệ, nâng dần lãi suất.

"Đó mới là những động thái ban đầu để từ đó kìm hãm làm cho tăng trưởng tín dụng không quá nóng và không đi vào những lĩnh vực có thể gây ra bong bóng tài sản trong tương lai", ông Thịnh nhận xét và cho biết, hiện nay, cả Mỹ hay EU cũng đang nóng lòng làm việc này.

Thực tế cho thấy, dù nền kinh tế Mỹ đang còn khó khăn và triển vọng phục hồi trước mắt khó, song thị trường chứng khoán của nước này vẫn có xu hướng tăng, tương tự thị trường bất động sản Mỹ cũng tăng vài chục %. Với EU cũng vậy.

"Cho nên, vấn đề mà các nước lo lắng hơn có lẽ là bong bóng tài sản chứ không phải nợ công mặc dù nợ công đang tăng cao.

Chính phủ các nước cố tình tăng nợ công để bơm tiền vào nền  kinh tế và họ đẩy lạm phát lên.

Chẳng hạn, thị trường chứng khoán phình to không phải là điều vui vẻ gì vì nó phản ánh không thực chất sức khỏe nền kinh tế. Giá bất động sản tăng 20-30% và có thể tăng hơn cũng là mức tăng không tương xứng. Một khi bong bóng tài sản phình to thì tháo ngòi rất khó.

Điều Trung Quốc hay Mỹ, Nhật... đang quan tâm nhất hiện nay là làm sao cho dòng tiền đi đúng chỗ cần thiết, kích cầu  tiêu dùng, từ đó tác động ngược trở lại sản xuất và làm cho sản xuất tăng trưởng, phát triển chứ không phải đổ quá nhiều vào những lĩnh vực nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích.

Từ đây, ông nhận xét rằng, nguy cơ khủng hoảng nợ không phải là điều lo ngại nhất đối với các quốc gia lớn hiện nay vì họ hoàn toàn có thể trả được nợ. Có thể nhìn thấy điều này bởi các nước có đồng tiền khá mạnh, nền kinh tế đứng đằng sau tương đối ổn và với tăng trưởng như hiện nay không có gì các quốc gia lớn nêu trên phải lo ngại.

Đặc biệt, một số nước có đồng tiền mạnh như Mỹ, EU càng không lo, dù nhiều ý kiến cho hay đồng USD đang mất giá, tỷ lệ trong tổng thanh toán quốc tế bị thu hẹp... Chỉ có điều, nếu tiền đổ quá nhiều vào bất động sản, chứng khoán thì hoàn toàn không kích thích hồi phục, tăng trưởng sản xuất. Một khi bong bóng tài sản ngày càng to lên, dẫn tới vỡ bong bóng thì không chỉ hệ thống tài chính ngân hàng mà cả nền kinh tế cũng đối diện với rủi ro cực lớn.

Nhấn mạnh đây là vấn đề các nước đang lo nhất trong năm 2021, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, hiện các nền kinh tế đang dùng nhiều biện pháp để hạn chế dòng tiền đổ quá nhiều vào các lĩnh vực rủi ro như chứng khoán, bất động sản, đặc biệt là bất động sản. Các quốc gia có thể điều chỉnh lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, mua chứng khoán, phát hành các chứng chỉ... từ đó làm giảm nguồn tiền đổ vào các lĩnh vực này.

Thành Luân

Theo Đất Việt