Nhiều chủ đầu tư tung chính sách kích cầu, condotel “ngược dòng” tích cực
Nhìn chung trong quý II/2023, các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng có sự khởi sắc hơn so với quý trước đó. Đáng chú ý là phân khúc condotel (căn hộ du lịch) ghi nhận 122 căn đã được tiêu thụ trong quý II, nhiều hơn 20 lần so với quý I.
Condotel “ngược dòng” tích cực
Trong quý II/2023, nguồn cung lẫn sức cầu của các phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đều đã tăng so với quý I.
Số liệu từ Bộ Xây dựng đã chỉ ra, trong 2 quý đầu năm 2023, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có thêm 2.458 căn hộ du lịch (condotel), 680 căn biệt thự du lịch và 247 căn văn phòng kết hợp lưu trú. Chưa kể, cả nước đang có 56 dự án nghỉ dưỡng đang triển khai.
Đáng chú ý, dấu hiệu cho thấy sự phục hồi của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng còn được thể hiện trong báo cáo của DKRA vừa công bố. Cụ thể, với phân khúc thự nghỉ dưỡng, trong quý II, thị trường ghi nhận 50 căn biệt thự nghỉ dưỡng được giao dịch thành công, giảm 95% so với cùng kỳ năm ngoái. Các dự án mới có tình hình giao dịch khá chậm, lượng giao dịch tập trung cục bộ tại một số dự án nhất định.
Tuy nhiên, con số này vẫn là một tín hiệu lạc quan khi trong quý I khi chỉ có 9 căn biệt thự nghỉ dưỡng được tiêu thụ. Tỷ lệ hấp thụ cũng được cải thiện từ mức 21% trong quý I lên thành 66% trong quý II.
Nguồn cung mới cũng có sự cải thiện. Trong quý II có 5 dự án mở bán, tương ứng với 76 căn biệt thự. Con số này cao hơn so với 42 căn mở bán trong quý I nhưng vẫn thấp hơn 96% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặt bằng giá sơ cấp không có nhiều biến động so với quý trước nhưng ghi nhận tăng nhẹ 1-2% so với cùng kỳ năm 2022. Các chủ đầu tư vẫn tiếp tục áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu cao nhằm tăng thanh khoản cho thị trường.
Đáng chú ý, với phân khúc condotel, số liệu từ DKRA cho thấy, sức cầu thị trường đã có sự tăng vọt so với quý trước. Cụ thể, 122 căn đã được tiêu thụ trong quý II, nhiều hơn 20 lần so với quý I, nhưng vẫn thấp hơn 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hấp thụ cũng lên tới 32%, vượt trội so với mức 3% của quý I.
Trong đó, phần lớn lượng giao dịch trong quý tập trung vào những dự án có pháp lý hoàn thiện, được ngân hàng bảo lãnh và vận hành bởi đơn vị quốc tế 4-5 sao.
Trong quý II có 3 dự án condotel mở bán, tương ứng với 378 căn, giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 90% so với quý trước.
Theo các chuyên gia của DKRA nhận định, các thông tin khả quan của Chính phủ về quy định cấp sổ hồng cho condotel được xem là một cú hích tâm lý, giúp các chủ đầu tư được tiếp thêm động lực cũng như góp phần giúp phân khúc bắt đầu có những tín hiệu tích cực.
Chủ đầu tư tung nhiều chính sách kích cầu, giá condotel tăng nhẹ
Về giá bán, giá chào bán condotel trong quý II không có nhiều biến động so với quý trước nhưng vẫn tăng 2-4% so với cùng kỳ, đây cũng là mức tăng thấp nhất trong 5 năm qua.
Ngoài việc tăng giá, các chủ đầu tư cũng tung ra nhiều chính sách bán hàng, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết/chia sẻ doanh thu/lợi nhuận… nhằm kích cầu thị trường.
“Xu hướng dịch chuyển từ hình thức chia sẻ lợi nhuận sang chia sẻ doanh thu tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng rộng rãi. Hình thức chia sẻ doanh thu giúp khách hàng có thể quản lý hiệu quả, cũng như an tâm về sự minh bạch của dòng tiền”, chuyên gia của DKRA chia sẻ.
Theo dự báo trong quý III, nguồn cung dự kiến tăng so với quý II, khoảng 400-500 căn sẽ được đưa ra thị trường. Trong đó, các mặt hàng tập trung phần lớn tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định và Quảng Ninh.
Ở góc nhìn chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đánh giá việc được “cởi trói” về pháp lý, trong đó quan trọng nhất là cấp sổ đỏ cho các loại hình như condotel, officetel, sẽ là động lực để các chủ đầu tư đẩy nhanh hoàn thiện dự án, tìm kiếm khách hàng, từ đó ổn định dòng tiền, ứng phó với những “cơn gió ngược” của thị trường.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ hồi phục, cơ quan quản lý cần có giải pháp căn cơ, khẩn trương tháo gỡ rào cản pháp lý (gồm cả pháp lý cho condotel, officetel, shophouse biển…) nhằm giải tỏa lượng lớn các dự án tồn đọng, dở dang, tranh chấp.
Việc sớm giải quyết vướng mắc pháp lý cho thị trường bất động sản du lịch - nghỉ dưỡng sẽ là cơ sở để “phá băng” cho khoảng 239 dự án thuộc loại hình này trên toàn quốc, với tổng giá trị khoảng 682.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, chưa kể hàng nghìn dự án có đất đai bỏ trống, dở dang, lãng phí.