Nhiều cổ phiếu BĐS hồi phục trở lại trong phiên 7/7, nhóm Vingroup bứt phá

Thị trường chứng khoán hồi phục đáng kể trở lại sau khi bị bán tháo ở cuối phiên trước đó. Dù sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế ở nhóm bất động sản nhưng nhóm ngành này vẫn ghi nhận nhiều mã tăng mạnh trong đó có họ Vingroup.

Sau phiên giao dịch có phần bị bán tháo hôm trước, thị trường chứng khoán bước vào phiên giao dịch ngày 7/7 với sự hồi phục nhất định. Các chỉ số đều được kéo lên trên mốc tham chiếu ngay ở những phút đầu phiên. Tuy nhiên, lực bán mạnh cũng nhanh chóng quay trở lại và khiến các chỉ số đảo chiều. Biên độ dao động của VN-Index ở khoảng thời gian nửa đầu phiên sáng là rất mạnh. Sau đó, các chỉ số gần như chỉ có biến động hẹp và không có quá nhiều điểm nổi bật.

Trong phiên sáng, hàng loạt công ty chứng khoán xảy ra hiện tượng lỗi hệ thống giao dịch. Trên các diễn đàn, nhà đầu tư tỏ ra bức xúc khi không thể đăng nhập vào hệ thống giao dịch của các công ty chứng khoán và khiến cơ hội bị trôi qua khi VN-Index có lúc mất đến hơn 15 điểm.

Tương tự ở phiên trước, diễn biến trong phiên chiều tiếp tục có những bất ngờ, nhưng khác với phiên trước, sự tích cực đã diễn ra khi dòng tiền “ồ ạt” chảy vào thị trường. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn bứt phá và lấy lại được phần nào những gì đã mất ở phiên trước. Trong đó, nhóm cổ phiếu bán lẻ gồm PNJ, MWG, FRT... đều được kéo lên mức giá trần.

Bên cạnh đó, các cổ phiếu vốn hóa lớn như GAS, MSN, LPB, MSB, MBB, HDB, HPG, HPG, FPT... cũng có sự hồi phục nhất định sau phiên lao dốc hôm trước. LPB được kéo lên mức giá trần 29.950 đồng/cp, MSN tăng 6,4% lên 116.000 đồng/cp, MSB tăng 5,1% lên 30.750 đồng/cp, MBB tăng 5% lên 42.100 đồng/cp.

Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. (Nguồn: Fialda)  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến VN-Index. (Nguồn: Fialda)  
GAS tăng 6,6% lên 91.500 đồng/cp. Tổng công ty Khí Việt Nam thông báo tổng doanh thu 6 tháng đầu năm ước đạt 37.487 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch 6 tháng và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.401 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 4.302 tỷ đồng, cùng vượt 20% kế hoạch 6 tháng và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý II/2021, doanh thu của doanh nghiệp này khoảng 19.900 tỷ đồng, tăng 28%; lãi sau thuế 2.245 tỷ đồng, tăng 31%.
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. (Nguồn: Fialda)  
Các cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến HNX-Index. (Nguồn: Fialda)  
Kết thúc phiên giao dịch ngày 7/7, VN-Index tăng 33,76 điểm (2,49%) lên 1.388,55 điểm. Toàn sàn có 147 mã tăng, 226 mã giảm và 40 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,32 điểm (0,41%) lên 319,83 điểm. Toàn sàn có 71 mã tăng, 136 mã giảm và 160 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (0,03%) lên 89,1 điểm.

Như vậy, số mã giảm vẫn chiếm ưu thế hơn so với mã tăng. Trong đó, các mã lớn như BVH, PVD, HVN, VIB, SAB... vẫn chìm trong sắc đỏ và phần nào gây ra đôi chút trở ngại cho các chỉ số. Kết phiên, BVH giảm 2,5% xuống 54.500 đồng/cp, PVD giảm 2,2% xuống 19.600 đồng/cp, HVN giảm 1,7% xuống 26.050 đồng/cp.

Sáng 7/7, Vietnam Airlines ký hợp đồng tín dụng với 3 ngân hàng gồm SeABank, MSB và SHB với tổng số tiền cho vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng. Sau khi Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết về gói hỗ trợ vào cuối năm 2020, hãng hàng không này đã chủ động làm việc với một số tổ chức tín dụng để vay vốn trong bối cảnh tình hình tài chính bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

Trong khi đó, sắc đỏ vẫn có phần áp đảo hơn ở nhóm bất động sản, các mã như HAR, HPX, CII, ASM, ASM, DIG, ASM... vẫn đồng loạt giảm sâu. HAR bị kéo xuống mức giá sàn 4.650 đồng/cp. HPX giảm 6,4% xuống 32.000 đồng/cp, CII giảm 3,6% xuống 17.350 đồng/cp, ASM giảm 3,1% xuống 12.600 đồng/cp, DIG giảm 3% xuống 22.500 đồng/cp.

Mặc dù vậy, có khá nhiều cổ phiếu bất động sản giao dịch tích cực trở lại ở phiên này. Trong đó, NVT, BII và CIG đều được kéo lên mức giá trần. TCH tăng 6,3% lên 21.900 đồng/cp, VHM tăng 6,1% lên 117.000 đồng/cp, đây cũng là cổ phiếu có đóng góp tích cực nhất cho VN-Index với 6,28 điểm (0,47%). Bên cạnh VHM, 2 cổ phiếu cùng họ Vingroup là VIC và VRE cũng tăng mạnh. VIC tăng 1,8% lên 114.000 đồng/cp, còn VRE tăng 4,7% lên 30.900 đồng/cp. Ngoài ra, các cổ phiếu bất động sản thanh khoản cao như PDR, KDH, DXG, HDC, IDC... cũng hồi phục.

DXG tăng 2,8% lên 21.900 đồng/cp. Mới đây, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu để nâng sở hữu từ 12,15% lên 14% vốn điều lệ, tương đương gần 73,2 triệu đơn vị. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 9/7 đến 7/8 qua phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh.

Thanh khoản thị trường giảm so với phiên trước, giá trị khớp lệnh đạt 29.400 tỷ đồng. FLC là cổ phiếu bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về khối lượng khớp lệnh toàn thị trường với 17 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. (Nguồn: Fialda)
Các cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng của khối ngoại lớn nhất. (Nguồn: Fialda)

Khối ngoại mua ròng đột biến hơn 2.000 tỷ đồng ở phiên này. Trong đó, VHM vẫn được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với 312 tỷ đồng. Bên cạnh VHM, 2 mã bất động sản là KBC và NVL được mua ròng lần lượt 80 tỷ đồng và 72 tỷ đồng. Chiều ngược lại, NLG là mã bất động sản duy nhất nằm trong top 10 về giá trị bán ròng của khối ngoại với 14 tỷ đồng.

Theo phân tích của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index hồi phục kỹ thuật để lấy lại khoảng 61,8% số điểm đã mất ở phiên trước đó. Thanh khoản suy giảm so với phiên giảm trước đó mặc dù vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên cho thấy lực cầu bắt đáy đã xuất hiện nhưng vẫn còn sự thận trọng nhất định từ nhà đầu tư.

Trên biểu đồ kỹ thuật, VN-Index đã lấy lại được ngưỡng 1.380 điểm (MA20) nên xu hướng hiện tại tạm thời được cải thiện lên trung tính. Và trên góc nhìn sóng elliott, khả năng thị trường đã bước sang sóng điều chỉnh a với target của sóng là quanh ngưỡng 1.210 điểm là vẫn còn. Sẽ cần quan sát thêm diễn biến trong các phiên tiếp theo để đánh giá đúng hơn về xu hướng. Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo 8/7, thị trường có thể sẽ giao dịch giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.380 - 1.400 điểm (MA20 - ngưỡng tâm lý)./.

Tuấn Hào

Theo Reatimes