Nhiều doanh nghiệp muốn được làm nhà ở xã hội

Trong bối cảnh thị trường bất động sản đóng băng, nhiều doanh nghiệp cơ cấu lại danh mục sản phẩm, chuyển hướng sang làm nhà ở xã hội như một giải pháp ổn định dòng tiền, lợi nhuận.

 

Nhiều doanh nghiệp muốn được làm nhà ở xã hội - Ảnh 1

Bộ Xây dựng cho biết, trong quý 1/2023, cả nước có 01 dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới tại tỉnh Bình Định. (Ảnh: minh họa)

Bộ Xây dựng cho biết, về công tác phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 307 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 157.100 căn, với tổng diện tích hơn 7.950.000 m2.

Hiện nay, đang tiếp tục triển khai 418 dự án (bao gồm các dự án đang xây dựng và dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư), với quy mô xây dựng khoảng 432.400 căn, với tổng diện tích khoảng 22.565.000 m2.

Trong quý 1/2023, cả nước có 01 dự án nhà ở xã hội với quy mô 300 căn hộ được cấp phép mới tại tỉnh Bình Định.

Theo khảo sát của Bộ Xây dựng, nhu cầu về nhà ở xã hội cho công nhân có thu nhập thấp tại các khu công nghiệp là khoảng 2,4 triệu căn trong giai đoạn 2021 - 2030. Do đó, nguồn cung phân khúc này này vẫn chưa được đáp ứng được nhu cầu thực. Nếu tính hết cả nguồn cung hoàn thành hiện hữu và nguồn cung tương lai sẽ chỉ đáp ứng được 20-30% tổng nhu cầu, thị trường còn thiếu hơn 1 triệu căn.

Kỳ vọng trong thời gian tới, cùng với việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, phân khúc này sẽ được nhiều doanh nghiệp quan tâm hơn, từ đó giúp tăng nguồn cung.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, trong bối cảnh thị trường đóng băng như hiện nay, nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã hướng đến xây dựng nhà ở xã hội và nhà giá bình dân là động thái tái cơ cấu lại danh mục sản phẩm. Hướng phù hợp với tài chính của đại đa số người mua ở thực, là một bước đi quan trọng giúp cân bằng và ổn định lại thị trường, mang lại tín hiệu đầy tích cực để giải "cơn khát" cho phân khúc nhà giá rẻ vốn đã "cạn" nguồn cung vài năm gần đây.

Ông Châu nhấn mạnh để khuyến khích doanh nghiệp làm nhà giá rẻ, chính quyền cần có các động thái hỗ trợ thiết thực như cần nhanh chóng cởi trói về cơ chế, chính sách, nhất là chính sách về đất đai.

Các doanh nghiệp bất động sản bên cạnh mảng nhà ở bán cũng cần tăng cường phát triển mảng nhà cho thuê phục vụ nhóm công nhân, người lao động thu nhập thấp.

Vừa qua nhiều doanh nghiệp cũng “ngỏ ý’ muốn tham gia vào phân khúc nhà ở xã hội như tại đại hội cổ đông của CTCP Đầu tư Nam Long (mã: NLG) diễn ra vào tháng 4 vừa qua, Tổng Giám đốc Trần Xuân Ngọc cho biết, công ty có dự định tham gia thị trường nhà ở xã hội với cam kết đóng góp 20.000 căn trong những dự án doanh nghiệp làm (Hải Phòng, Đồng Nai, Cần Thơ, Long An).

“Không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những block nhà ở xã hội mà chúng tôi còn cùng chính quyền địa phương nghiên cứu, xây dựng những khu đô thị tích hợp dành riêng cho nhà ở xã hội, nhà ở vừa túi tiền”, đại diện của Nam Long chia sẻ.

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân cũng cho biết, năm 2023, Hoàng Quân tiếp tục đẩy mạnh phát triển lĩnh vực nhà ở xã hội, nhằm hưởng ứng đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” của Chính phủ.

Hội đồng Quản trị công ty cũng đặt mục tiêu hoàn thành khoảng 50.000 sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân từ nay đến năm 2030.

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch CTCP Vinhomes (mã: VHM) cho biết, sản phẩm nhà ở xã hội Happy Home sẽ là một trong những trọng tâm phát triển của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Làm nhà ở xã hội cũng là mục tiêu của nhiều doanh nghiệp trong thời gian tới. Đầu tháng 4 vừa qua, Vinhomes công bố làm dự án nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.756 tỷ đồng. Công ty TNHH Tư vấn - Thiết kế - Đầu tư - Xây dựng Nguyên Hạnh cũng đăng ký đầu tư dự án nhà ở xã hội Hưng Phú II có quy mô hơn 1.000 căn hộ với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng (Vĩnh Hải, Nha Trang)…

Vừa qua, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã: VCG) cho biết, doanh nghiệp rất mong muốn làm nhà ở xã hội.

Lãnh đạo Vinaconex cho biết đang xin chủ trương nghiên cứu và tài trợ công tác lập quy hoạch một số khu đất tại Hà Nội, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc,… cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư các dự án nhà ở xã hội, các dự án nhà phân khúc trung bình.

Tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera Nguyễn Anh Tuấn cũng cho hay, công ty đã đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân từ chục năm nay. Trong đó, nhà ở công nhân là tiện ích đi kèm tại mỗi khu công nghiệp và đây là lợi thế của Viglacera so với các đối thủ. Còn với nhà ở công nhân, công ty làm theo nhu cầu thị trường vì người mua rất nhiều.

Ông Lê Thống Nhất, CTCP Tập đoàn Danh Khôi (mã: NRC) cho biết, HĐQT và ban điều hành công ty cũng đang suy nghĩ kế hoạch tham gia vào nhà ở xã hội dựa trên quỹ đất mà công ty đang có tại huyện Nhà Bè hay quận 12. Tuy nhiên, để thực hiện phân khúc này, chắc chắn trong năm nay phía công ty vẫn chưa thể thực hiện được mà phải đợi sang năm 2025.

Còn theo thông tin từ ông Tại Hoài Hạnh, Chủ tịch HĐQT CTCP BV Land (UPCoM: BVL), việc phát triển các sản phẩm giá rẻ (nhà ở xã hội) cũng là mục tiêu của doanh nghiệp này trong năm 2023. Năm nay công ty sẽ tập trung phát triển các sản phẩm nhà ở đáp ứng nhu cầu thực.

Tại một hội nghị về nhà ở xã hội, những tên tuổi lớn trên thị trường bất động sản như Him Lam, Novaland hay Bitexco cũng cho biết sẵn sàng đưa ra thị trường hàng trăm nghìn căn nhà ở xã hội trong những năm tới trên quỹ đất hiện có hoặc mở rộng thêm.

Minh Vân

Theo Chất lượng và cuộc sống