Nhiều thách thức, môi giới BĐS cần làm gì để tồn tại?

Triển vọng nghề nghiệp của môi giới bất động sản là rất lớn, tuy nhiên, đây cũng là một ngành nghề rất khó, nhiều thách thức do tính cạnh tranh cao.

Thực tế cho thấy, câu chuyện làn sóng sa thải nhân viên môi giới vừa qua chủ yếu vẫn tập trung ở đối tượng nhân sự mới, thời gian gắn bó với nghề con ngắn. Những nhân viên này thường chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường. Còn đa phần các doanh nghiệp vẫn phải giữ lại nhân sự cứng, đủ năng lực.

Số liệu khảo sát chỉ ra rằng, số lượng nhân viên hiện còn hoạt động trên thị trường chỉ bằng khoảng 30-40% so với thời điểm cuối năm 2022. Thị trường ghi nhận một lượng lớn môi giới viên phải nghỉ việc do thu nhập không đủ sống hoặc do doanh nghiệp sa thải, tạm dừng hoạt động hoặc phá sản....

Theo đó, số nhân viên môi giới cố gắng bám trụ lại với nghề đã phải vận dụng linh hoạt đủ mọi hình thức để có thể tồn tại, bao gồm đa dạng hóa lĩnh vực, tìm kiếm việc làm thêm.

Nhiều thách thức, môi giới BĐS cần làm gì để tồn tại? - Ảnh 1
 

Trong một khảo sát mới đây, có tới hơn 95% số môi giới đang hoạt động được khảo sát cho biết họ có thu nhập giảm so với năm trước. Trong đó, hơn 14% cho biết thu nhập của họ giảm 20-30% so với cùng kỳ. Hơn 54% cá nhân ghi nhận mức tụt giảm 30-40%. Cá biệt có khoảng 5% môi giới bị giảm trên 70% thu nhập.

Theo Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), bất động sản đang có sự điều chỉnh về giá phù hợp hơn, tương xứng với giá trị đầu tư vào sản phẩm, hạ tầng khu vực, đặc biệt là sản phẩm đất nền. Nhu cầu với bất động sản hiện vẫn rất cao với cả xu hướng mua đầu tư và ở thực.

Đây là thời điểm thích hợp cho các nhà đầu tư sẵn tiền mua lại dự án hấp dẫn với giá phải chăng, tuy nhiên, chưa hẳn là sự trở lại thực sự tích cực cho hoạt động môi giới mà cần thêm thời gian điều chỉnh. Đặc biệt, giai đoạn sắp tới nếu hoạt động môi giới muốn nở rộ trở lại thì bắt buộc sẽ phải có sự thay đổi rõ rệt hơn.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs cho rằng, trong thời gian này những người làm nghề môi giới BĐS muốn gắn bó lâu dài với nghề cần bổ sung thêm kiến thức và hoàn thiện những kỹ năng nghề nghiệp của mình.

Đối với các sàn giao dịch, công ty môi giới, nên tận dụng thời gian để tập trung đào tạo lại đội ngũ nhân sự. Đây sẽ là một sự chuẩn bị tốt để khi thị trường phục hồi, các công ty sẽ có một lực lượng nhân viên môi giới làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm và hiệu quả.

“Môi giới cần phải có chứng chỉ hành nghề, có kiến thức chuyên môn để trở thành môi giới chuyên nghiệp, có văn hóa chuẩn mực, đạo đức nghề nghiệp phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam”, ông Đính nói.

Chuyên gia cho rằng, các nhà đầu tư sẽ có yêu cầu khắt khe hơn đối với các môi giới để tìm ra hướng đi đầu tư đúng đắn của mình trong giai đoạn này. Do đó, các môi giới "tay non", "tay ngang" sẽ khó cạnh tranh với những người có kinh nghiệm, đã được đào tạo bài bản và có uy tín trong các hoạt động môi giới của mình. Điều này buộc các môi giới bất động sản phải luôn học hỏi, không ngừng nâng cao nghiệp vụ và giữ được đạo đức nghề nghiệp, uy tín với khách hàng.

Thực tế, số liệu từ VARs đã từng chỉ ra, mặc dù lực lượng tham gia rất hùng hậu với trên 300.000 người nhưng những người môi giới bất động sản thực sự qua đào tạo và được cấp chứng chỉ hành nghề chỉ có khoảng 30.000 người, nghĩa là chỉ bằng 1/10 con số thống kê, chiếm khoảng 10%. Song đó chỉ là con số thống kê người hành nghề môi giới BĐS tại các sàn giao dịch, còn thực tế môi giới tự phát (hay còn gọi là cò đất) thì không thể thống kê hết được.

Do vậy, việc siết chặt các biện pháp quản lý hoạt động môi giới nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người dùng rõ ràng là cần thiết.

Thanh Xuân

Theo Kinh doanh và Phát triển