Nhiều tình tiết bất ngờ tại phiên toà xét xử vụ kiện liên quan tòa nhà Victory Tower
Theo bản án sơ thẩm, trường hợp khi công ty VCG thanh toán hết thì công ty Sao Kim sẽ bàn giao tòa nhà số 03 cho công ty VCG mà không phải toà nhà VICTORY TOWER số 12 Tân Trào, P. Tân Phú, Quận 7 theo hợp đồng 03?
Sáng 8/4, TAND TP.HCM tiếp tục mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng quản lý tòa nhà Victory Tower (P. Tân Phú, quận 7, TP HCM) giữa nguyên đơn Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Sao Kim (Công ty Sao Kim – đơn vị quản lý) và bị đơn Công ty Cổ phần Victory Capital (Công ty VCG - chủ đầu tư Tòa nhà Victory Tower).
Tại phiên tòa, phía nguyên đơn rút toàn bộ kháng cáo, còn phía luật sư bảo vệ quyền lợi của Công ty VCG cung cấp thêm tình tiết mới như: trong quá trình chọn thầu có 3 đơn vị tham gia gồm: Công ty Gia Phú, Công ty DHL và Công ty Sao Kim. Nhưng trong hồ sơ dự thầu bản chính thì hồ sơ tham gia thầu của Công ty Gia Phú và Công ty DHL giống nhau đến 98% về cấu trúc hồ sơ, nội dung, dấu chấm, phẩy, trong cả hai hồ sơ còn nhắc đến tên Công ty Sao Kim (Venus). Như vậy phải chăng cả 3 bộ hồ sơ dự thầu đều do một người soạn thảo và có dấu hiệu “thông thầu”?
Cũng tại phiên tòa, phía Công ty VCG đã cung cấp cho tòa vi bằng và file ghi âm liên quan dấu hiệu đưa hối lộ để thực hiện ký kết hợp đồng quản lý tòa nhà. Sau khi được Chủ tọa đồng ý, luật sư phía bị đơn đã đọc công khai đoạn vi bằng được trích xuất từ 2 nội dung đoạn ghi âm thể hiện việc đưa số tiền lớn trước khi ký kết hợp đồng 03. Phía Luật sư của VCG nhận thấy giọng nói trong đoạn ghi âm có nhiều đặc điểm, chi tiết tương đồng với giọng nói của bà Vũ Ngọc Hương - Tổng giám Đốc Công ty Sao Kim, nhưng khi tòa hỏi thì bà Hương phủ nhận giọng nói trong đoạn ghi âm là của mình. Luật sư phía VCG đã đề nghị tòa cho giám định giọng nói để làm rõ vụ việc.
Tại phiên tòa, các luật sư phía bị đơn cũng cho rằng bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân Quận 7 (bản án số 119/2023/KDTM-ST ngày 25/9/2023) có nhiều điểm mâu thuẫn và không phù hợp với quy định pháp luật, thậm chí chấp nhận cả các sai số tính toán trong đơn khởi kiện của Công ty Sao Kim.
Chẳng hạn, Công ty Sao Kim yêu cầu Công ty VCG trả phí dịch vụ quản lý theo đơn giá 138.600đ (gồm thuế GTGT 10%) là trái với Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022, quy định thuế GTGT là 8%. Bên cạnh đó, văn bản 286 của Chi nhánh Công ty Petroland (đơn vị trực thuộc đã giải thể từ năm 2016 - trước thời điểm ký hợp đồng) nên không có giá trị thực hiện. Công ty Sao Kim căn cứ văn bản 286 để tính đơn giá dịch vụ 138.600đ/m2/tháng là trái quy định. Kể cả khi áp dụng văn bản 286 theo đơn giá 6USD/m2/tháng và với tỉ lệ quy đổi 1USD = 2.100đ thì Công ty Sao Kim cũng không thể tính ra được đơn giá là 138.600đ.
Bên cạnh đó, theo các luật sư, toà án cấp sơ thẩm cũng không xác minh thu thập lãi suất của 3 ngân hàng thương mại để quyết định mức lãi suất chậm trả nhưng lại căn cứ vào mức lãi suất do Công ty Sao Kim yêu cầu để buộc Công ty VCG phải trả là không đúng quy định. Luật sư phía bị đơn đặt nghi vấn phải chăng Toà án nhân dân quận 7 không xem xét nghiên cứu hồ sơ chứng cứ của vụ án một cách toàn diện, khách quan?
Trong phần tranh luận về công nợ theo yêu cầu khởi kiện của Sao Kim, luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của VCG nhận định rằng Sao Kim hoàn toàn không có căn cứ để đòi bất kỳ khoản tiền nào liên quan tới các khách hàng được VCG miễn phí, ưu đãi phí quản lý vì hợp đồng 03 được xác định là hợp đồng dịch vụ phí cố định hàng tháng trong suốt thời gian thực hiện (72 tháng). Điều này được thể hiện rõ trong các giai đoạn từ hồ sơ chào giá của Sao Kim tới khi hai bên ký hợp đồng 03 và trong suốt quá trình hai bên thực hiện hợp đồng, được minh chứng rõ ràng trong nội dung hồ sơ dự thầu của Sao Kim, Hợp đồng 03, các biên bản đối chiếu và cấn trừ công nợ, tất cả các tài liệu này đều nêu rõ phí quản lý vận hành VCG phải trả cho Sao Kim cố định là 2,5 tỷ mỗi tháng. Từ thời điểm ký hợp đồng Sao Kim được kế thừa toàn bộ nguồn thu từ tòa nhà bao gồm thu phí quản lý của khách và thu phí khai thác hạ tầng.
Ngoài ra, theo quy định của hợp đồng là 72 tháng (6 năm) và hợp đồng chấm dứt hiệu lực “khi hết thời hạn Hợp đồng mà không có thỏa thuận gia hạn được các bên ký kết”. Như vậy, đây là hợp đồng xác định thời hạn, có điểm khởi đầu và điểm kết thúc. Ngày khởi đầu là ngày ký 20/2/2017 và do không đạt được thỏa thuận gia hạn nên hợp đồng được xác định ngày kết thúc là 20/2/2023.
Tuy nhiên, Bản án sơ thẩm cho phép Công ty Sao Kim tiếp tục thực hiện hợp đồng với lý do có tranh chấp. Nhưng theo các luật sư phía VCG, đây là tranh chấp công nợ, không đồng nghĩa với việc chiếm giữ tài sản để tiếp tục khai thác thu lợi từ chính khối tài sản của Công ty VCG. Tòa cho phép tiếp tục thực hiện hợp đồng với lý do có tranh chấp của Công ty Sao Kim là trái với thỏa thuận tự nguyện làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự.
Nghiêm trọng hơn là nguy cơ tranh chấp kéo dài không hồi kết với toà nhà số 12 Tân Trào, P.Tân Phú, Quận 7 vì Bản án sơ thẩm đã tuyên“Ngay sau khi bị đơn Công ty VCG thanh toán hết số nợ trên thì nguyên đơn Công ty Sao Kim phải bàn giao toàn bộ quyền quản lý vận hành tòa nhà số 03 theo quy định về chấm dứt hợp đồng tại điểm 9.5 Điều 9 của Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành số 03/2017/CCDVQLVH-SK ngày 20/02/2017.”
Như vậy, theo bản án sơ thẩm, trường hợp khi công ty VCG thanh toán hết thì công ty Sao Kim sẽ bàn giao tòa nhà số 03 cho công ty VCG mà không phải toà nhà VICTORY TOWER số 12 Tân Trào, P. Tân Phú, Quận 7 theo hợp đồng 03?
Do hết thời gian xét xử nên Chủ tọa phiên tòa quyết định tạm dừng buổi xét xử và sẽ thông báo lịch xét xử trong thời gian tới.