Nhìn lại cổ phiếu bất động sản tuần 1-5/3: Khởi sắc

Nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa vừa và nhỏ biến động tích cực trong tuần đầu tháng 3 và ghi nhận nhiều mã tăng từ 10 - 20%.

Thị trường chứng khoán trong tuần đầu tháng 3 ghi nhận diễn biến giằng co rung lắc khi tình trạng nghẽn lệnh diễn ra thường xuyên trên HoSE. Trong khi đó, diễn biến tích cực duy trì tốt trên 2 sàn HNX và UPCoM với giao dịch sôi động hơn.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 0,22 điểm (0,02%) so với tuần trước và đứng ở mức 1.168,69 điểm. HNX-Index tăng 10,58 điểm (4,25%) lên 259,8 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 1,92 điểm (2,51%) lên 78,56 điểm.

Dù thị thị trường chung có gặp một số khó khăn trong tuần qua nhưng nhóm cổ phiếu bất động sản biến động với diễn biến khá tích cực đặc biệt là nhóm vốn hóa vừa và nhỏ.

Trong số 113 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường chứng khoán thì có đến 68 mã tăng giá trong tuần đầu tháng 3, trong khi chỉ có 35 mã giảm.

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm bất động sản là NVT của CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay với 39% từ 8.480 đồng/cp lên 11.800 đồng/cp. Đáng chú ý, NVT đang có chuỗi 12 phiên tăng trần liên tiếp từ mức chỉ 5.310 đồng/cp lên 11.800 đồng/cp. Đà tăng của NVT đến ngay sau khi 2 quỹ ngoại Belton Investments Limited và ReCapital Investments Pte. Ltd bán ra toàn bộ lượng cổ phiếu NVT đang nắm giữ tỷ lệ lần lượt là 7,07% và 11,873% vào 8 – 9/2.

Các cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất.  
Các cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất.  
Cổ phiếu EIN của CTCP Đầu tư - Thương mại - Dịch vụ Điện lực cũng tăng đến 25,2%. Trong tuần, EIN có 3 phiên tăng trần và điều chỉnh ở 2 phiên còn lại. Thanh khoản của cổ phiếu này trong tuần 1 - 5/3 tăng mạnh so với trước đó. Khối lượng giao dịch bình quân đạt 151.000 đơn vị/phiên, gấp 4 lần so với thời điểm từ 17/2 đến 26/2.

Tương tự, cổ phiếu DTA của CTCP Đệ Tam cũng tăng 24,4% chỉ sau một tuần giao dịch. Thanh khoản của cổ phiếu này cũng có sự cải thiện hơn so với thời điểm trước đó.

Ba cổ phiếu bất động sản khác cũng tăng giá trên 20% là PFL của CTCP Dầu khí Đông Đô, API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương và PVL của CTCP Đầu tư Nhà đất Việt.

Điểm đáng chú ý trong số các cổ phiếu tăng mạnh nhất ở nhóm bất động sản tuần qua là những mã này đa phần thuộc 2 sàn HNX và UPCoM với vốn hóa vừa và nhỏ cùng với đó là thanh khoản tăng khá tốt. Diễn biến này được cho là dòng tiền có dấu hiệu chuyển hướng sang 2 sàn này để tìm kiếm cơ hội trước việc giao dịch trên HoSE diễn ra khó khăn bởi tình trạng lỗi lệnh liên tục xuất hiện.

Ở chiều ngược lại, chỉ có 2 cổ phiếu bất động sản giảm giá trên 10% trong tuần qua là TIX của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình và HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát với lần lượt 14,5% và 10%.

Các cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất.  
Các cổ phiếu bất động sản giảm giá mạnh nhất.  
Cổ phiếu DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh giao dịch tiêu cực bất chấp nhiều mã thuộc nhóm ngành bất động sản tăng tốt. Trong tuần, DXG giảm 5,3% từ 23.500 đồng/cp xuống 22.250 đồng/cp. Cuối ngày 5/3, FTSE Vietnam Index - Chỉ số cơ sở của FTSE Vietnam ETF vừa công bố kết quả cơ cấu danh mục định kỳ quý I/2020, trong đó, chỉ số này đã thêm mới cổ phiếu PDR và DXG vào danh mục trong kỳ cơ cấu này. Về diễn biến giá cổ phiếu PDR của Phát triển Bất động sản Phát Đạt trong tuần qua, cổ phiếu này giảm nhẹ 0,6% so với tuần trước với thanh khoản cũng luôn duy trì ở mức cao.

Đối với nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, hai cổ phiếu họ Vingroup là VIC của Tập đoàn Vingroup và VHM của CTCP Vinhomes giảm giá nên gây khó khăn đến đường đi của VN-Index. Trong khi đó, VRE của CTCP Vincom Retail có diễn biến ngược lại khi tăng mạnh 4,1%. Ba mã vốn hóa lớn khác là NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va, THD của CTCP Thaiholdings và BCM của Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Công nghiệp đều chỉ có được mức biến động nhẹ.

Tuấn Hào

Theo Reatimes