Nhìn lại cổ phiếu BĐS tuần 2-6/11: Các mã có yếu tố thị trường cao tăng mạnh

Nhóm cổ phiếu bất động sản biến động có phần tích cực trong tuần giao dịch đầu tháng 11, trong đó, các mã có yếu tố thị trường cao (thanh khoản cao) như SIP, FLC, DXG... đồng loạt tăng giá mạnh.

Thị trường hồi phục trở lại trong tuần qua với VN-Index tăng 12,82 điểm (1,4%) lên 938,29 điểm; HNX-Index tăng 3,965 điểm (2,9%) lên 139,31 điểm; UPCoM-Index tăng 0,72 điểm (1,15%) lên 63,57 điểm.

Đa số các nhóm ngành cổ phiếu đều có sự tăng trưởng ở tuần giao dịch vừa qua và nhóm bất động sản cũng nằm trong số này. Thống kê 112 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM thì có đến 67 mã ghi nhận sự tăng trưởng về thị giá so với tuần trước đó, trong khi chỉ có 29 mã giảm giá.

Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất nhóm ngành này là HTN của CTCP Hưng Thịnh Incons với mức tăng 23,3% chỉ sau 1 tuần giao dịch. Động lực tăng giá của HTN đến từ việc doanh nghiệp này công bố 16/11 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 18% (1 cổ phiếu nhận 1.800 đồng). Thời gian thanh toán 30/11/2020.

20 cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất.  
20 cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất.  
Cổ phiếu SIP của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG cũng tăng giá mạnh với 18,5%. Thông tin kết quả kinh doanh quý III/2020 đã tác động tích cực đến giá cổ phiếu SIP. Doanh thu quý III của SIP đạt 1.236 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế quý III đạt 252 tỷ đồng, tăng trưởng 25,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 doanh thu thuần đạt 3.417 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Công ty lãi sau thuế 676 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng 62,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 29/10, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô Thị An Lộc mua vào 572.800 cổ phiếu SIP qua đó nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này từ 15,55% (hơn 12,3 triệu cổ phiếu) lên thành 16,27% (hơn 12,9 triệu cổ phiếu).

Ngoài ra, rất nhiều cổ phiếu bất động sản có yếu tố thị trường cao (thanh khoản tốt) như FLC của Tập đoàn FLC, PWA của CTCP Bất động sản dầu khí, PFL của CTCP Dầu khí Đông Đô, DXG của CTCP Địa ốc Đất Xanh, HPX của CTCP Đầu tư Hải Phát, SCR của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín… cũng đồng loạt tăng giá mạnh. Trong đó, FLC tăng gần 18% ở tuần qua. Ngày 2/11, ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT FLC có thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) về việc giao dịch cổ phiếu của người nội bộ. Theo đó, ông Quyết muốn đăng ký mua thêm 30 triệu cổ phiếu FLC với mục đích mua để tăng tỷ lệ sở hữu. Thời gian dự kiến thực hiện giao dịch từ ngày 5/11/2020 đến ngày 4/12/2020, theo phương thức khớp lệnh.

Chiều ngược lại, cổ phiếu HU6 của CTCP Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị HUD 6 giảm giá mạnh nhất trong nhóm bất động sản với mức giảm 13,3%. Việc cổ phiếu HU6 đi xuống bất chấp thông tin mà đơn vị này mới công bố về việc 5/11 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2019 bằng tiền tỷ lệ 8% (1 cổ phiếu nhận 800 đồng). Thời gian thanh toán 25/11/2020.

20 cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất.  
20 cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất.  
Bên cạnh đó, cả 3 cổ phiếu là HD2 của CTCP Đầu tư phát triển nhà HUD 2, STL của CTCP Sông Đà - Thăng Long và PVR của CTCP Đầu tư PVR Hà Nội đều có mức giảm trên 10% tuy nhiên, cả 3 cổ phiếu này đều thuộc diện thanh khoản rất thấp hoặc rất hiếm khi giao dịch, thậm chí có cổ phiếu còn đang nằm trong diện bị hạn chế giao dịch.

Trong khi đó, HQC của CTCP Địa ốc Hoàng Quân, SJS của CTCP Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu Công nghiệp Sông Đà, KDH của CTCP Nhà Khang Điền… đều giảm giá ở tuần vừa qua nhưng mức giảm đều chỉ ở dưới 2%.

Tuấn Hào

Theo Reatimes