NHNN: Chỉ kiểm soát rủi ro vào lĩnh vực bất động sản đầu cơ
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) một lần nữa khẳng định không siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, mà chỉ kiểm soát rủi ro vào lĩnh vực bất động sản đối với những trường hợp kinh doanh đầu cơ, những dự án có phân khúc giá trị lớn
Tại tọa đàm “Khơi thông nguồn vốn cho thị trường bất động sản” vừa được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – mã: CTG) cho biết, hiện không có văn bản nào của NHNN là siết chặt hay hạn chế cho vay bất động sản.
Ngày 1/6, Vietinbank có văn bản hướng dẫn các chi nhánh trong việc cho vay liên quan lĩnh vực bất động sản. Dư nợ bất động sản chiếm khoảng 20% danh mục tín dụng, nợ xấu cho vay bất động sản khoảng 0,3% là một con số tích cực so với ngành nghề khác.
Theo đại diện của VietinBank, thì ngân hàng vẫn ưu tiên cho vay đối với các chủ đầu tư có kinh nghiệm và các dự án đang triển khai có vị trí tốt, quy hoạch hạ tầng thuận lợi. Đặc biệt là các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại các vùng thu hút du lịch lớn. Tất cả những dự án khả thi, đảm bảo khả năng trả nợ thì các ngân hàng sẽ ưu tiên cho vay.
Ông Vinh cũng cho biết, thời gian vừa qua, nhiều thông tin cho thấy có những địa phương ghi nhận giá bất động sản tăng đến mấy trăm % chỉ trong vòng vài năm. Do đó mới có câu chuyện kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực này.
“Ngày 7/4 vừa qua chúng tôi có nhận được Công điện của Thủ tướng về việc chấn chỉnh hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như đấu giá quyền sử dụng đất. Các ngân hàng chúng tôi không có một văn bản nào siết chặt hay hạn chế tín dụng vào bất động sản. Thực tế, ngày 1/6 vừa qua, chúng tôi có ký một văn bản chỉ đạo toàn hệ thống của VietinBank về việc hướng dẫn các chi nhánh trong việc cho vay vốn liên quan đến các dự án bất động sản”, ông Vinh cho hay.
Vị vày cho biết thêm, dư nợ bất động sản tại VietinBank tính đến thời điểm hiện tại đang chiếm khoảng 20% danh mục tín dụng của nhà băng này. Nợ xấu cho vay bất động chỉ khoảng 0,3%.
Liên quan đến việc bất động sản tại một số nơi hạ nhiệt, lãnh đạo nhà băng này cho rằng, đây là tín hiệu giúp thị trường minh bạch hóa chứ không phải thị trường gặp rủi ro liên quan đến việc ngân hàng không cho vay.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất về mặt dài hạn, "các cơ quan quản lý làm sao để thị trường bất động sản minh bạch hơn để các ngân hàng yên tâm cho vay”, Phó Tổng giám đốc VietinBank cho hay.
Đồng quan điểm với VietinBank, ông Trần Phương Phó Tổng giám đốc BIDV (HoSE: BID) cho biết, đối với các dự án của chủ đầu tư, BIDV sẽ chú ý đến năng lực tài chính của khách hàng, vốn tự có, vốn huy động, sau đó tính đến tiền vay, phát hành trái phiếu, các loại chứng khoán, cổ phần.
Cũng theo vị này, trong quá trình triển khai cho vay, BIDV cũng rất chú ý đến năng lực tài chính của khách hàng xem có lành mạnh hay không. Những dự án chủ đầu tư có kinh nghiệm, tính khả thi, vị trí phù hợp và khả năng bán hàng tốt sẽ được cho vay.
Ví dụ, các dự án bất động sản khu công nghiệp các chủ đầu tư chọn gần các khu gần sân bay, cảng biển, các dự án có khả năng khả năng thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào khu công nghiệp thì khi đó ngân hàng sẽ cùng với khách hàng thương lượng các điều kiện để cho vay.
Ngoài ra, doanh nghiệp phải có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bất động sản. Bên cạnh đó, phải xem cấu trúc huy động vốn của doanh nghiệp ngắn hay dài hạn, có đảm bảo tính bền vững hay không, có phù hợp với cơ cấu vốn tự có của doanh nghiệp hay không,…
Lãnh đạo BIDV cho biết, khi vay vốn vẫn phải có điều kiện như tài sản đảm bảo, do bất động sản lợi nhuận cao nên rủi ro cũng lớn. Đây không phải là thị trường ngắn hạn nên trong quá trình làm việc phải có sự thoả thuận, doanh nghiệp có doanh thu lợi nhuận bền vững thì ngân hàng cũng phải được đảm bảo an toàn trong dài hạn.
Ông Phương cho biết, tính đến hết ngày 31/5/2022, dư nợ tín dụng của BIDV tăng trưởng 6,51%. Riêng tốc độ tăng trưởng tín dụng cho vay tiêu dùng (trong đó có cho vay mua nhà) tăng gần 14%.
“Có nghĩa là chúng tôi không hạn chế mà cho vay trên cơ sở nhu cầu thực tế của người mua nhà chứ không phải cho vay để đầu cơ mua đi bán lại. Chúng tôi cũng đang xem xét kỹ lượng để hạn chế và không cấp tín dụng cho những trường hợp này”, ông Phương nhấn mạnh.
Tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN, Đào Minh Tú một lần nữa khẳng định, NHNN chưa bao giờ có văn bản siết tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, mà chỉ kiểm soát rủi ro vào các dự án có yếu tố đầu cơ, giá trị lớn.
Theo Phó Thống đốc NHNN, chính sách nói chung của ngành ngân hàng có 2 nguyên tắc, mục tiêu quan trọng. Thứ nhất, là đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị đồng tiền - đây là chủ trương của Quốc hội, Chính phủ không chỉ trong ngắn hạn mà cả trong trung dài hạn. Thứ hai, là đảm bảo an toàn cho hệ thống các tổ chức tín dụng không dẫn đến đổ vỡ sẽ gây ra hệ lụy rất nhiều.
Theo ông Đào Minh Tú: “Dự án hiệu quả, có dòng tiền tôi khuyến khích các nhà băng quan tâm, cho vay chứ NHNN không siết, thắt gì vào lĩnh vực này, quyền quyết định cho vay của các ngân hàng thương mại. Vì các ngân hàng cũng là doanh nghiệp đi huy động để cho vay, có trách nhiệm trả cho người gửi tiền, do đó cho vay phải thu được nợ, đấy là nguyên tắc. Trong cơ chế thị trường bình đẳng, không vay được ngân hàng này thì vay ngân hàng khác, nhưng đến nhiều ngân hàng mà chỗ nào cũng từ chối thì khách hàng phải xem lại mình”.
NHNN chỉ kiểm soát rủi ro vào lĩnh vực bất động sản đối với những trường hợp kinh doanh đầu cơ, những dự án có phân khúc giá trị lớn. Bởi, trong trường hợp doanh nghiệp mất thanh khoản sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường tài chính nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Chưa kể, việc tập trung vốn quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng lũng đoạn, đầu cơ, thổi giá… gây ra những hiện tượng nóng, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, dư nợ tín dụng lĩnh vực này đạt 2,288 triệu tỷ đồng, trong đó phân khúc kinh doanh, đầu tư khoảng 750.000 tỷ đồng, còn lại là đối tượng vay mua nhà ở. Tính đến ngày 30/4, tốc độ tăng tín dụng 10,19% (cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế khoảng 7%) và chiếm 20% tổng dư nợ kinh tế (trước đây hơn 19%). Tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ tín dụng ở phân khúc này tăng 11,5% và hiện nay còn tăng cao hơn bình quân tăng trưởng chung đối với nền kinh tế.