Nhóm VN30 phá vỡ chuỗi tăng 7 phiên của VN-Index
Dòng tiền có xu hướng đổ vào các ngành như hoá chất, thép, năng lượng, ngân hàng và vận tải biển, trong đó ngành thép ghi nhận sự “thăng hạng” dòng tiền tốt nhất.
Dù rằng việc điều chỉnh sau 7 phiên tăng liên tiếp là bình thường nhưng vùng 1.290 – 1.300 điểm vẫn là nỗi ám ảnh đối với các nhà đầu tư trong nhiều tháng qua. Phiên 10/7, chỉ số VN-Index giảm 7,77 điểm, tương đương 0,6%, từ 1.293 điểm xuống 1.285 điểm.
Áp lực điều chỉnh chủ yếu tới từ nhóm VN30. Chỉ số đại diện nhóm này giảm tới 0,82% với 23 mã ghi nhận sắc đỏ.
Các mã đã tăng mạnh thời gian qua giờ đây trở thành “tội đồ” khiến VN-Index giảm mạnh, có thể kể đến FPT (tác động tiêu cực nhất tới VN-Index) với mức giảm 2,55%, MWG (tác động tiêu cực thứ tư tới VN-Index sau GVR và BID) với mức giảm 2,4% và LPB (tác động tiêu cực thứ năm tới VN-Index) với mức giảm 2,35%.
Nhìn chung, sắc đỏ lấn át sắc xanh ở hầu hết nhóm ngành và ít khi xuất hiện các mã giảm mạnh trên 2%. Tích cực nhất có lẽ là nhóm bất động sản khi tương quan tăng – giảm khá cân bằng, trong đó ấn tượng nhất là CKG và NTL đồng loạt tăng kịch trần.
Trên thực tế, áp lực bán không lớn khi thanh khoản khớp lệnh trên sàn HoSE chỉ ở mức 17.915 tỷ đồng, thấp hơn 11% so với phiên trước đó. Dòng tiền có xu hướng đổ vào các ngành như hoá chất, thép, năng lượng, ngân hàng và vận tải biển, trong đó ngành thép ghi nhận sự “thăng hạng” dòng tiền tốt nhất sau khi rộ lên thông tin sẽ sớm áp thuế chống bán phá giá với thép và tôn mạ nhập khẩu.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán vẫn đang trong tình trạng tương đối trống thông tin nên sức đẩy VN-Index chưa đủ tạo ra bứt phá. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng kết quả kinh doanh quý II/2024 khởi sắc của các doanh nghiệp niêm yết lần lượt công bố trong vòng vài tuần tới sẽ “tiếp lửa” cho VN-Index vượt dứt khoát mốc 1.300 điểm.