Những rủi ro phải đối mặt khi mua nhà phố giá rẻ

Với ưu điểm tiện lợi, tiết kiệm thời gian, nhiều người lựa chọn mua nhà xây sẵn được rao bán với mức giá rẻ nhưng có vẻ ngoài khang trang. Tuy nhiên, không ít trường hợp “tiền mất tật mang” vì nhà xây sẵn với mức giá rẻ đồng nghĩa với việc bạn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro.

Những rủi ro phải đối mặt khi mua nhà phố giá rẻ - Ảnh 1

Rủi ro pháp lý

Phần lớn loại hình nhà phố giá rẻ có chung chủ quyền đất, đồng sở hữu sổ đỏ với các hộ liền kề khác vì thế khi có nhu cầu mua đi bán lại hay dùng để vay vốn, thế chấp ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn, thủ tục giấy tờ rắc rối. Hơn nữa khi sở hữu chung quyền sử dụng đất sẽ thường xuyên xảy ra tình trạng tranh chấp việc lấn chiếm diện tích dẫn đến những mâu thuận, kiện tụng,…

Thêm một vấn đề có thể phát sinh nếu ngôi nhà nằm trên khu đất thuộc diện quy hoạch của nhà nước nhưng lại không tìm hiểu kỹ thông tin, nhẹ dạ nghe theo lời của môi giới nhà đất hay chủ đầu tư là sẽ gỡ quy hoạch thì khi khu đất bị giải tỏa người mua sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Nhiều khách hàng từng mua nhà phố giả rẻ cho biết, lúc “xuống tiền” mua nhà được môi giới cam kết khi cần chuyển nhượng chỉ cần sang tên, công chứng như bình thường. Nhưng thực tế, đến khi có nhu cầu bán phải cần có được chữ ký của các chủ sở hữu còn lại. Chẳng may nếu có mâu thuẫn với chủ hộ khác thì phải mất khá nhiều thời gian để nhận được sự đồng nhất của tất cả các chủ sở hữu chung hoặc phải nhờ đến sự can thiệp của chính quyền địa phương mới có thể hoàn tất thủ tục bán nhà.

Loại hình nhà phố giá rẻ thường có chung chủ quyền đất  
Loại hình nhà phố giá rẻ thường có chung chủ quyền đất  

Chất lượng thi công không đảm bảo

Với mức giả khá rẻ chỉ tầm 1 tỷ nhưng nhà phố lại có vẻ ngoài “hào nhoáng” hơn mức tiền bỏ ra như thiết kế nhà cao tầng đẹp mắt, sang trọng, cảm giác kiên cố vững chắc. Tuy nhiên, đến khi bắt đầu vào ở chỉ trong một thời gian ngắn mới biết “trong chăn có rận”, nhiều sự cố liên tiếp xuất hiện như sụp lún, dột, thấm nước, tường bị nứt, sàn bị lở, hệ thống điện nước không an toàn,…mà chủ đầu tư không cần chịu bất kì trách nhiệm nào, người sỡ hữu phải mất một số tiền không nhỏ để tự sửa chửa, nâng cấp.

Bởi những căn nhà phố giá rẻ thường được xây dựng nhanh chóng trong thời gian ngắn trên đất nền cũ nát, vừa xây xong liền rao bán, các công đoạn thi công không thực hiện đúng quy trình thậm chí là bị bỏ qua để theo kịp tiến độ bàn giao nhà. Ngoài ra những nguyên vật liệu sử dụng để xây dựng thông thường là vật liệu cũ và rẻ tiền nhất nhằm tiết kiệm chi phí xây dựng hoặc là bị cắt xén nguyên liệu để giảm mức vốn bỏ ra hết mức có thể. Mua những căn nhà phố giá rẻ vào lúc đầu nhưng sau đó phải bỏ ra một số tiền có thể lên đến trăm triệu cho việc sửa chữa.

Vị trí bất tiện, thiếu an toàn

Nhà phố giá rẻ thường được xây dựng ở khu vực xa trung tâm thành phố, thuộc các quận vùng ven, trong những con hẻm và tuyến đường nhỏ, ít dân cư, vắng vẻ, không thuận lợi cho di chuyển, cơ sở hạ tầng xung quanh vẫn chưa được hoàn thiện, cách khá xa chợ, siêu thị, trường học,... địa hình thấp dễ bị ngập lụt khi có mưa lớn và an ninh không được đảm bảo đặc biệt với nhưng gia đình có con nhỏ.

Nhiều người dân đã bị rơi vào “bẫy” khi đi xem và mua nhà vào mùa nắng thấy đất nền cũng khá cao nhưng khi đến mùa mưa thì tất cả khu vực đó đều bị ngập nước, thậm chí nếu mưa dai dẳng kéo dài nước dâng lên tới gần nửa mét, gây nhiều khó khăn bất tiện. Nhưng đến khi muốn bán lại ngang giá vốn thì rất khó buộc phải hạ giá thấp hơn nhiều so với lúc mới mua.  

Lưu ý nào để tránh rủi ro không đáng có

Căn nhà là khối tài sản lớn của đa số người dân, do đó cần cẩn trọng, tỉnh táo. Để đánh giá một căn nhà và thực hiện một giao dịch mua bán nhà phố cần có những kiến thức và kinh nghiệm nhất định.

Để hạn chế rủi ro không đáng có, người mua không nên tin tưởng quá nhiều vào người môi giới mà hãy “tự thân” tìm hiểu thông tin các vấn đề pháp lý cần thiết; tốt nhất nên kham khảo ý kiến của những người có chuyên môn trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, nên kiểm tra đầy đủ giấy tờ, nhất là thông tin liên quan đến quy hoạch, giải tỏa. Quan trọng nhất, cần biết rõ uy tín và năng lực của chủ đầu tư, các vấn đề như bảo vệ, phí dịch vụ quản lý, vận hành,… để có thêm cơ sở đưa ra quyết định.

Nguyên Ngọc

Theo Chất lượng và Cuộc sống