Nợ nhóm 4 và nhóm 5 tại loạt ngân hàng lớn tăng mạnh
9 tháng đầu năm 2020, nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) giảm tại Eximbank, BIDV, MB,... nhưng sang nhóm nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) lại tăng đột biến.
Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 10 của Chính phủ diễn ra ngày 30/10, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết trong 9 tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng mọi mặt đời sống kinh tế khiến người gửi tiền ngân hàng là doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn, nguồn thu giảm, khả năng trả nợ khó khăn. Trong đó, các ngân hàng là trung gian tài chính cũng bị ảnh hưởng, đó là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu tăng.
Hiện tại đã có khoảng 28 ngân hàng công bố thông tin về nợ xấu (trong đó có Saigonbank, SCB, VietABank không công bố thuyết minh báo cáo tài chính, do đó không có thông tin về nợ xấu của Ngân hàng).
Tính đến ngày 30/9/2020, chỉ có 3 ngân hàng ghi nhận tổng nợ xấu giảm so với đầu năm. Bao gồm PGBank giảm nhẹ 5% so với đầu năm, đạt gần 715 tỷ đồng; Techcombank giảm 55%, ghi nhận 1.384 tỷ đồng và Seabank giảm 0,75%, ghi nhận gần 2.184 tỷ đồng. Trong khi đó, bình quân nợ xấu các ngân hàng đều tăng từ 20% trở lên so với đầu năm.
Đáng chú ý, cơ cấu nhóm nợ có dấu hiệu dịch chuyển mạnh từ nhóm nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) sang nhóm nợ nghi ngờ (nhóm 4) và nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).
Cụ thể, tại Eximbank, tính đến cuối tháng 9/2020, nợ xấu tăng 29% so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 giảm 67% so với đầu năm, chỉ còn 321 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ nhóm 4 và 5 tăng vọt 279% và 99%, lần lượt đạt 549 tỷ đồng và gần 1.621 tỷ đồng.
Tương tự tại SHB, chất lượng nợ vay có chiều hướng “ảm đạm” khi tăng 43% nợ xấu so với đầu năm lên mức gần 7.209 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 ở mức 950 tỷ đồng, giảm 11% so với hồi đầu năm nhưng nợ nhóm 4 lại tăng vọt 218% lên mức gần 1.474 tỷ đồng và nợ nhóm 5 cũng tăng 36% lên mức 4.784 tỷ đồng.
Hay tại NamABank, tính đến 30/9/2020, tổng nợ xấu tăng 47% so với đầu năm, ghi nhận 1.963 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 giảm 72%, xuống còn gần 147 tỷ đồng nhưng nợ nhóm 4 và 5 lại tăng đến 130% và 120%, lần lượt ở mức 1.233 tỷ đồng và 583 tỷ đồng.
Trường hợp này cũng xảy ra tương tự tại những ngân hàng có quy mô lớn.
Chẳng hạn tại MBB, kết thúc 9 tháng đầu năm, tổng nợ xấu đạt 4.036 tỷ đồng, tăng 39% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 ở mức 1.036 tỷ đồng, giảm 25% so với hồi đầu năm. Tuy nhiên, nợ nhóm 4 tăng 13%, lên mức 1.017 tỷ đồng và đặc biệt nợ nhóm 5 tăng tới 221% lên mức 1.982 tỷ đồng.
Hay tại “ông lớn” BIDV, đến cuối tháng 9/2020 tổng nợ xấu tăng 16% so với đầu năm, ghi nhận 22.525 tỷ đồng. Nợ nhóm 3 giảm 15%, ghi nhận 3.259 tỷ đồng nhưng nợ nhóm 4 và 5 lại tăng 15% và 26% so với hồi đầu năm, lần lượt đạt gần 4.951 tỷ đồng và gần 14.316 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, một số nhà băng lại ghi nhận nợ nhóm 3 tăng mạnh. Chẳng hạn như “ông lớn” Vietcombank, tại ngày 30/09/2020, tổng nợ xấu tăng mạnh 36% so với đầu năm, lên gần 7.885 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng vọt 326%, lên gần 2.923 tỷ đồng và nợ nhóm 4 cũng tăng mạnh 172% lên 1.599 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ nhóm 5 lại giảm 26%, xuống còn 3.362 tỷ đồng.
Tương tự, tính đến cuối tháng 9/2020 MSB tổng nợ xấu tăng 31% so với đầu năm, ghi nhận 1.702 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 và nhóm 4 tăng vọt 139% và 114% so với đầu năm, lần lượt đạt 362 tỷ đồng và 359 tỷ đồng. Tuy nhiên, nợ nhóm 5 lại xấp xỉ so với đầu năm.
Thực tế, nợ xấu ngân hàng tăng mạnh hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng rất nhiều. Do đó, kéo theo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng cao theo. Kết thúc 9 tháng đầu năm, KLB có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống ngân hàng với 6,63%, tiếp theo là VPBank (3,65%). Ngoài ra, có hai ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu gần 3% là PGBank (2,87%) và ngân hàng Bản Việt (2,98%).