Nợ thuế hàng trăm tỷ và loạt dự án dang dở của Tập đoàn Hoành Sơn

Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn (Hoành Sơn Group), là một trong những doanh nghiệp nợ thuế lớn tại Hà Tĩnh. Hiện tại, tập đoàn này thông qua các công ty con trong hệ sinh thái đang triển khai nhiều dự án lớn nhưng đa số đang trong tình trạng dang dở.

Tập đoàn nợ thuế lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh

Theo Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn nợ thuế với số tiền 109,142 tỷ đồng và trở thành doanh nghiệp nợ thuế lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh tính đến hết tháng 11/2022. Cục Thuế Hà Tĩnh đã chuyển Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn sang danh mục doanh nghiệp nợ thuế công khai trên cổng thông tin Cục Thuế Hà Tĩnh.

Theo dữ liệu tại Cổng đăng ký thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn được thành lập ngày 19/1/2001, bởi ông Phạm Hoành Sơn, sinh năm 1972 làm người đại diện pháp luật.

Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn nằm trong danh mục DN nợ thuế công khai trên cổng thông tin Cục Thuế Hà Tĩnh
Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn nằm trong danh mục DN nợ thuế công khai trên cổng thông tin Cục Thuế Hà Tĩnh

Công ty cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn có ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là khai thác đá, cát, sỏi, đất sét (Chi tiết: Khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng (cát, đất, đá, sỏi....)). Địa chỉ trụ sở chính tại tổ dân phố Thuận Minh, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Thời điểm tháng 7/2014, vốn điều lệ Hoành Sơn Group ở ngưỡng 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm ông Phạm Hoành Sơn sở hữu 94%; bà Nguyễn Thị Hằng Nga sở hữu 4% và ông Phạm Ngọc Hà sở hữu 2% còn lại.

Đến tháng 6/2016, vốn điều lệ Hoành Sơn Group được nâng lên 2.500 tỷ đồng. Bà Phạm Ngọc Hà lúc này đã chuyển nhượng 1% số cổ phần mình nắm giữ cho ông Phạm Hoành Sơn, 1% cổ phần còn lại cho cổ đông góp vốn mới là ông Nguyễn Tiến Ngọc.

Hoành Sơn Group có trụ sở đóng tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh)
Hoành Sơn Group có trụ sở đóng tại phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh)

Như vậy, cơ cấu cổ đông Hoành Sơn Group lúc này có ông Phạm Hoành Sơn nắm giữ 95%; bà Nguyễn thị Hằng Nga nắm giữ 4% và ông Nguyễn Tiến Ngọc nắm giữ 1%.

Tuy nhiên, năm 2018, vốn điều lệ Hoành Sơn Group giảm về còn 1.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Ngọc chuyển nhượng số cổ phần của mình sở hữu sang cho bà Lưu Thị Duyên.

Tháng 9/2020, vốn điều lệ Hoành Sơn Group tăng lên mức 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là ông Phạm Hoành Sơn.

Loạt dự án lớn dang dở

Theo thông tin trên trang chủ Hoành Sơn Group giới thiệu, Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn là một doanh nghiệp đa ngành nghề gồm các lĩnh vực như: thương mại xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển; khai thác tàu biển, các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Indonesia; sản xuất phân bón; điện mặt trời...

Tại Hà Tĩnh, Tập đoàn Hoành Sơn là doanh nghiệp đã triển khai xây dựng các dự án như: dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng 4.415 tỷ đồng, cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn 1.410 tỷ đồng, nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh 1.200 tỷ đồng, nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên 1.458 tỷ đồng…

Ngoài những dự án đã được đầu tư, hiện nay Hoành Sơn Group đang là chủ đầu tư loạt dự án lớn khác. Tuy nhiên, nhiều dự án trong số này qua nhiều năm vẫn dở dang như: dự án cảng Phước An; dự án Cảng tổng hợp quốc tế tại Vũng Áng; trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê tại TP. Hà Tĩnh; Trung tâm thương mại phường Hưng Dũng, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.

Trong đó, dự án cảng Phước An (Đồng Nai) có tổng diện tích lên tới 733,4 ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), với tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng do Công ty TNHH MTV Hoành Sơn (công ty con của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn) sở hữu 44% vốn điều lệ. Dự án được triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Với dự án Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (Dự án Bến số 4), thuộc Cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh được Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn khởi công xây dựng từ tháng 10/2016. Dự án có tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 16,1 ha, gồm một cầu cảng có thể tiếp nhận tàu chở hàng có trọng tải 50.000DWT, cùng hệ thống kho bãi và khu dịch vụ hậu cảng với công suất khai thác dự kiến 2,3 triệu tấn/năm.

Sau hơn 5 năm triển khai, sau 2 lần gia hạn tiến độ, đến nay công trình vẫn ngổn ngang, nhiều hạng mục chưa thể hoàn thành đưa vào sử dụng. Lần gia hạn mới đây nhất, Ban quản lý KKT Vũng Áng cho phép dự án sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị và đi vào hoạt động trước ngày 30/6/2021. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm hiện nay dự án vẫn chưa hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động theo tiến độ đăng ký.

Tại dự án Trung tâm thương mại Trần Phú, TP. Hà Tĩnh, bao gồm tòa nhà trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng cho thuê, khách sạn tiêu chuẩn 4 sao có tổng mức đầu tư tư hơn 220 tỷ đồng được Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn khởi công xây dựng từ 2019. Đến nay, sau nhiều năm dự án chỉ xây dựng được phần thô rồi “án binh bất động”.

Cùng thực trạng trên, tại dự án Trung tâm thương mại khách sạn và dịch vụ tổng hợp của Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn tại phường Hưng Dũng, TP. Vinh được tỉnh Nghệ An cấp giấy phép xây dựng từ 7/2019. Dự án này đến nay  vẫn vẫn chưa hoàn thành đưa vào hoạt động như cam kết…

Cụ thể các dự án này được triển khai như thế nào và doanh thu của Hoành Sơn Group ra sao, VietnamFinace tiếp tục thông tin.

Văn Tuân

Theo VietnamFinance