Nợ xấu nhìn từ việc Agribank rao nợ hàng trăm tỷ mà nợ lãi to hơn nợ gốc!

Ngân hàng như cỗ máy robot trong việc xử lý nợ xấu khiến các khoản nợ trở thành những con số khó tưởng.

Ngân hàng như cỗ máy robot trong việc xử lý nợ xấu khiến các khoản nợ trở thành những con số khó tưởng.

Những ngày này, khi nợ xấu ngân hàng trở thành điểm nghẽn và được giới truyền thông nhắc đến nhiều thì câu chuyện xử lý nợ tại nhiều ngân hàng trở nên...bi hài. Có ngân hàng miệt mài rao bán khoản nợ với giá trị nợ gốc có khi còn thấp hơn nợ lãi. 

Ngày 29/4, Agribank AMC rao bán toàn bộ khoản nợ của Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long tại Agribank Chi nhánh tỉnh Hưng Yên. Khoản nợ này phát sinh từ tháng 6/2012. Giá trị ghi sổ của khoản nợ (tạm tính đến ngày 31/01/2022) là 26,6 tỷ đồng. Trong đó dư nợ gốc là gần 15,5 tỷ đồng và dư nợ lãi 11,16 tỷ đồng. Lưu ý quan trọng là tiền lãi tiếp tục phát sinh cho đến khi Nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản Thăng Long thanh toán hết nợ gốc tại Agribank Chi nhánh tỉnh Hưng Yên.

Trước đó, Agribank AMC cũng thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu. Khoản nợ này theo hợp đồng tín dụng từ năm 2010. Tổng giá trị khoản nợ tính đến hết ngày 26/08/2021 là 90,1 tỷ đồng trong đó dư nợ gốc gần 47 tỷ và dư nợ lãi 43,25 tỷ và khoản nợ này đã rơi vào trạng thái phải chịu lãi quá hạn gần 2 tỷ đồng tính đến 26/8/2021.

+ Dư nợ gốc: 46.928.000.000 đồng. (Bằng chữ: Bốn mươi sáu tỷ, chín trăm hai mươi tám triệu đồng).

+ Nợ lãi tính đến ngày 26/08/2021: 43.259.221.251 đồng, gồm lãi trong hạn: 41.286.317.771 đồng, lãi phạt quá hạn: 1.972.903.480 đồng.

Điều đáng nói là khoản vay này có giá trị không hề nhỏ nhưng trong bản thông tin đăng ký bán nợ thì khoản vay không có tài sản bảo đảm.

Nợ xấu nhìn từ việc Agribank rao nợ hàng trăm tỷ mà nợ lãi to hơn nợ gốc! - Ảnh 1

Thông báo đấu giá tài sản đảm bảo của Agribank

Cũng trong những ngày cuối tháng 4/2022, Agribank chi nhánh Thủ Đô thông báo bán toàn bộ khoản nợ của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình (trụ sở tại: Số 23, Lô 1, Khu 97 Bạch Đằng, P.Hạ Lý, Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng). Giá trị ghi sổ khoản nợ đến ngày 26/04/2022 là gần 80 tỷ đồng trong đó dư nợ gốc 50 tỷ đồng và lãi trong hạn và lãi quá hạn gần 30 tỷ đồng. Tiền lãi tiếp tục phát sinh từ ngày 26/04/2022 cho đến khi Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình thanh toán hết nợ gốc tại Agribank Chi nhánh Thủ Đô.

Điều đáng nói là với giá trị khoản nợ cả gốc cả lãi là 80 tỷ đồng trong khi tài sản đảm bảo cho khoản nợ gồm Quyền sử dụng 100 m2  đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Thủy Nguyên, Hải Phòng; Quyền sử dụng 78,5 m2 đất, Quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại Hồng Bàng, Hải Phòng còn lại là cổ phiếu QBS của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Quảng Bình. Không rõ mức giá và số lượng cổ phiếu QBS đã thế chấp ở Agribank là bao nhiêu nhưng, đã nhiều năm nay cổ phiếu QBS dưới xa mệnh giá.Sau năm 2020 lỗ sâu thì QBS đã có lãi nhẹ vào năm 2021 nhưng mức lãi vỏn vẹn vài trăm triệu đồng.

Agribank AMC cũng rao bán khoản nợ với giá trị ghi sổ khoản nợ của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng PMC tại Agribank Chi nhánh Gia Định tạm tính đến ngày 31/05/2021 là: 32,2 tỷ đồng trong đó dư nợ gốc là 13,7 tỷ đồng và dư nợ lãi là 18,5 tỷ đồng kèm ghi chú tiền lãi tiếp tục phát sinh kể từ ngày 31/05/2021 cho đến khi Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng PMC thanh toán hết nợ gốc tiền vay tại Agribank Chi nhánh Gia Định! Tài sản đảm cho khoản vay của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng PMC: Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại 1915 đường trước trường mầm non (nay là số 11 Bùi Thế Mỹ,  Phường 10, Quận Tân Bình) với diện tích 261,6m2. 

Còn rất nhiều thông tin đem bán đấu giá tài sản đảm bảo nữa khiến người tiếp cận thông tin không khỏi...ngạc nhiên. Ngân hàng dường như đang rao bán những điều phi lý khi mà ngày qua ngày nợ lãi cứ tăng lên trong khi thứ để đảm bảo cho khoản nợ (nếu có)vẫn cứ giữ nguyên theo ngày tháng. Mỗi lần rao bán lại là một lần dư nợ lãi tăng lên theo thời gian. Ai mua sự phi lý có lẽ không phải điều ngân hàng quan tâm mà chỉ đăng cho có, đăng hết lần này đến lượt khác cho xong nhiệm vụ...đăng tin.  

Ngô An

Theo Chất lượng và cuộc sống