Agribank rao bán con tàu nghiêng đắm, rỉ sét, hà bám toàn bộ trong và ngoài tàu
Tài sản đảm bảo lại không còn thật sự đảm bảo có thể xuất phát từ khi thẩm định cho vay hoặc cả quá trình cho vay đã mặc kệ tài sản bảo đảm. Nhưng cuối cùng, thiệt hại sẽ như thế nào là một dấu hỏi rất lớn!
Thêm một tin rao bán tài sản thế chấp được Agribank chi nhánh Bắc Hải Phòng công bố. Đây là một trong số nhiều tin rao bán "dở khóc dở cười" khi người đọc tiếp cận của Agribank. Sở dĩ nói dở khóc dở cười là bởi lẽ, tài sản đảm báo nay bị ngân hàng thu hồi, rao bán gần như chỉ còn là đống sắt vụn và việc rao bán đôi khi chỉ như một thủ tục!
Rao bán con tàu nghiêng đắm bên trái, khoang máy và các khoang trên boong tàu cũng bị ngập trong nước biển
Bản tin tìm đơn vị bán đấu giá tài sản đảm bảo của Agribank ghi rõ, tài sản đảm bảo là Tàu chở hàng có cửa xả đáy: Phú Tài 03, số đăng ký: HP 4715. Cấp phương tiện: VR-SB; Công dụng: Tàu chở hàng có cửa xả đáy; Năm và nơi đóng: 2018- Hải Phòng; Chiều dài thiết kế: 66,26 m; Chiều dài lớn nhất: 69 m; Chiều rộng thiết kế: 12 m; Chiều rộng lớn nhất: 12,2 m; Chiều cao mạn: 3,6 m; Chiều chìm: 2,94 m; Mạn khô: 0,668 m; Vật liệu vỏ: Thép; Số lượng, kiểu, công suất máy chính và số máy: 1/YC6TD600L-C20;/600CV/TD2C1G90027; Trọng tải toàn phần, số lượng người được phép chở, sức kéo, đẩy: 1.525,07 tấn.
Giấy tờ tài sản thế chấp: Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa số: 4398/ĐK, số Sêri: HP 000221 do Sở giao thông vận tải thành phố Hải Phòng cấp ngày 24/4/2018 cho chủ phương tiện là Công ty cổ phần quản lý tàu biển Phú Tài.
-Vị trí neo đậu tài sản: xã An Thới, huyện Phú Quốc, Tỉnh Kiên Giang.
- Hiện trạng tài sản: Hiện trạng con tàu đã xuống cấp nghiêm trọng, thân vỏ tàu bị gỉ sét, hà bám toàn bộ trong và ngoài tàu, tàu nghiêng đắm bên trái tàu, khoang máy và các khoang trên boong tàu cũng bị ngập trong nước biển.
-Giá khởi điểm của tài sản nêu trên là: 9.000.000.000 đồng.
Xem thông tin trên có thể thấy, con tàu này đóng vào năm 2018 tức cũng chỉ mới khoảng 4 năm. Không biết tàu hoạt động mang lại hiệu quả kinh tế được bao lâu nhưng khi ngân hàng đem rao bán thì tàu đã xuống cấp nghiêm trọng. Và, với mô tả con tàu bị hà bám toàn bộ trong và ngoài tàu, tàu bị nghiêng đắm bên trái tàu, khoang máy bị ngập nước biển thì có thể đi đến một kết luận là tài sản đảm bảo đã không có sự chăm sóc nào đáng kể từ lâu. Tài sản đó để mặc mưa, gió, nước biển bào mòn chờ đợi. Đợi điều gì xảy ra thì có lẽ, mỗi người sẽ có một chủ ý nhưng rõ ràng, điều đa phần mọi người nghĩ sẽ là, giờ tìm bên bán đấu giá, thêm thời gian cho các tổ chức đấu giá nộp hồ sơ đấu giá, lựa chọn xong bên đấu giá rồi lại tổ chức đấu giá thì sự bào mòn của tài sản vốn dĩ đã xuống cấp nghiêm trọng sẽ càng nghiêm trọng hơn!
Tài sản đảm bảo: Liệu có thật sự bảo đảm cho khoản vay của ngân hàng?
Con tàu gỉ sét, nghiêng đắm kể trên không phải là tài sản duy nhất chúng tôi nhìn thấy và cảm thấy "dở khóc dở cười" trong số các tin rao bán của Agribank.
Mới đây, Agribank AMC cũng rao bán tài sản đấu giá là Quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, tọa lạc tại 309 Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh. Người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là ông Trần Đình Tấn và bà Phạm Thị Thu Nga. Lô đất khi là tài sản đảm bảo thì được mô tả có diện tích: 3071,2 m2 là Đất ở tại đô thị.với Thời hạn sử dụng lâu dài, đã có xây nhà ở, vách gạch, mái tôn. Tuy nhiên, tại thời điểm đấu giá căn nhà đã xuống cấp và không còn nguyên hiện trạng như mô tả. Hiện tại, một phần diện tích phía sau gần bờ sông nằm trong dự án chống sạt lở bán đảo Bình Quới – Thanh Đa (chính quyền địa phương đã cưỡng chế bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công)...
Thông tin thường thấy trong các bản tin đăng bán đấu giá tài sản là: "Người tham gia đấu giá tài sản có trách nhiệm xem xét, tìm hiểu các hồ sơ pháp lý của tài sản, tự xác định tình trạng thực tế của tài sản trước khi đăng ký tham gia đấu giá. Trường hợp đồng ý tham gia đấu giá có nghĩa là người tham gia đấu giá đã chấp nhận mọi rủi ro đối với việc mua tài sản đấu giá, cam kết không khiếu nại, khiếu kiện và không có các hình thức pháp lý tương tự đối với việc đấu giá tài sản cũng như đối với các nội dung khác có liên quan đến đấu giá...". Hay nói cách khác, dù tài sản đảm bảo đã khác xa với mô tả trong các tài liệu ngân hàng nắm khi cho vay thì câu chuyện đó dường như không phải chuyện của ngân hàng!
Trách nhiệm của ngân hàng đến đâu trong hoạt động huy động tiền trong dân, cho vay và rồi, khách vay không trả được nợ. Tài sản đảm bảo lại không còn thật sự đảm bảo có thể xuất phát từ khi thẩm định cho vay hoặc cả quá trình cho vay đã "mặc kệ" tài sản bảo đảm. Nhưng cuối cùng, thiệt hại sẽ như thế nào là một dấu hỏi rất lớn!