Nợ xấu tăng phi mã, HDBank phát hành thành công hàng trăm triệu USD trái phiếu quốc tế: Có vội mừng?
Ngoài việc giải quyết nguồn vốn, trái phiếu quốc tế còn làm tăng sức mạnh cho ngân hàng. Tuy nhiên, phát hành trái phiếu ra quốc tế cũng khiến HDBank phải đối mặt với những rủi ro lớn.
Hiện nay, cuộc đua phát hành trái phiếu đang diễn ra trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt một số ngân hàng đã chọn phương án phát hành trái phiếu quốc tế với khối lượng lên tới hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đô la Mỹ.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank – HoSE: HDB) vừa thông báo ký kết hợp đồng phát hành trái phiếu chuyển đổi và hợp tác chiến lược với các nhà đầu tư nước ngoài, hoàn thành kế hoạch bổ sung 160 triệu USD vốn cấp 2.
Cụ thể, hai định chế tài chính lớn và uy tín khu vực châu Á đã đăng ký toàn bộ 1.300 trái phiếu quốc tế trong đợt phát hành mới mà HDBank đã có kế hoạch trong năm 2020. Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá là 130 triệu USD.
Trước đó, quỹ DEG - định chế tài chính phát triển thuộc Ngân hàng Tái thiết KFW của Đức cũng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu và hợp tác chiến lược với HDBank. Theo thông tin từ Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, DEG đã đầu tư 30 triệu USD.
Như vậy, HDBank đã huy động thành công 160 triệu USD từ thị trường trái phiếu quốc tế. Trái phiếu được phát hành có kỳ hạn 5 năm 1 ngày, có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông, không có tài sản bảo đảm và không kèm theo chứng quyền. Trái phiếu sẽ được tính vào vốn tự có cấp 2 của HDBank.
Ngân hàng cho biết, nguồn thu từ phát hành trái phiếu sẽ được bổ sung vào vốn trung dài hạn, phục vụ các kế hoạch tăng trưởng theo kế hoạch. Đồng thời, ngân hàng sẽ nâng cao hơn nữa các chỉ số chất lượng tài sản, tỉ lệ an toàn vốn.
Cơ hội và rủi ro lớn
Thu hút vốn từ thị trường thế giới là mục tiêu hướng đến của nhiều doanh nghiệp và ngân hàng tại Việt Nam trong bối cảnh nguồn vốn trong nước đang bị thu hẹp. Đặc biệt, đối với ngành ngân hàng còn nhằm giải quyết áp lực tiêu chuẩn Basel II (tại Việt Nam) và Basel III (ở nước ngoài).
Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài sẽ giúp HDBank tăng vốn tự có và cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Ngoài ra, việc tìm kiếm nguồn vốn ngoại tệ kỳ hạn dài còn giúp các ngân hàng tăng được nguồn vốn trung và dài hạn.
Hơn nữa, các ngân hàng phát hành trái phiếu quốc tế có lợi hơn ở chỗ lãi suất trên thị trường quốc tế thường thấp hơn lãi suất tiền đồng trong nước.
Tuy nhiên, điều đáng quan ngại chính là rủi ro về tỷ giá hối đoái (còn được gọi là tỷ giá trao đổi ngoại tệ). Chẳng hạn lúc phát hành trái phiếu, tỷ giá còn tương đối thấp nhưng khi đến lúc đáo hạn, tỷ giá lại biến động và tăng lên thì phía ngân hàng phải mua USD với mức giá cao hơn để trả nợ.
Diễn biến tỷ giá USD trong nước từ đầu năm đến nay biến động khó lường. Từ đầu năm 2020 đến giữa tháng 3 khá ổn định với mức dao động chỉ ở mức 0,2 – 0,3%.
Đến giai đoạn từ giữa tháng 3 đến đầu tháng 4/2020, tỷ giá USD tăng khá mạnh. Cụ thể, tỷ giá trung tâm được NHNN niêm yết ở mức 23.259 đồng/USD, tăng khoảng 100 đồng so với tuần trước. Tỷ giá tham khảo tại Sở Giao dịch NHNN mua vào ở mức 23.175 đồng/USD và bán ra ở mức 23.907 đồng/USD. Giá USD tự do ở mức: 23.600 - 23.800 đồng (mua – bán), tăng hơn 300 đồng so với tuần trước trước đó.
Từ giữa tháng 4, tỷ giá có xu hướng hạ nhiệt và giảm trong quý II và quý III/2020. Theo báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) thuộc Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong suốt quý III/2020, tỷ giá trung tâm và tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đều ổn định, kết thúc quý lần lượt ở mức 23.215 VND/USD và 23.270 VND/USD.
Tính đến ngày 30/9, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng và chợ đen lần lượt tăng 0,1% và 0,3% so với cuối năm ngoái, trong khi tỷ giá trung tâm tăng 0,3%.
Thực tế, thời hạn trái phiếu 3 năm hay 5 năm có thể đủ dài để cả hệ thống ngân hàng của Việt Nam đi vào ổn định theo đúng định hướng đã đề ra.
Thế nhưng diễn biến đồng USD vẫn luôn là động thái rất khó dự đoán, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, Covid-19 vẫn chưa có hồi kết và cuộc chiến thương mại Mỹ Trung ngày càng leo thang. Do đó, chưa thể mất cảnh giác với áp lực tỷ giá.
Lợi nhuận và nợ xấu tại HDBank ‘rủ nhau’ tăng
9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tại HDBank đạt hơn 4.381 tỷ đồng, tăng 27%, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.500 tỷ đồng, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, HDBank đã thực hiện được 103% kế hoạch lợi nhuận 9 tháng và 77,3% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm ngày 30/9/2020, tổng tài sản hợp nhất đạt hơn 273.289 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt gần 164.463 tỷ đồng, tăng 12%. Tiền gửi của khách hàng đạt 168.443 tỷ đồng, tăng 34%.
Tuy nhiên, nợ xấu và dòng tiền tại HDBank lại kém ‘sáng’, đặt dấu chấm hỏi về chất lượng tín dụng tại nhà băng này?
Tính đến 30/9/2020, trong khi LNST tăng 26,6% so với cùng kỳ 2019 thì tổng nợ xấu tại HDBank tăng mạnh 51% so với đầu năm, ghi nhận 3.012 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt 146%, lên mức 1.189 tỷ đồng; nợ nghi ngờ tăng 45%, ghi nhận 844 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn tăng 5%, lên mức 978 tỷ đồng. Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 1,36% đầu năm lên 1,83%.
Nợ xấu tăng kéo theo chi phí dự phòng rủi ro của ngân hàng này tăng 28% so với cùng kỳ, ghi nhận gần 1.133 tỷ đồng.
Ngoài ra, chất lượng sử dụng nguồn tiền của HDBank ghi nhận nhiều con số âm. Cụ thể, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư ghi nhận âm hơn 212,8 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính âm hơn 311,9 tỷ đồng.