Động thái lên sàn của PGBank đặt dấu hỏi lớn về thương vụ 'về chung nhà' với HDBank?

Kế hoạch sáp nhập vào HDBank đang "giậm chân tại chỗ", PGBank đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM ngày 24/12.

Ngày 24/12 vừa qua, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) chính thức đưa 300 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán PGB với giá khởi điểm là 15.500 đồng/cổ phiếu. 

Trong số hơn 300 triệu cổ phiếu đăng ký giao dịch, có hơn 17 triệu cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định. Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa của PG Bank là 30% theo quy định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam.

Hiện tại, vốn điều lệ của ngân hàng là 3.000 tỷ đồng. Ngân hàng có một cổ đông lớn duy nhất là Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam với 120 triệu cổ phần nắm giữ, tương đương với 40% vốn điều lệ.

Trong buổi sáng phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu PGB mở cửa ở mức 21.700 đồng/cp, tương đương tăng kịch trần cho phép 40%. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư dần hạ nhiệt sau đó. 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 29/12, cổ phiếu PGB giao dịch ở mức 17.700 đồng/cp.

Việc gia nhập sàn chứng khoán của PGBank thu hút sự chú ý của giới đầu tư không chỉ vì độ nóng của cổ phiếu “dòng bank” trong thời gian qua mà còn vì những vấn đề tại chính nhà băng này.

Đặc biệt, giới đầu tư không khỏi đặt câu hỏi về việc kế hoạch sáp nhập vào HDBank chưa ngã ngũ mà PGBank đã đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM. Liệu hai bên có tiếp tục “về một nhà” nữa không hay PGBank đã tìm được “bến đỗ riêng” nhưng vẫn giữ bí mật phút chót?

PG Bank đã lên sàn Upcom ngày 24/12 với giá tham chiếu 15.500 đồng/cổ phiếum
PG Bank đã lên sàn Upcom ngày 24/12 với giá tham chiếu 15.500 đồng/cổ phiếum

Liệu PGBank đã tìm được “chốn mới”?

PGBank thuộc diện phải tái cấu trúc bắt buộc thông qua việc sáp nhập vào một ngân hàng mạnh hơn theo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020 . Vì vậy, nhiều năm trở lại đây, PGBank luôn trong trạng thái chờ sáp nhập. Đích đến đầu tiên là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) nhưng rồi bất thành.

Sau đó, đích đến của PGBank chính là Ngân hàng Cổ phần Phát triển Tp.HCM (HDBank). Phương án sáp nhập này đã được đại hội đồng cổ đông hai bên thông qua vào tháng 4/2018. Theo đó, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu dự kiến là 1 cổ phiếu PGBank lấy 0,621 cổ phiếu HDBank. Tuy nhiên, đến nay, kế hoạch sáp nhập hai ngân hàng vẫn chưa có diễn tiến mới.

Báo cáo phân tích cổ phiếu HDB của Công ty Chứng khóan Yuanta Việt Nam, phát hành trước thời điểm PGBank được chấp thuận giao dịch trên UPCoM không lâu cho biết, “Việc sáp nhập PGBank đang được cân nhắc, ban lãnh đạo HD Bank bày tỏ lo ngại rằng thương vụ này khó có thể xảy ra trong tương lai”.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc PGBank cho biết, Ngân hàng vẫn đang thực hiện hợp đồng sáp nhập với HDBank, đã có hợp đồng nguyên tắc của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 9/2018.

Ông Trần Ngọc Năm - Thành viên HĐQT PG Bank, đại diện sở hữu vốn của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX)cũng cho biết: "Tôi đã thay mặt ban lãnh đạo Petrolimex ký văn bản sang HDBank với tư cách một cổ đông thông báo với HDBank, đến ngày 31/08/2020, không thực hiện được vấn đề sáp nhập, Petrolimex sẽ thoái vốn. Điều này có nghĩa sẽ không thực hiện sáp nhập nữa. Nếu 60% cổ đông khác vẫn quyết định sáp nhập thì đó là quyền của các cổ đông khác. Còn chúng tôi sở hữu 40% sẽ thoái vốn".

Đồng thời, ông Nguyễn Hữu Đặng - Phó Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, hiện tại HDBank và PG Bank đang hỗ trợ nhau điều tiết nhân sự, đang đốc thúc để đẩy nhanh tiến độ sáp nhập. Theo đó, HDBank đã cử ông Lý Vinh Quang “biệt phái” sang làm Thành viên HĐQT PG Bank. Động thái này được kỳ vọng sẽ giúp thương vụ sớm hoàn tất.

Tuy nhiên, đã qua hạn 31/8/2020 nhưng thương vụ sáp nhập này vẫn biệt vô âm tín. Bản cáo bạch chào sàn UPCoM cho biết, tính đến thời điểm 26/10/2020, Petrolimex sở hữu gần 40,6% vốn điều lệ tại Ngân hàng.

Ở một diễn biến khác, nhân sự cấp cao của PGBank có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây. Cụ thể, Hội đồng quản trị Ngân hàng đã ký quyết định đã miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Tiến Dũng và bổ nhiệm ông này làm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Đồng thời, ông Nguyễn Phi Hùng (được bổ nhiệm làm Quyền Tổng giám đốc PGBank từ ngày 2/11/2020 và từ 10/12/2020 chính thức được đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc.

Đáng lưu ý, ông Nguyễn Phi Hùng từng đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Vận hành tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB).

Trước đó, ông Hoàng Xuân Hiệp được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc PGBank, phụ trách điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và tuân thủ. Ông Hiệp từng đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý và khai thác tài sản Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB AMC).

Sự tham gia nhân sự của MSB khiến không ít người nghi ngờ PGBank sẽ "về chung nhà" với MSB. Đáng chú ý, tại thời điểm cuối năm 2018, MSB là cổ đông lớn sở hữu 9,98% vốn tại PGBank. Tuy nhiên, tới đầu năm 2019, MSB tuyên bố đã bán số cổ phiếu này với giá 13.000 đồng/cổ phiếu.

Chưa rõ giao dịch được thực hiện hay chưa, chỉ biết tại thời điểm ngày 26/10/2020, PGBank ghi nhận có 10.592 cổ đông, gồm 53 tổ chức (tỷ lệ nắm giữ 67,37%) và 10.539 cá nhân (32,59%).

Nợ xấu cao, tiềm lực tài chính thấp

Đơn vị: tỷ đồng. Nguồn: BCTC các năm của PGBank. 
Đơn vị: tỷ đồng. Nguồn: BCTC các năm của PGBank. 

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của PGBank giảm 43% so với năm 2018. Năm 2020, PGBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 190 tỷ đồng, tăng 112% so với năm trước, trong khi doanh thu thuần là 1.006 tỷ đồng, giảm 16%.

Kết quả, tính đến 30/9/2020, lợi nhuận trước thuế của PG Bank đạt hơn 131 tỷ đồng, bằng 69% kế hoạch năm.

Tổng nợ xấu của PGBank tại thời điểm cuối quý 3/2020 dù giảm 5% so với đầu năm, chủ yếu nhóm nợ nghi ngờ giảm 33% ghi nhận gần 88 tỷ đồng. Tuy nhiên nợ dưới tiêu chuẩn lại tăng 81%, lên gần 81 tỷ đồng. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của PGBank chỉ giảm nhẹ từ mức 3,2% đầu năm xuống còn 2,8%.

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2020, PGBank lọt top ngân hàng đang có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay cao nhất trong hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, nợ xấu của PG Bank tại VAMC tính đến thời điểm 30/9/2020 vẫn còn 913 tỷ đồng, trong đó đã trích lập 601 tỷ đồng cho những khoản nợ xấu gửi tại VAMC.

Nguồn: Tổng hợp từ BCTC tại PGBank.
Nguồn: Tổng hợp từ BCTC tại PGBank.

Hà Phương (t/h)

Theo Sở hữu trí tuệ