Nới room tín dụng, kiểm soát dòng tiền bơm vào nền kinh tế
Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp giám sát và chế tài để nắn dòng vốn đi đúng hướng vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này mới đảm bảo kiềm chế lạm phát khi tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường.
Trao đổi với VietnamFinance về chủ đề nới room tín dụng và giảm lãi suất để tăng vốn cho nền kinh tế, TS. Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, việc Ngân hàng Nhà nước nới chỉ tiêu tín dụng thêm từ 1,5 - 2% cho các tổ chức tính dụng, tương ứng lượng vốn được đưa thêm vào thị trường khoảng 200.000 tỷ đồng được xem là giải pháp tiền tệ cần thiết tại thời điểm này đối với nền kinh tế.
- Ông bình luận gì khi vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thông báo điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho cả năm nay, với mức tăng 1,5-2%?
TS. Nguyễn Hoàng Hiệp: Nới room tín dụng và thông tin giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp là tín hiệu tích cực với doanh nghiệp vay vốn và ngân hàng. Bởi tăng cung vốn và giảm lãi vay sẽ vừa giúp giảm bớt căng thẳng chi phí giai đoạn cuối năm 2022 vừa là cơ sở xem xét tăng hạn mức tín dụng cho năm 2023; tạo cơ hội cho doanh nghiệp duy trì vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai.
Tuy nhiên, khi thực hiện nới tín dụng giai đoạn hiện nay và trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp giám sát và chế tài để nắn dòng vốn đi đúng hướng vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Điều này mới đảm bảo kiềm chế lạm phát khi tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường.
Theo tôi được biết, ngoài vấn đề chi phí đầu vào tăng cao, nhu cầu về nguồn vốn của đại bộ phận doanh nghiệp kéo dài trong thời gian qua đã ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe doanh nghiệp. Nhất là các doanh nghiệp chế biến – gia công hàng xuất khẩu, doanh nghiệp phục vụ sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường Tết hay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) cần duy trì hoạt động xuất, chi trả lương thưởng cho công nhân dịp cuối năm… Phần lớn các doanh nghiệp này có hạn chế về nguồn tài chính nhưng lại sử dụng lực lượng lao động tương đối lớn. Bởi vậy, ngoài việc tạo điều kiện vay và giảm lãi suất lãi cho vay, vẫn cần các cơ quan quản lý lưu tâm, hỗ trợ các chính sách tài khóa khác cho các đối tượng này như tiếp tục duy trình ưu đãi thuế giá trị gia tăng như thời gian qua, gia hạn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm các loại phí…
Nếu dòng tiền được bơm vào nền kinh tế được kiểm soát tốt, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác được triển khai, đồng thời NHNN tiếp tục chính sách hỗ trợ trong năm 2023, tôi tin rằng các doanh nghiệp sẽ sớm tận dụng cơ hội vượt qua khó khăn và sẽ có kết quả tích cực trong thời gian tới.
- Thống đốc ngân hàng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông SMEs cần phải làm gì trong thời gian tới để tiếp cận nhanh chóng với nguồn tín dụng và sử dụng vốn hiệu quả?
Trong tổng số trên 850 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, với nguồn vốn duy nhất đến từ hệ thống ngân hàng, vì loại hình doanh nghiệp này không thể phát hành trái phiếu trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, SMEs gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các điều kiện liên quan đến tài sản đảm bảo theo quy định. Nguyên nhân là do phần lớn SMEs có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế. Bản thân SMEs cũng còn tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, do tài sản của doanh nghiệp có giá trị thấp, dòng tiền không dồi dào, lịch sử quan hệ tín dụng và xếp hạng tín dụng với ngân hàng chưa cao, hạn chế về thông tin tiếp cận vay vốn ngân hàng cũng như năng lực để chuẩn bị hồ sơ vay vốn.
Để tháo gỡ rào cản, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống thông tin thống kê về SMEs, cũng như xếp hạng tín dụng của các SMEs, bởi vì, đối với thị trường vốn cho SMEs, tính minh bạch thông tin và đánh giá khả năng chi trả của SMEs đang là hạn chế, dẫn đến ngân hàng còn e ngại trong quyết định cho vay, hoặc gia tăng yêu cầu hồ sơ tín dụng.
Các ngân hàng cần hướng đến đơn giản hóa các thủ tục cho vay, yêu cầu cung cấp các thông tin phù hợp với thực tế và có tư vấn, hướng dẫn chi tiết để các SMEs có thể nắm bắt và thực hiện được. Đồng thời, từng bước ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn vào quản lý các hoạt động của ngân hàng, từ đó giúp ngân hàng có thể nắm bắt được thông tin về hoạt động kinh doanh có hiệu quả không, đồng thời kịp thời đánh giá chính xác được mức độ tín dụng của khách hàng.
Để khắc phục khó khăn đối thiếu tài sản bảo đảm khi muốn tiếp cận nguồn tín dụng, ngân hàng có thể cho vay theo chuỗi cung ứng dựa trên uy tín và mức độ rủi ro của một doanh nghiệp trung tâm (khách hàng lớn và truyền thống của ngân hàng).
Về phía các doanh nghiệp, theo tôi nên chớp cơ hội nới room tín dụng để vực lại sức khỏe cho SMEs. Tôi lưu ý đến việc thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp là xu hướng tất yếu mang lại rất nhiều lợi ích, hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay như: gia tăng hiệu quả trong quản trị doanh nghiệp; tiết kiệm chi phí và tăng năng lực làm việc của nhân viên; nâng cao tính cạnh tranh; tạo ra trải nghiệm tốt cho khách hàng và tăng doanh thu…
Trên thực tế, SMEs vẫn chưa chú ý đến việc chuyển đổi số như kỳ vọng. Bởi vậy trong tương lai, nên nghiên cứu tận dụng chính sách ưu đãi về dòng tiền như hiện nay, tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất thông qua việc chuyển đổi số.
- Chính phủ rất kỳ vọng việc chuyển đổi số sẽ được nhân rộng hơn nữa trong doanh nghiệp và sẽ có nhiều chính sách ưu tiên cho các đối tượng là doanh nghiệp. Với SMEs, các chính sách hỗ trợ cần ưu tiên điều gì nhất hiện nay?
Nghị quyết số 41/2021/QH15 ngày 13/11/2021 có nêu rõ chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100 nghìn doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình; 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, hướng tới các doanh nghiệp sản xuất, chế biến và thiết lập Mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số.
Tuy nhiên thực hiện đầu tư chuyển đổi số có thể là một khoản chi phí không nhỏ đối với một số doanh nghiệp. Bởi vậy, ngoài các chính sách, chương trình hỗ trợ từ Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… như hiện nay, SMEs sẽ rất cần NHNN hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay để triển khai việc này.
Hiện rào cản SMEs khó tiếp cận được nguồn vốn chính thống từ các ngân hàng chủ yếu do năng lực tài chính chưa cao, hạn chế về tài sản đảm bảo, lịch sử tín dụng… Nên chăng, NHNN cần nghiên cứu những cơ chế riêng cho SMEs có nhu cầu chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất thực chất, tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với điều kiện thủ tục thông thoáng hơn. Như vậy, SMEs sẽ có nhiều cơ hội khởi sắc hơn trong năm 2023.
- Xin cảm ơn ông về buổi trao đổi này.