Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Nhà băng thay 'ghế nóng', NHNN nới room tín dụng 1,5% -2%
Những tin ngân hàng nổi bật tuần qua như: Ngân hàng thứ 5 giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng; Nam A Bank và LienVietPostBank thay chủ tịch; Ngân hàng nhà nước nới room tín dụng 1,5% -2%;...
Ngân hàng thứ 5 giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng
Một trong những tin ngân hàng gây chú ý tuần qua là việc liên tiếp các nhà băng thông báo giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.
Mới đây nhất, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) công bố chương trình giảm lãi suất lên tới 2%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trong các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm…
Cụ thể, từ giữa tháng 11, SHB đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5% đến 2%/năm cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Đặc biệt, SHB ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh…. Các doanh nghiệp đang cần vốn để gấp rút sản xuất các mặt hàng thiết yếu, các nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm của người dân cũng được ngân hàng triển khai hỗ trợ.
Trước SHB, một số ngân hàng cũng đã công bố chương trình giảm lãi suất cho vay gồm Vietcombank, Agribank, HDBank, ACB.
Nam A Bank và LienVietPostBank có Chủ tịch mới
Tin ngân hàng đáng quan tâm tuần qua là sự kiện thay ghế \'nóng\' tại Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và Nam A Bank.
Theo thông tin từ Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), sau cuộc họp định kỳ Hội đồng quản trị (HĐQT) tháng 12/2022, ngân hàng này đã chính thức có Chủ tịch mới, không ai khác là ông Nguyễn Đức Thụy. Ông Thụy được bầu làm Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank kể từ ngày 9/12 thay cho ông Huỳnh Ngọc Huy (SN 1966) xin từ nhiệm theo nguyện vọng cá nhân.
Ông Nguyễn Đức Thụy sinh năm 1976, tốt nghiệp Trường Đại học Bang Colorado (Colorado State University – Hoa Kỳ). Trước khi gia nhập ngành ngân hàng với cương vị Phó Chủ tịch LienVietPostBank hồi tháng 5/2021, ông Nguyễn Đức Thụy từng lãnh đạo nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, từ tài chính – chứng khoán đến thể thao, xi măng, năng lượng…
Còn tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank – Mã: NAB), trong Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2022 đã bầu chọn 6 nhân sự tham gia Hội đồng quản trị và 3 nhân sự tham gia Ban kiểm soát ngân hàng nhiệm kỳ VIII (2021 – 2026) với tỷ lệ bầu rất cao sau khi các ứng viên này nhận được sự thẩm định và phê chuẩn từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
6 nhân sự tham gia HĐQT gồm ông Trần Ngô Phúc Vũ (phó chủ tịch thường trực HĐQT nhiệm kỳ cũ), ông Trần Ngọc Tâm (thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc); bà Võ Thị Tuyết Nga (thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc); ông Nguyễn Đức Minh Trí (Giám đốc Khối khách hàng cá nhân Nam A Bank); bà Nguyễn Thị Thanh Đào; và bà Lê Thị Kim Anh.
Đặc biệt, Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ mới đã bầu ông Trần Ngô Phúc Vũ làm Chủ tịch HĐQT Nam A Bank.
Ông Trần Ngô Phúc Vũ có gần 30 năm kinh nghiệm tại các tổ chức tài chính, ngân hàng ở Việt Nam. Tại Nam A Bank, ông Vũ đảm nhận chức vụ Phó Chủ tịch thường trực từ năm 2019, trước đó ông đã từng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc và có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững của Nam A Bank, đặc biệt là trong thời gian gần đây hệ thống các ngân hàng gặp không ít thách thức từ thị trường, tác động của biến đổi khí hậu, dịch COVID-19….
‘Ông lớn’ ngân hàng tăng tốc rao bán tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu
Cuối năm là thời điểm ngân hàng dồn dập rao bán các tài sản đảm bảo để nhanh chóng thu hồi nợ xấu.
Điển hình tại BIDV, tuần qua thông báo bán đấu giá khoản nợ của CTCP sản xuất nhựa Triệu Du Bổn. Tổng dư nợ tạm tính đến ngày 25/11/2022 là 211,3 tỷ đồng, trong đó dư nợ gốc là 193,8 tỷ đồng và dư nợ lãi là 17,5 tỷ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản nợ là quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên thửa đất có diện tích 10.406 m2 tại địa chỉ lô 15-17, đường số 1, khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP HCM. Ngoài ra tài sản bảo đảm còn có 200.000 cổ phẩn của công ty với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, máy móc thiết bị ngành nhựa, 6 xe ô tô tải và hàng tồn kho.
Giá khởi điểm được đưa ra là 211,3 tỷ đồng, không bao gồm thuế giá trị gia tăng và tiền tạm ứng án phí mà BIDV đã tạm ứng tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, BIDV cũng thông báo đấu giá tài sản có giá trị lớn khác là tài sản của Công ty TNHH Than Khoáng sản Ngoại thương Sài Gòn.
Tài sản đấu giá bao gồm thửa đất diện tích 1.136 m2 dùng làm đất thương mại, dịch vụ (xây dựng cao ốc văn phòng và trung tâm kinh doanh dược phẩm). Thửa đất có thời hạn sử dụng đến ngày 10/7/2058. Ngoài ra, tài sản còn có công trình văn phòng cấp IV có diện tích 844,8 tỷ đồng có địa chỉ tại số 387 Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6, TP HCM.
Giá khởi điểm được đưa ra là 105,2 tỷ đồng.
‘Ông lớn’ Vietcombank cũng dồn dập rao bán hàng loạt bất động sản và thiết bị máy móc. Đơn cử như Vietcombank thông báo phát mại tài sản bảo đảm của CTCP Xuân Hưng với giá khởi điểm hơn 20,4 tỷ đồng; rao bán tài sản gắn liền với 3.150 m2 đất để xử lý khoản nợ của CTCP Xây dựng và Đầu tư 419 với giá khởi điểm chỉ 3 tỷ đồng;…
Tin Ngân hàng nhà nước nới room tín dụng 1,5% -2%
Tin ngân hàng đáng quan tâm tuần qua là sự kiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các TCTD.
Trước tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của hệ thống cải thiện hơn, ngày 5/12/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).
Nguyên tắc điều chỉnh tăng chỉ tiêu tín dụng cho các TCTD theo hướng, các TCTD có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Thống đốc NHNN yêu cầu các TCTD cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Việc mở rộng tín dụng đi đôi với việc kiểm soát rủi ro kỳ hạn để đảm bảo thanh khoản, an toàn hoạt động, đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp và người dân, nhất là dịp Tết Nguyên đán.
Thống đốc cũng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp hỗ trợ thanh khoản kịp thời qua các kênh, trường hợp cần thiết hỗ trợ với kỳ hạn dài hơn, kể cả kéo dài thời hạn qua Tết để các TCTD yên tâm hơn khi cấp tín dụng.
Đây là những giải pháp linh hoạt trong tình hình hiện nay. Thời gian tới, NHNN sẽ bám sát những dự báo, tình hình, đặc biệt là diễn biến của lạm phát để xây dựng chỉ tiêu định hướng và các giải pháp điều hành tiền tệ, tín dụng năm 2023.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – Mã VCB) tuần qua cũng thông báo tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2023 vào ngày 30/1/2023 tại tòa nhà Vietcombank Tower, 198 Trần Quang Khải, Hà Nội.
Thời gian chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ bất thường là ngày 30/12/2022.
Nội dung dự kiến họp bao gồm thông qua tờ trình về việc bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2013, tờ trình về việc kéo dài thời gian thực hiện phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu của Vietcombank và tờ trình nội dung khác (nếu có).
Về kế hoạch tăng vốn, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, ngân hàng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020 nhưng chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt.
NHNN ban hành Thông tư 16 quy định về việc lưu ký và sử dụng giấy tờ có giá tại NHNN, thay thế Thông tư 04. Thông tư mới chính thức có hiệu lực từ ngày 17/1/2023.
Thông tư đã bổ sung thêm ba loại giấy tờ có giá có thể lưu ký tại NHNN ngoài các loại như trái phiếu NHNN, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh thanh toán 100% giá trị gốc, lãi khi đến hạn và các loại giấy tờ có giá khác do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ.
Trong đó có cả trái phiếu đặc biệt và trái phiếu phát hành trực tiếp cho tổ chức tín dụng bán nợ để mua nợ xấu theo giá trị thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).
Ngoài ra còn có trái phiếu chính quyền địa phương và trái phiếu được phát hành bởi ngân hàng thương mại (NHTM) do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trừ các NHTM đã được mua bắt buộc), trái phiếu được phát hành bởi TCTD (trừ các TCTD được kiểm soát đặc biệt) và doanh nghiệp khác.
Các loại giấy tờ có giá này được sử dụng trong nghiệp vụ thị trường tiền tệ, trong đó bao gồm nghiệp vụ thị trường mở, nghiệp vụ tái cấp vốn; cầm cố, ký quỹ giấy tờ có giá để thiết lập hạn mức thấu chi trong thanh toán điện tử liên ngân hàng; để thiết lập hạn mức thanh toán tập trung và hạn mức bù trừ điện tử qua hệ thống bù trừ điện tử;...
Ngoài ra, giấy tờ có giá được sử dụng trong nghiệp vụ cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt. Giao dịch giấy tờ có giá lưu ký tại NHNN giữa các thành viên bao gồm cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá giữa các thành viên và mua bán giấy tờ có giá giữa các thành viên.
Giấy tờ có giá được lưu ký tại NHNN phải đảm bảo 4 điều kiện. Đó là phải thuộc quyền sở hữu hợp pháp của thành viên; thuộc loại giấy tờ có giá được quy định tại Thông tư 16; chưa chốt quyền nhận gốc và lãi khi đáo hạn; giấy tờ có giá loại chứng chỉ lưu ký tại NHNN phải nguyên vẹn, không rách nát, hư hỏng, không bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ, số, không bị nhàu, nát, nhòe, bẩn, tẩy xóa.
Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định mệnh giá giấy tờ có giá lưu ký tại NHNN là 100.000 đồng hoặc bội số của 100.000 đồng. Đối với giấy tờ có giá đặc biệt do NHNN trực tiếp quản lý và giấy tờ có giá bằng ngoại tệ, mệnh giá giấy tờ có giá được thực hiện theo quy định của pháp luật đối với từng loại giấy tờ có giá.
Giấy tờ có giá lưu ký tại NHNN được quản lý theo hệ thống mã do Tổng Công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) và NHNN (Sở Giao dịch) quy định. NHNN quản lý giấy tờ có giá thống nhất theo hệ thống mã định danh chứng khoán quốc tế (ISIN) khi cần thiết.