"Nội soi" Việt Đức Complex
- Mới đây, Thời báo Kinh Doanh đã điểm qua một số nét đáng chú ý về dự án Tổ hợp nhà ở – thương mại tại khu đất 164 Khuất Duy Tiến – 99 Nguyễn Tuân. Bên cạnh nhược điểm vị trí địa lý không thể phủ nhận, dự án còn chứa đựng những góc khuất của liên danh chủ đầu tư nói chung và tham vọng của CIE nói riêng.
Nhìn lại chặng đường từ lúc ra đời tới khi đủ điều kiện pháp lý để triển khai như hiện tại, dự án Việt Đức Complex ghi nhận một lần thay đổi trong liên danh nhà đầu tư, điều chỉnh theo hướng gia tăng số lượng căn hộ thành phẩm (ngót 200 căn) chỉ trong vòng một năm qua.
Cụ thể, chứng nhận đầu tư dự án (cấp năm 2010) bao gồm ba nhà đầu tư là CIE – Kinh doanh vật tư và xây dựng (CMC) – Vinaconex E&C. Sổ đỏ khu đất (cấp năm 2013) cho thấy: trong khu đất dự án gần 12.000m2, khoảng 5.400m2 dùng xây dựng văn phòng, nhà ở cao tầng (thời gian sử dụng lâu dài, Nhà nước giao đất và thu tiền sử dụng đất một lần); phần còn lại là diện tích sân, đường nội bộ (đất thuê 50 năm tính từ tháng 8/2010, trả tiền thuê đất hàng năm).
CIE đã sẵn sàng để… gặt hái?
Theo tài liệu PV thu thập, CIE đã thay mặt CMC theo HĐ ủy quyền ngày 18/8/2011 (không nhắc tới Vinaconex E&C) để đứng pháp nhân thuê gần 6.400m2 đất làm sân vườn, đường nội bộ trong thời hạn 50 năm.
Tổng số tiền thuê đất một năm phải trả cho cơ quan nhà nước lên gần 823 triệu đồng (trong 5 năm 2010-2015, sau đó tính lại theo Nghị định 142/2005/NĐ-CP và Nghị định 121/2010/NĐ-CP).
>>> Dự án “Vedette” quận Thanh Xuân giá bèo vì ôm trọn nghĩa trang
Như vậy, trong 5 năm qua, CIE đã phải “gánh” khoảng 4,2 tỷ đồng tiền thuê đất cho CMC. Chưa kể, 5.400m2 đất xây dựng công trình nhà ở cũng được CIE thanh toán trọn vẹn tiền thuê ngay trong năm 2011 (khoảng 178,5 tỷ đồng).
Dõi theo dòng chảy của dự án, ghi nhận thêm một vài chi tiết thú vị về CIE. Đơn cử, Website của CIE quảng cáo đơn vị thực hiện dự án 164 Khuất Duy Tiến như sau: “Với việc thành lập công ty CCV Housing, Tập đoàn CIE đã từng bước tiếp cận thị trường BĐS, qua đó tạo tiền đề thúc đẩy phát triển đầu tư thêm các dự án khác, mang lại nguồn lợi nhuận lớn cho Tập đoàn.
Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển nhà CIE – CMC – Sông Đà Việt Đức (CCV Housing) được thành lập bởi Liên danh đầu tư gồm: CIE, CMC và công ty CP Sông Đà – Việt Đức. Giấy ĐKKD số: 0105279486 Sở KHĐT Hà Nội cấp thay đổi lần 1 ngày 11/6/2012. Vốn điều lệ: 50 tỷ đồng…” Tạm hiểu, CCV đã ra đời (pháp nhân Sông Đà – Việt Đức tham gia) với mục đích thực hiện dự án từ hơn 4 năm trước.
Khó hiểu hơn, Sông Đà – Việt Đức chỉ mới xuất hiện trên giấy tờ pháp lý dự án từ 2015 (thời điểm nhận chuyển nhượng phần góp vốn tham gia dự án từ Vinaconex). Thậm chí, tới tháng 12/2015, UBND Tp. Hà Nội mới có văn bản chấp thuận điều chỉnh nhà đầu tư thực hiện dự án theo tinh thần thừa nhận sự có mặt của Sông Đà Việt Đức trong liên danh (thay cho Vinaconex).
Tháng 5/2015 chứng kiến cái bắt tay chính thức giữa ba nhà SĐVĐ-CMC-CIE để cùng đầu tư dự án 164 Khuất Duy Tiến. Khi đó, mức vốn dự kiến rót cho dự án đã nhích lên 1.497 tỷ đồng (theo chứng nhận đầu tư ban đầu là xuýt soát 1.413 tỷ đồng). Tỷ lệ góp vốn như sau: SĐVĐ 51,4%; CMC 24,3%, CIE 24,3% trong tổng số vốn góp dự kiến 299,6 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2015, CIE đã “tiêu tốn” (dưới hình thức cho vay ngắn hạn/dài hạn hoặc đầu tư tài chính vào công ty liên doanh/liên kết liên quan tới dự án) cho cả CMC lẫn CCV không dưới chục tỷ đồng…
Bạo chi như vậy, nhưng doanh thu từ BĐS của CIE trong năm 2015 chỉ là con số 0. Năm 2016, công ty Mẹ – Tập đoàn CIE đặt mục tiêu doanh thu 425 tỷ đồng từ BĐS.
Ảo vọng của CIE và phần còn lại
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2016 ngày 21/4 vừa qua, PGs.Ts Trương Hữu Chí – TGĐ CIE – tỏ ra khá lạc quan về triển vọng lợi nhuận tại dự án Việt Đức Complex.
Cụ thể, đến hết 2015, dự án đang thực hiện giải ngân nguồn vốn 600 tỷ đồng tại một ngân hàng thuộc nhóm mạnh hiện tại (xin giấu tên-PV). Đồng thời, dự án đã hoàn thành xây dựng hạng mục cọc nhồi và tường vây. Về phía tập đoàn, lợi nhuận sau thuế năm 2015 chưa đầy 5 tỷ đồng.
Năm 2015, CIE đã rót vào dự án 1.250 tỷ đồng. Về khu tổ hợp 164 Khuất Duy Tiến, lãnh đạo đặt mục tiêu triển khai đúng tiến độ xây dựng trong năm 2016, “đảm bảo bán được 60% số căn hộ và doanh thu tối thiểu đạt 500 tỷ đồng”.
Thể hiện trong nghị quyết ĐHĐCĐ 2016, lợi nhuận từ dự án chỉ khoảng 32 tỷ đồng trong năm 2016 (!) Điều này, làm dấy lên nghi vấn chi phí lãi vay từ ngân hàng cũng như việc CIE phải “chia lửa” với CMC và liên doanh đang “âm” nặng doanh thu từ BĐS của CIE?
Thậm chí, con số thu về 32 tỷ đồng của CIE vẫn khá mơ hồ – trong bối cảnh dự án mới đang rậm rịch mở bán công khai ở thời điểm kết thúc năm 2016 chỉ còn chừng 20 ngày.
Về phần mình, Sông Đà – Việt Đức (đóng góp khoảng 150 tỷ đồng vào dự án) cũng không hoàn toàn nhận được tin tưởng của thị trường.
Ít tháng trước, hoạt động xây dựng, vận hành trạm trộn bê tông của đơn vị này đã bị báo chí phản ánh nhiều lình xình. Tư liệu báo chí thời gian 2013 cho thấy, cái tên “Sông Đà – Việt Đức” còn gắn với những pha chuyển nhượng chóng mặt giữa các đơn vị thứ cấp ở dự án Diamond Tower (lô đất HH3 nằm trong Dự án KĐTM Nam An Khánh) khiến nhiều khách hàng tham gia đầu tư phải điêu đứng.
Theo Nguyễn Cảnh
Thời Báo Kinh Doanh
Link nguồn: http://thoibaokinhdoanh.vn/Toan-canh-21/Noi-soi--Viet-Duc-Complex-28469.html