“Non” tiêu chí, tại sao các huyện ngoại thành Hà Nội muốn lên quận?

TNNĐ-Thời gian qua, nhiều huyện ngoại thành Hà Nội đã đề đạt với Thành phố mong muốn được đầu tư hạ tầng, giao thông đô thị để đạt tiêu chí lên quận. Tại sao các huyện lại có nguyện vọng này? Tiêu chí nào để một huyện có thể lên quận?.

“Non” tiêu chí, tại sao các huyện ngoại thành Hà Nội muốn lên quận? - Ảnh 1

Huyện Hoài Đức muốn lên quận vào năm 2020.

 

Nhiều huyện mong muốn lên quận

Ba huyện ngoại thành của TP Hà Nội là Gia Lâm, Hoài Đức và Thanh Trì đều mong muốn được đầu tư hạ tầng giao thông, đô thị để đạt các tiêu chí lên quận vào năm 2020.

Trước đó, vào ngày 23/8, tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, ông Trần Văn Khương - Bí thư huyện Thanh Trì nêu mong muốn được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để đến năm 2020 trở thành cấp quận của Thành phố. Hiện nay huyện Thanh Trì có trên 50% là đất nông nghiệp nhưng theo ông Khương huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh theo quy hoạch của thành phố.

Bí thư Thành ủy Hà Nội đánh giá Thanh Trì là huyện nông thôn mới ven đô đang có chuyển dịch theo hướng đô thị hóa. Ông đề nghị huyện Thanh Trì phối hợp với các sở ngành của Hà Nội rà soát kỹ các vấn đề liên quan, từ đó để thấy được trong thời gian tới huyện này liệu có đạt các tiêu chí để lên quận hay không.

Ngoài Thanh Trì, hai huyện Hoài Đức và Gia Lâm của Hà Nội cũng có mong muốn được lên quận trong thời gian tới. Cụ thể, trong buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải vào ngày 30/7, lãnh đạo huyện Hoài Đức cũng đề nghị các cơ chế hoàn thiện cơ sở hạ tầng và lên quận vào năm 2020.

Tương tự, trước đó vào tháng 3/2015, trong buổi làm việc với lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, huyện Gia Lâm nêu ý tưởng thành lập quận khi hạ tầng cơ sở kỹ thuật trên địa bàn đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, trên thực tế, dự kiến ít nhất đến năm 2020, huyện Gia Lâm hiện nay mới đủ điều kiện thành lập quận.

“Non” tiêu chí, tại sao các huyện ngoại thành Hà Nội muốn lên quận? - Ảnh 2>>> Nhiều huyện của Hà Nội muốn lên quận

TNNĐ- Sau Gia Lâm, Hoài Đức, huyện Thanh Trì cũng đề nghị được ưu đãi về chính sách để lên quận vào năm 2020.
 

Tiêu chí nào để huyện lên quận?

Tại Nghị định số 62/2011/ NĐ – CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thành lập thành phố thuộc tỉnh, thị xã, quận phường tại điều 6, chương 2 nêu rõ: Quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập khi đạt các tiêu chuẩn sau đây:

a) Mật độ dân số đạt từ 10.000 người/km2 trở lên;

b) Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 90% trở lên so với tổng số lao động;

c) Tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 90% trở lên;

d) Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh;

đ) Có quy hoạch phân khu đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Có thể bạn quan tâm:

► Hà Nội: Nhà đất Hoài Đức sôi động trước thông tin lên quận

► Hoài Đức lên quận: Doanh nghiệp ồ ạt đầu tư, giá nhà sẽ tăng?

► Địa ốc Hoài Đức “có biến” trước thông tin lên quận

Ngoài ra, đối với trường hợp quận được thành lập để mở rộng khu vực nội thành của thành phố trực thuộc Trung ương phải đạt tiêu chuẩn quy định tại điểm đ và đạt từ 70% trở lên mức tiêu chuẩn quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này.

Nếu áp theo những quy định này thì hầu hết các huyện ngoại thành Hà Nội muốn lên quận cần phải có thời gian, có sự đầu tư đồng bộ nhằm thu hút các DN tham gia đầu tư tại địa phương. Vậy câu hỏi đặt ra là: Tại sao các huyện lại mong muốn được lên quận khi chưa đáp ứng đủ các tiêu chí?

Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo một huyện ngoại thành Hà Nội cho rằng, khi huyện được lên quận được nhiều hơn mất, đây chính là lý do khiến nhiều huyện mong muốn lên quận.

Điều đầu tiên có thể thấy đó là hệ thống các công trình hạ tầng đô thị được xây dựng đồng bộ. Theo đó, các công trình giao thông, thông tin liên lạc, chiếu sáng công cộng, cấp nước, thoát nước, xử lý các chất thải và các công trình khác được đầu tư.

Ngoài ra, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, trung tâm thương mại, những khu công viên, cây xanh … cũng được đưa vào trong quy hoạch, thực hiện đầu tư nâng cấp.

“Khi thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất, sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Chưa kể, các nhà máy đi vào hoạt động cũng tạo việc làm cho người dân địa phương cũng như những người dân tỉnh khác đến.

Người dân không còn làm nông nghiệp – đây là điều kiện để đảm bảo tiêu chí tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 90% trở lên so với tổng số lao động tại địa phương mà Nghị định 62 quy định” - vị lãnh đạo huyện này phân tích.

Ngoài ra, cũng theo vị lãnh đạo huyện này thì việc từ một huyện lên quận sẽ giúp giá bất động sản tại đây được nâng lên rất nhiều. Bởi theo quy định, nếu là đất dịch vụ giá của huyện thường rẻ hơn 3- 5 lần so với giá của quận nội thành. Chưa kể, với đất thổ cư thì việc từ một huyện lên quận giá đất cũng được tăng theo cấp số nhân.

Theo N.Huyền

Infonet