Ông bầu bộn tiền; trường Anh đổi tên theo tỷ phú Việt

Tuần qua, bầu Thụy, bầu Hiển kiếm bộn tiền, trong khi đó một trường ở Anh muốn lấy tên bà Nguyễn Thị Phương Thảo để đặt tên trường.

Trường ở Anh muốn đổi tên theo tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo

Linacre College - một trường đào tạo sau đại học, trực thuộc Đại học Oxford của Anh - hôm 1/11 thông báo muốn đổi tên thành Thao College sau khoản tài trợ trị giá 155 triệu bảng Anh (tương đương 211 triệu USD, hơn 4.800 tỷ đồng) từ tập đoàn Sovico do bà Nguyễn Thị Phương Thảo làm Chủ tịch.

Tập đoàn Sovico đã lập ra hãng hàng không tư nhân Vietjet Air và ngân hàng HDBank. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo là tỷ phú tự thân, và là nữ doanh nhân giàu nhất Việt Nam hiện nay. Bà có tên trong bảng xếp hạng tỷ phú USD của tạp chí danh tiếng Forbes và hãng tin Bloomberg.

CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: Reuters  
CEO Vietjet Nguyễn Thị Phương Thảo. Ảnh: Reuters  

Linacre College cho biết số tiền mà tập đoàn Sovico tài trợ sẽ dùng để chi trả cho một trung tâm sau đại học mới và cho các suất học bổng bậc sau đại học. Một phần "đáng kể" khác của khoản quyên góp sẽ được dành cho quỹ tài trợ chung của trường nhằm hỗ trợ hoạt động hàng ngày.

Trường đào tạo Linacre College được thành lập vào năm 1962 và được đặt theo tên của bác sĩ người Anh Thomas Linacre (từ thế kỷ 16). Được biết, việc đổi tên trường này nhằm vinh danh bà Nguyễn Thị Phương Thảo, và cần được Viện Cơ mật (Privy Council) thông qua.

Đại học Oxford là một trong những trường đại học cổ nhất trong thế giới nói tiếng Anh, và thuộc nhóm các đại học cổ nhất ở châu Âu.

Các ông bầu kiếm bộn tiền

Phiên giao dịch 3/11 chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cổ phiếu LPB của LienVietPostBank tăng kịch trần, lên 22.850 đồng/cp bất chấp thông tin công ty Thaiholdings của Bầu Thụy (Phó Chủ tịch ngân hàng) đăng ký bán hết hơn 22,3 triệu cổ phiếu LPB mà công ty này đang sở hữu cho dù đang lỗ 89 tỷ đồng.

Trước đó, Thaiholdings nắm giữ cổ phiếu LPB tại thời điểm giá trên 28.000 đồng. Theo báo cáo tài chính quý III/2021 vừa được công bố, 22,4 triệu cổ phiếu LPB mà CTCP Thaiholdings sở hữu có giá gốc là 563 tỷ đồng. Bầu Thụy sở hữu hơn 34,2 triệu cổ phiếu LPB, tương đương 2,85% vốn cổ phần ngân hàng.

Tương tự, SHB của bầu Hiển là cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất, tăng 3,3% và đóng cửa ở giá 31.500 đồng/cp. Đây cũng là phiên tăng thứ 9 liên tiếp của cổ phiếu này, với mức tăng tổng cộng 27% kể từ ngày 26/10.

SHB cũng tiếp tục dẫn đầu thanh khoản trong nhóm ngân hàng với hơn 45,4 triệu đơn vị được trao tay giữa các nhà đầu tư. Trước đó, trong phiên 4/11, SHB cũng ghi nhận mức tăng mạnh 6,46% và khối lượng giao dịch "khủng" hơn 44 triệu đơn vị.

Hoà Phát của ông Trần Đình Long đang vay nợ ngân hàng 2,7 tỷ USD

Theo báo cáo tài chính quý III/2021, Tập đoàn Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đang cho thấy cơ cấu tài chính có sự biến động lớn. Tổng lượng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng tăng đột biến lên 34.841 tỷ đồng (hơn 1,5 tỷ USD) để trở thành doanh nghiệp sở hữu quy mô tiền lớn nhất trên sàn chứng khoán.

Dù sở hữu vị thế tiền mặt đáng nể, Hòa Phát cũng đang đi vay ngân hàng với giá trị rất lớn. Số dư vay nợ tài chính ngắn hạn lên đến 43.357 tỷ đồng và vay dài hạn là 17.711 tỷ đồng. Tổng giá trị vay nợ theo đó đạt hơn 61.000 tỷ đồng (gần 2,7 tỷ USD), tăng hơn 6.900 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Thực tế việc các doanh nghiệp lớn có quy mô tiền mặt cao nhưng cũng đi vay nợ lớn không phải là hiếm gặp. Sự khác biệt này chủ yếu là do sự khác nhau về cấu trúc kỳ hạn và mục đích sử dụng vốn, thậm chí một số doanh nghiệp có vị thế tốt còn tìm kiếm cơ hội sinh lời từ chênh lệch lãi suất đi vay và lãi tiền gửi…

Bà Trần Uyên Phương 6 lần cắt lỗ cổ phiếu Yeah1

Phó Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát - bà Trần Uyên Phương vừa thông báo tiếp tục bán hơn 1 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YEG) vào ngày 25/10 do mục đích "đầu tư cá nhân". Đây đã là lần thứ 6 liên tiếp cá nhân này thông báo rút dẫn vốn khỏi doanh nghiệp trong năm nay.

Lần đầu tiên bà Phương thoái vốn là cuối tháng 7 khi bán hơn 251.000 cổ phiếu YEG với thị giá khoảng 15.000 đồng (chưa bằng phân nửa giá lúc đầu năm). Bốn đợt bán sau đó diễn ra trong nửa đầu tháng 8 với thị giá nằm trong khoảng 15.000-19.000 đồng.

Đợt thoái vốn lần thứ 6 này diễn ra lúc cổ phiếu YEG vẫn ở mức thấp dù chốt phiên tăng trần lên mức 16.300 đồng/cổ phiếu. Tạm tính cá nhân có thể thu về gần 18 tỷ đồng.

Việc liên tục rút vốn đã đẩy tỷ lệ sở hữu của vị doanh nhân này về mức gần 3,5 triệu cổ phiếu YEG, tương ứng còn 11,15% vốn. Bà còn được biết đang là phó tổng giám đốc và là con gái của nhà sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát.

Bà Phương từng mạnh tay chi tiền để gom số lượng lớn cổ phiếu YEG thời điểm đầu năm 2020 với mức giá khá cao khoảng 50.000 đồng cho mỗi đơn vị. Đến nay thị giá đã giảm đến 70% so với giá mua.

Minh Thái

Theo Đất Việt