Ông chủ Tập đoàn Hoành Sơn chật vật với 2 dự án cảng sau khi hoàn tất thâu tóm
Ông Phạm Hoành Sơn hay còn gọi là Sơn “Xay sát” nổi tiếng với 2 thương vụ thâu tóm dự án cảng Phước An và lô đất vàng 231 Nguyễn Trãi của Cao su Sao Vàng. Tuy nhiên, sau khi tiến hành thâu tóm, dường như các dự án của doanh nghiệp này không được suôn sẻ?
Không còn kiên nhẫn với cảng Phước An
Từ tháng 7/2016, Công ty TNHH MTV Hoành Sơn – công ty con của CTCP Tập đoàn Hoành Sơn do ông Phạm Hoành Sơn làm Chủ tịch HĐQT thâu tóm dự án cảng Phước An thông qua việc mua cổ phần của CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP).
Đây vốn là một dự án của Tập đoàn Dầu khí (PVN) tại Thị Vải – Cái Mép (Đồng Nai), được thành lập theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa PVN và tỉnh Đồng Nai với mục đích đầu tư khai thác cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng. Khi nắm cổ phần lên tới 51,1% thì ông Phạm Hoành Sơn cũng trở thành Chủ tịch của Cảng Phước An.
Được biết, dự án Cảng Phước An có tổng diện tích lên tới 733,4 ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), với tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng. Nằm ở vị trí đắc địa khu vực thượng lưu sông Thị Vải - Cái Mép và cách không xa dự án sân bay Long Thành.
Dự án này được kỳ vọng rất lớn tuy nhiên lại bị kẹt cứng từ năm 2009 do tuyến đường xây dựng theo hình thức BOT do Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai phê duyệt tiến độ từ năm 2021 – 2023, sau nhiều năm vẫn chưa thể hoàn thành. Và mới đây, Công ty TNHH MTV Hoành Sơn đã đăng ký bán ra 25,8 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 26/5 đến ngày 24/6 theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn nhằm giảm tỷ trọng tại PAP từ 44% xuống 26,8% vốn điều lệ.
Theo báo cáo tài chính quý 1/2022 của PAP, công ty đã chi hơn 1.500 tỷ đồng để triển khai dự án, trong đó gần 1.400 tỷ để giải phóng mặt bằng. Thế nhưng đại gia Hoành Sơn đã không thể kiên nhẫn tiếp?
Cảng tổng hợp quốc tế tại Vũng Áng vẫn ngổn ngang sau 5 năm
Ngoài việc thâu tóm Cảng Phước An, trước đó vào năm 2015, Hoành Sơn còn tiến hành khởi công xây dựng cảng Tổng hợp quốc tế Hoành Sơn thuộc cảng Vũng Áng, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2017. Dự án có tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 16,1 ha, gồm một cầu cảng có thể tiếp nhận tàu chở hàng có trọng tải 50.000DWT, cùng hệ thống kho bãi và khu dịch vụ hậu cảng với công suất khai thác dự kiến 2,3 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai, 2 lần gia hạn tiến độ, đến nay công trình vẫn ngổn ngang, nhiều hạng mục chưa hoàn thành đưa vào sử dụng.
Lần gia hạn mới đây nhất, Ban quản lý KKT Vũng Áng cho phép dự án sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị và đi vào hoạt động trước ngày 30/6/2021. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm hiện nay dự án vẫn chưa hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động theo tiến độ đăng ký.
Vì chậm tiến độ thực hiện hơn 10 tháng, ngày 31/12/2021, Ban Quản lý KKT Vũng Áng cùng với chính quyền địa phương đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với CTCP Cảng Hoành Sơn và xử phạt số tiền 30 triệu đồng.
Sơn “xay sát” là ai?
CTCP Tập đoàn Hoành Sơn được giới thiệu là doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Hà Tĩnh. Người đứng đầu là ông Phạm Hoành Sơn (1972), xuất thân trong gia đình không có truyền thống kinh doanh, bố làm bộ đội còn mẹ là giáo viên, cuộc sống khó khăn, ông khởi nghiệp kinh doanh chỉ bằng một chiếc máy xay xát nên kể cả khi đã thành danh, nhiều người vẫn gọi ông với biệt danh Sơn "Xay Xát".
Những năm 90, ông theo mẹ làm đại lý phân bón nhỏ lẻ tại Hà Tĩnh, dần dần trở thành doanh nghiệp phân bón hàng đầu tại nhiều tỉnh thành miền Trung như Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị. Đại lý của Cty Sông Gianh (Quảng Bình); phân bón hóa chất Vinh; Nhà máy phân bón, hóa chất Lâm Thao… Thành công với phân bón, ông Sơn tiếp tục mở rộng ngành nghề kinh doanh sang các lĩnh vực khác như cung ứng thức ăn gia súc, kinh doanh sắt thép và xi măng…
Năm 2011, doanh nghiệp chuyển đổi thành Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn (Hoành Sơn Group), kinh doanh đa ngành nghề: thương mại (phân bón, xi măng...), than, quặng sắt, vận tải, xây dựng, sản xuất bia, rượu, nước giải khát, đồ uống, đầu tư dự án kinh doanh thương mại, vận tải biển với nhiều công ty con, hoạt động trên nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước.
Một trong những lĩnh vực mũi nhọn của Hoành Sơn là logistics với 1.000 xe đầu kéo, 3 tàu vận tải biển có trọng tải 80.000 tấn/chiếc, 1 sà lan vận chuyển hàng hóa. Hoành Sơn còn mở rộng sang nước bạn Lào, vận chuyển thạch cao, quặng sắt về nước và bán dầu, than cho nước bạn.
Trong danh sách các dự án khủng, có tầm cỡ của Hoành Sơn như Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (4.415 tỷ đồng) là dự án cung cấp nước phục vụ cho cả khu kinh tế Vũng Áng và Khu liên hiệp gang thép Formosa - một dự án cũng rất "lùm xùm" từ việc đội kinh phí đến lựa chọn chủ đầu tư không đúng quy định, Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (1.410 tỷ đồng); dự án khu công nghiệp Cổng Khánh 2 (350 tỷ đồng), Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (1.200 tỷ đồng); hệ thống kênh xả lũ Khu kinh tế Vũng Áng (gần 300 tỷ đồng)… hay dự án nhà máy bia rộng 30ha tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh); dự án Trang trại chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Ngoài ra, Hoành Sơn cũng lấn sân sang dự án tái tạo năng lượng với dự án Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), công suất 50 MWp, tổng mức đầu tư 1.458 tỷ đồng.
Ngoài vụ thâu tóm cảng Phước An đình đám, cùng thời gian, Hoành Sơn còn nổi tiếng với thương vụ trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Cao su Sao Vàng và tuyên bố đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn tại “đất vàng” 231 Nguyễn Trãi (Hà Nội). Ông Phạm Hoành Sơn cũng trở thành Chủ tịch của Cao su Sao vàng.
Tình hình kinh doanh của Hoành Sơn như thế nào?
Sở hữu mạng lưới đa ngành nghề, cũng như liên tiếp triển khai các dự án lớn, không quá bất ngờ khi doanh thu của Hoành Sơn Group (riêng lẻ) lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, Doanh thu của doanh nghiệp này lại lên xuống chẵn – lẻ.
Theo nguồn tin từ báo Dân Việt, năm 2016 doanh thu Hoành Sơn Group đạt 2.391 tỷ đồng, xuống 1.741 tỷ đồng năm 2017; tăng lên 4.315 tỷ đồng năm 2018, giảm còn 3.758 tỷ đồng năm 2019 trước khi tăng vọt lên ngưỡng 6.294 tỷ đồng năm 2020.
Tuy doanh thu bán hàng thuộc hàng đầu của tỉnh Hà Tĩnh, song giá vốn bán hàng thường xuyên neo ở mức cao, bào mòn hết lãi gộp của Hoành Sơn Group. Kết quả, lợi nhuận sau thuế hàng năm của Hoành Sơn Group chỉ còn vẹn vài chục tỷ đồng, không tương xứng với quy mô về tài sản cũng như vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Theo đó, năm 2016, lãi sau thuế Hoành Sơn Group đạt 71,6 tỷ đồng, giảm còn 255,7 triệu đồng năm 2017; 13,3 tỷ đồng năm 2018, 13,2 tỷ đồng năm 2019 và 41,5 tỷ đồng năm 2020.
Như vậy, giai đoạn 2016 - 2020, Hoành Sơn Goup đưa về gần 18.500 tỷ đồng, song lợi nhuận trên sổ sách đưa về chỉ đạt gần 140 tỷ đồng. Điều này đặt ra câu hỏi về năng lực quản trị chi phí, hoặc doanh nghiệp đã chủ động trong quản lý chi phí đầu vào, chi phí hoạt động nhằm giảm gánh nặng thuế thu nhập?
Chưa kể, tổng tài sản của Hoành Sơn Group cũng tăng nhanh chóng. Cũng theo nguồn tin từ Dân Việt, năm 2016, tổng doanh tài sản tập đoàn là 3.208 tỷ đồng, đến cuối năm 2020 chỉ số này đã đạt mốc 8.771 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu giữ ở ngưỡng trên 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn này.
Đáng chú ý khi danh mục nợ phải trả Hoành Sơn Group cũng nhanh chóng "phình to" từ ngưỡng 2.194 tỷ đồng (năm 2016) lên 7.610 tỷ đồng (năm 2020). Hệ số nợ phải trở/vốn chủ sở hữu đến cuối năm ngoái là 6,5 lần.