Ông chủ TBS Group sẽ "đăng đàn" tại APEC CEO Summit 2017 là ai?

- Không được nhiều người biết đến như Biti's, nhưng Thái Bình Shoes (TBS) lại là doanh nghiệp giày dép hàng đầu Việt Nam với doanh thu hàng nghìn tỷ mỗi năm. Và người sáng lập TBS Group Nguyễn Đức Thuấn sẽ là một trong 4 đại diện của nền kinh tế chủ nhà Việt Nam tham dự APEC CEO Summit 2017.

 

Trong số 4 đại diện của nền kinh tế chủ nhà Việt Nam tham dự APEC CEO Summit 2017, ông Nguyễn Đức Thuấn - người sáng lập TBS Group, sẽ tham gia thảo luận về chủ đề Tương lai của công việc. Ông Thuấn hiện là chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc điều hành TBS Group.

Ông chủ TBS Group sẽ "đăng đàn" tại APEC CEO Summit 2017 là ai? - Ảnh 1
Ông Nguyễn Đức Thuấn - người sáng lập TBS Group.

Từ đối thủ lớn của Biti's

Công ty Giày Thái Bình (Thái Bình Shoes - TBS Group) được thành lập từ năm 1989, còn nhà máy Thái Bình Shoes được cấp phép năm 1992.

Năm 2005, Thái Bình Shoes chuyển mô hình thành công ty cổ phần và đến nay, quy mô vốn của TBS Group đã lên 770 tỷ đồng.

Ba cổ đông sáng lập của TBS Group là những người đồng đội thời chiến, gồm ông Nguyễn Đức Thuấn, ông Cao Thanh Bích và ông Nguyễn Thanh Sơn. Trong đó, ông Nguyễn Đức Thuấn nắm 67% vốn.

Năm 2014, TBS Group đạt doanh thu trên 5.300 tỷ đồng, nộp ngân sách 230 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với năm 2013. Theo ước tính dựa trên bảng xếp hạng VNR500, TBS Group đứng thứ 144 và đạt doanh thu khoảng 6.000 tỷ đồng năm 2015 và 7.000 tỷ đồng năm 2016.

Cuối năm 2014, TBS Group đạt cột mốc 21 triệu đôi giày được đóng tại nhà máy 1, tỉnh Bình Dương. Mục tiêu của tập đoàn này là đến năm 2020 mở rộng quy mô sản xuất lên đến 39 triệu đôi giày.

Đến Tập đoàn đa ngành, xuất khẩu toàn cầu

Để có một thương hiệu giày riêng, một doanh nghiệp cần rất nhiều khâu và khâu nào cũng cần phải mạnh, từ nghiên cứu mẫu, thiết kế, đến tìm nguyên liệu, sản xuất, tìm hiểu thị trường, phân phối sản phẩm, nguồn lực tài chính...

Từ sản xuất giày dép, ông Nguyễn Đức Thuấn chuyển hướng cho TBS Group sang kinh doanh đa ngành bắt đầu từ khi nhận được lời mời sản xuất túi xách cho Coach, bởi ông Thuấn cho rằng, xét về mặt giá trị, sản xuất túi xách có mức doanh thu cao hơn hẳn so với sản xuất giày hoặc hàng dệt may.

Sau hơn 25 năm hoạt động, từ một xí nghiệp giày khiêm tốn với 1.000 công nhân, TBS Group đã có hơn 40.000 nhân viên hoạt động trong 6 lĩnh vực chính: Sản xuất giày dép, túi xách, đầu tư và quản lý Tài sản, logistics, khách sạn và bán lẻ, với gần 20 khu sản xuất trải dài từ Bắc vào Nam.

Theo Forbes Việt Nam, hiện TBS Group là nhà sản xuất giày và túi xách trong nước lớn nhất về quy mô với hơn 38 ngàn nhân viên, xuất khẩu 43 triệu đôi giày và 14 triệu túi xách hằng năm. Công ty sở hữu 4 trung tâm nghiên cứu và phát triển, với hơn 1.800 người. TBS tham gia vào toàn bộ quy trình: từ phát triển mẫu đến công đoạn sản xuất công nghiệp tại 16 nhà máy.

Đối tác "triệu đô" của những "ông lớn" thời trang thế giới

Trên website của TBS Group, ông Thuấn chia sẻ: "Thế giới làm được, ắt ta sẽ làm được. Với lòng tin vào tài trí và khả năng của người Việt Nam, hơn hai mươi lăm năm qua, tôi và đồng đội đã gầy dựng, phát triển TBS và chứng minh tiềm năng của ngành công nghiệp nước nhà trên thương trường quốc tế..."

Khi lần đầu tiên Coach - một thương hiệu túi xách cao cấp của Mỹ đặt câu hỏi "Liệu TBS Group có thể sản xuất túi xách thời trang hay không?", ông Thuấn đáp: "Tôi bắt đầu mơ về tương lai của túi xách Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới".

Vốn lâu nay chỉ sản xuất giày nhưng khi nhận được lời mời sản xuất túi xách cho Coach, ông Thuấn cho rằng, trong gần 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu túi xách hằng năm, hầu hết đều từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm tỉ trọng rất nhỏ. Nếu không làm, túi xách made in Vietnam sẽ không thể vươn ra thế giới.

Thêm vào đó, nếu xét về mặt giá trị, ông cho rằng, sản xuất túi xách có mức doanh thu cao hơn hẳn so với sản xuất giày hoặc hàng dệt may. Ngay cả doanh thu đạt được trên đầu người trong ngành túi xách cũng sẽ cao hơn từ 30 - 50% nếu so với sản xuất giày.

Với sự quyết tâm, ông Thuấn đã chinh phục được Coach với giá trị hợp đồng đầu tiên là 10 triệu đô la Mỹ. Theo kế hoạch, mỗi năm Coach sẽ mua hàng triệu sản phẩm của TBS Group.

Bắt đầu từ một nhà máy nhỏ tại Bình Dương với vỏn vẹn một xưởng may, một xưởng gò, cho đến nay, đến nay TBS đã khẳng định vị thế một doanh nghiệp sản xuất tầm cỡ với những đối tác lớn như Skechers, Decathon, Wolverine trong ngành giày hay Coach, Lancaster, Tory Burch trong ngành túi xách, và Damco, APL, DHL, hay Geodis trong lĩnh vực logistics.

Ngoài ra, TBS Group còn có các văn phòng đại diện đặt tại Mỹ, Hong Kong, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Theo ông Thuấn, đây không chỉ là thành công của một cá nhân ông hay một doanh nghiệp, mà là thành công cho ngành công nghiệp nước nhà.

 

Theo Phương Anh

Báo Thời Đại