Ông Lê Thanh Thản bị truy tố, quyền lợi của người mua nhà có được đảm bảo?
Sau khi ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh, bị khởi tố, nhiều người mua nhà lo rằng liệu họ có được nhận lại tiền hoặc có hy vọng cấp "sổ đỏ"?
Như VietnamFinace đã đưa tin, ông Lê Thanh Thản bị khởi tố để điều tra về hành vi lừa dối khách hàng theo Khoản 2, Điều 198 BLHS 2015 sửa đổi. Việc thực hiện các biện pháp tố tụng này nhằm làm rõ, xử lý các dấu hiệu vi phạm pháp luật tại dự án đầu tư xây dựng tổ hợp chung cư cao cấp và thương mại Bemes ở phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội.
Theo cáo buộc, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng sai phạm nghiêm trọng quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng lại quảng cáo gian dối về tính pháp lý của dự án để khách hàng tin tưởng mua nhà, dù công trình xây dựng vi phạm quy hoạch được duyệt.
Hậu quả là đã có 488 căn hộ được bán ra nhưng không được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, thu lợi bất chính hơn 481 tỷ đồng (trong đó giá trị quyền sử dụng đất hơn 56 tỷ đồng).
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết những hộ mua nhà tại dự án trên đều có mong muốn được cấp "sổ đỏ". Do đó, bên cạnh số ít hộ đề nghị trả lại nhà và nhận lại tiền thì hầu hết các gia đình nơi đây đều mong mỏi là được xem xét cấp "sổ hồng", "sổ đỏ" càng sớm càng tốt để đỡ thiệt thòi.
Được biết, khu CT6 Kiến Hưng có trên 1.600 căn hộ. Sở TN&MT TP Hà Nội đã cấp sổ đỏ cho trên 900 căn hộ. Hơn 500 căn hộ còn lại không được cấp sổ đỏ.
Trước đó, ông Lê Thanh Thản đã có đơn đề nghị được khắc phục hậu quả của vụ án theo phương án tự thỏa thuận với người mua nhà song hiện vẫn chưa đạt được kết quả.
Dưới góc độ pháp luật, trao đổi với VietnamFinace, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng trong số các khách hàng, nhiều người chỉ muốn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, không muốn chuyển sang dự án khác, cũng không muốn thanh lý hợp đồng.
Tuy nhiên, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở chỉ có thể được thực hiện nếu như tòa nhà đó, căn hộ đó phù hợp với quy hoạch, hoặc có thể điều chỉnh quy hoạch và đặc biệt là phải đảm bảo yếu tố an toàn, hợp lý về kết cấu hạ tầng kĩ thuật, đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, đảm bảo các yếu tố về an sinh xã hội.
“Những trường hợp xử phạt vi phạm hành chính để cho tồn tại không hiếm trong nhiều dự án, tuy nhiên đối với dự án này, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, vụ việc đã được chuyển đến tòa án để giải quyết về tội Lừa dối khách hàng nên cơ hội để được hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ là rất khó khăn. Vấn đề này sẽ do tòa án quyết định trong phiên tòa tới đây”, ông Cường nói.
Trong trường hợp khách hàng mong muốn đòi quyền lợi bằng cách đòi tiền mua nhà và yêu cầu bồi thường thiệt hại, luật sư Đặng Văn Cường cho biết khi tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì bên mua nhà có quyền yêu cầu đòi doanh nghiệp này phải trả lại toàn bộ số tiền đã nộp, nếu giá trị căn hộ tăng lên so với thời điểm mua thì đây là thiệt hại của khách hàng, khách hàng có quyền yêu cầu doanh nghiệp này phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật khi giao dịch dân sự vô hiệu.
“Bởi vậy, số tiền mà doanh nghiệp này nhận được do hành vi đưa ra thông tin sai sự thật là tiền thu lợi bất chính, doanh nghiệp này không được phép sở hữu số tiền này. Trong trường hợp tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu thì doanh nghiệp này có nghĩa vụ phải trả lại số tiền này cho người bị hại (các khách hàng đã mua nhà). Việc tính toán số tiền thu lợi bất chính sẽ được tính trên tổng số tiền thu được trừ các chi phí hợp lý, hợp pháp.
Trường hợp hoàn trả theo nghĩa vụ dân sự thì các chi phí hợp lý, hợp pháp sẽ không được tính, bên bán căn hộ sẽ phải trả lại toàn bộ số tiền đã nhận và còn phải bồi thường thiệt hại nếu như giá trị căn hộ đã tăng lên theo giá cả thị trường. Người mua nhà sẽ được nhận toàn bộ số tiền đã nộp cho doanh nghiệp này và có quyền yêu cầu doanh nghiệp này phải bồi thường thiệt hại là số tiền chênh lệch giữa giá nhà thực tế hiện nay so với giá trị căn hộ đã mua trước đó”, ông Cường nói.