Phân khúc bất động sản nào sẽ “tỏa sáng” trong năm 2024?
Trải qua một năm đầy “sóng gió”, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ có những sự phục hồi với “bước đệm” từ năm 2024. Vậy trong năm 2024 này, phân khúc bất động sản nào sẽ “tỏa sáng” và dẫn sóng cho thị trường bất động sản bắt đầu quá trình phục hồi và đi lên mạnh mẽ hơn?
Thị trường bước vào năm “bước đệm” để phục hồi
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VAS), thị trường bất động sản Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất. Cụ thể, tín hiệu tích cực là tỷ lệ hấp thụ đã tăng dần qua các quý. Nếu như trong quý I/2023, tổng giao dịch trên thị trường chỉ khoảng 2.700 sản phẩm thì đến quý IV/2023, con số là 5.710 sản phẩm.
Sự cải thiện này nhờ vào một số yếu tố chính là tâm lý khách hàng đã bớt bi quan; một số dự án đủ điều kiện mở bán trở lại, tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên sau nhiều năm, các chủ đầu tư dự án đã thể hiện sự nhiệt tình bán hàng thông qua hàng loạt chính sách kích thích cầu hấp dẫn, gồm: chiết khấu, khuyến mãi, hỗ trợ lãi suất kéo dài, nhận nhà sớm, mở rộng thời gian thanh toán, trong đó có dự án thậm chí kéo dài đến 3 năm..
Thực tế, thời điểm cuối năm 2023 chứng kiến nhiều dự án quy mô lớn bắt đầu chiến dịch bán hàng, giúp đa dạng hóa nguồn cung và thúc đẩy giao dịch.
Tuy nhiên, có một vấn đề băn khoăn đó là nền giá bất động sản vẫn ở mức cao so với cả giá trị thực lẫn khả năng tài chính của người dân, nhất là tại Hà Nội và TPHCM. Hiện giá trung bình căn hộ tại Hà Nội là 51,7 triệu đồng/m2; tại TPHCM là 71 triệu đồng/m2.
Thời gian qua, Chính phủ cùng các cơ quan, bộ ngành đã liên tục có những động thái can thiệp nhằm khôi phục thị trường bất động sản. Cụ thể, khoảng 20 động thái từ phía Chính phủ được thông báo một cách liên tục và mạnh mẽ, góp phần tăng cường niềm tin lẫn sức mạnh cho thị trường cùng các bên liên quan. Nhất là Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững là tín hiệu quan trọng, mang tính hướng dẫn và chỉ đạo rõ ràng.
Đặc biệt, việc có không ít tỉnh/thành hiện nay công bố quy hoạch, như: TP. Hải Phòng, TP. Cần Thơ, TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Ninh Thuận, An Giang, Cà Mau, Bến Tre, Kon Tum, Hải Dương, Bình Định... càng mở ra cơ hội cho thị trường bất động sản.
Với những “động lực” trong suốt thời gian qua, các chuyên gia trong ngành đều nhận định rằng, năm 2024 sẽ mang đến một cơ hội đặc biệt cho những người quan tâm đến thị trường bất động sản Việt Nam. Các yếu tố tích cực như sự hồi phục mạnh mẽ, chính sách hỗ trợ và quy hoạch mới tạo ra môi trường thuận lợi để đưa ra quyết định đầu tư. Tuy nhiên, sự lựa chọn này cũng đồng nghĩa với việc nhà đầu tư cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về chiến lược và mục tiêu để tránh hối tiếc.
Phân khúc nào sẽ “dẫn sóng”?
Là một trong những phân khúc đi ngược xu thế suy giảm chung của thị trường bất động sản, thời gian qua, không ít doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản công nghiệp, nhất là những loại hình chuyên biệt như nhà xưởng xây sẵn, kho lạnh, dữ liệu,…
Theo bà Trang Lê - Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam nhận định năm 2024, phân khúc nhà kho xây sẵn hiện đại có thể đón nhận nguồn cung mới đáng kể với các dự án chất lượng cao tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên.
Theo dự báo, nguồn cung sẽ tăng thêm khoảng 700.000m2, đưa tổng nguồn cung nhà kho xây sẵn hiện đại vào cuối năm 2024 tăng gấp 1,6 lần so thời điểm hiện tại. Ngoài ra, trong ngắn hạn, phân khúc này tại miền Bắc được kỳ vọng tiếp tục mở rộng ra khắp các tỉnh lân cận (Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Quảng Ninh) nhờ lợi thế giá đất cạnh tranh và nguồn đất sẵn có cho phát triển dự án mới.
Có thể thấy, bất động sản công nghiệp là một phân khúc “sáng cửa” không chỉ trong suốt khoảng thời gian qua mà bước sang năm 2024 đây vẫn được dự báo là một phân khúc sẽ có nhiều triển vọng phát triển hơn nữa.
Bên cạnh bất động sản công nghiệp thì một loại hình phục vụ nhu cầu ở thực cũng được dự báo sẽ trở thành “điểm sáng” trong năm 2024 này đó là loại hình căn hộ chung cư, đặc biệt là những căn hộ bình dân và nhà ở xã hội.
TS. Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), cho rằng năm 2024, nhu cầu ở thực để an cư vẫn luôn hiện hữu, do đó, khi thị trường đáp ứng được nguồn hàng phù hợp thì người dân vẫn mua.
“Cuối tháng 11 vừa qua, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua, song còn Luật Đất đai sửa đổi chưa phê duyệt. Chưa kể hai luật vừa thông qua, phải đợi tới đầu năm 2025 mới có hiệu lực thi hành. Điều này có nghĩa trong cả năm tới, chính sách mới không mang vào áp dụng, để tháo gỡ cho loạt dự án đang nằm đợi cơ chế. Từ đây, kéo theo nguồn cung năm sau chưa cải thiện ngay” - chuyên gia lưu ý.
Cũng theo ông Đính, từ cuối quý III/2024 trở đi, sự phục hồi mới được thể hiện rõ rệt. Phân khúc nhà ở sẽ dẫn dắt thị trường với tổng nguồn cung căn hộ chung cư ước đạt trên 30.000 căn. Cụ thể, Hà Nội sẽ có 15.000 căn, TPHCM có 5.000 căn và Bình Dương khoảng 10.000 căn.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định tình hình phát triển nhà ở xã hội sẽ tiếp tục có thêm những kết quả tích cực hơn với “trợ lực” từ chính sách. Theo ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), cho biết, với thực tế triển khai hiện nay, đến năm 2025, chúng ta có thể hoàn thành 420.000 căn.
Trong 5 năm tới, các địa phương cần xây dựng khoảng 600.000 căn nữa để hoàn thành Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” mà Thủ tướng đã phê duyệt. Để đạt được mục tiêu này Chính phủ, các bộ ngành và địa phương phải rất quyết tâm, tích cực tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai.