Phân tích chuyển động doanh nghiệp: Dấu hiệu “mất thanh khoản”, VietABank tài sản “bốc hơi” 10.356 tỷ đồng, dòng tiền âm gần 15.000 tỷ đồng
Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã đặt ra câu hỏi liệu VietA Bank có mất thanh khoản hay không. Trong khi chờ Ngân hàng Nhà nước thanh tra vấn đề này, VietA Bank chứng kiến tài sản “bốc hơi” 10.356 tỷ đồng. Đồng thời, dòng tiền của ngân hàng này ghi nhận âm gần 14.977 tỷ đồng.
Ảnh minh họa. |
Lo ngại mất thanh khoản, tài sản “bốc hơi” 10.356 tỷ đồng
Tại hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức chiều 25/4, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã thẳng thắn chỉ đích danh những ngân hàng có lãi suất cho vay “cao chót vót”, hơn cả mặt bằng lãi suất cho vay nói chung mà NHNN cho phép. Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đây là “điều khó hiểu” và hơn ba mươi năm công tác trong ngành ngân hàng nhưng ông chưa thấy trường hợp nào như thế.4 NHTM có lãi suất cho vay cao chót vót được vị Phó Thống đốc chỉ thẳng tên, lần lượt là Ngân hàng TMCP Kiên Long, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) và Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank). Trong đó, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) bị nhắc đến về vấn đề thanh khoản.
Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú đã thẳng thắn “điểm mặt, chỉ tên” từng NHTM hiện nay đang duy trì mức lãi suất cho vay “cao chót vót”, hơn cả mặt bằng lái suất cho vay nói chung mà NHNN cho phép. |
Cụ thể, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết lãi suất cho vay của ngân VietABank hiện nay tăng 0,63 điểm % so với cùng kỳ năm ngoái, đây là điều bất thường. "Liệu đây có phải là chỉ dấu cho thấy VietA Bank đang mất thanh khoản không?", Phó Thống đốc Đào Minh Tú đặt câu hỏi và yêu cầu thanh tra việc này.
Thanh khoản là yếu tố khó “đong đếm” dựa trên các chỉ tiêu tài chính. Tuy nhiên, trong khi chờ Ngân hàng Nhà nước thanh tra vấn đề thanh khoản tại VietABank, có thể thấy tổng tài sản của nhà băng này đang sụt giảm.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của VietA Bank chỉ là 94.792 tỷ đồng, giảm 10.356 tỷ đồng, tương đương 9,8% so với cuối năm 2022.
Trong đó, các chỉ tiêu liên quan đến tiền giảm rất sâu. Đáng chú ý nhất là Tiền, vàng gửi tại các Tổ chức tín dụng và cho vay các tổ chức tín dụng chỉ còn 6.586 tỷ đồng, giảm 14.702 tỷ đồng, tương đương 69,1%; Tiền mặt, vàng bạc, đá quý giảm từ 448 tỷ đồng xuống 336 tỷ đồng; Tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm từ 1.374 tỷ đồng xuống 1.212 tỷ đồng.
Trong khi tài sản nằm ở chỉ tiêu liên quan đến Tiền – có thanh khoản tốt nhất – suy giảm mạnh thì tài sản nằm ở chứng khoán lại tăng đáng kể, từ 8.984 tỷ đồng lên 10.086 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu của VietABank tại thời điểm 31/3/2023 đạt mức 953,7 tỷ đồng, giảm nhẹ 0,2% so với hồi đầu năm. Tương ứng tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ 1,5% của đầu kỳ xuống mức 1,4%.
Trong quý I, tình hình kinh doanh của VietABank không mấy khả quan khi lợi nhuận trước thuế giảm 27,9% so với cùng kỳ và dòng tiền âm gần 15.000 tỷ đồng.
Cụ thể, nguồn thu chính của VietABank là thu nhập lãi thuần đạt mức 446 tỷ đồng, tăng 77,3% so với cùng kỳ năm ngoái; lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 12,3 tỷ đồng, tăng 45,9%; hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ báo lỗ 842 triệu đồng.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 – Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank). |
Trong kỳ, chi phí hoạt động của VietABank tăng 26,3% lên mức 225,2 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ được hoàn nhập gần 1,5 tỷ đồng.
Do đó, VietABank báo lãi trước thuế đạt 244,6 tỷ đồng trong quý 1/2023, giảm 27,9% so cùng kỳ 2022; lãi sau thuế đạt 219,7 tỷ đồng, giảm 35,3%.
Xét về thanh khoản, tình trạng âm nặng dòng tiền có xu hướng trầm trọng hơn tại VietABank. Hồi cuối quý I/2023, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của VietABank âm tới 14.977 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 9.139 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.
“Đua top” lãi suất cao, lợi nhuận sụt giảm
VietA Bank rơi vào tình cảnh tài sản giảm mạnh, âm nặng dòng tiền – những dấu hiệu cho thấy thanh khoản yếu đi – dù ngân hàng nỗ lực cải thiện bằng cách “đua top” lãi suất cao.
Hồi đầu tháng 3/2023, VietABank nằm trong danh sách các đơn vị có lãi suất huy động cao nhất.
Cụ thể, trong tháng 3, theo biểu lãi suất truyền thống, mức cao nhất tại VietABank là 9,1%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 18 tháng tới 36 tháng. Còn với kỳ hạn 12 tháng, lãi suất là 9%/năm.
Tuy nhiên, theo biểu lãi suất online, mức cao nhất lên đến 9,5%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng tới 36 tháng. Còn với các hợp đồng kỳ hạn từ 7 tháng tới 11 tháng, mức lãi là 9,4%/năm.
Nhờ “đua top” lãi suất, VietABank ghi nhận huy động vốn tăng trưởng tốt. Tại ngày 31/3/2023, chỉ tiêu Tiền gửi của khách hàng đạt 77.086 tỷ đồng, tăng 6.877 tỷ đồng, tương đương 9,8%.
Chính sách lãi suất cao giúp VietABank huy động vốn tốt nhưng có “tác dụng phụ” là chi phí lãi vay cao. Trong kỳ, Chi phí lãi và chi phí tương tự của ngân hàng tăng 683 tỷ đồng, tương đương 70,3% lên 1.655 tỷ đồng. 70,3% là con số rất lớn nhưng Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự (chủ yếu đến từ lãi cho vay) lại có tốc độ đi lên mạnh hơn rất nhiều khi đạt 2.101 tỷ đồng, tăng 877 tỷ đồng, tương đương 71,7%.
Nhờ áp dụng chính sách lãi suất cho vay cao đến mức Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phải “nhắc nhở”, VietABank ghi nhận Thu nhập lãi thuần bứt phá, tăng 194 tỷ đồng, tương đương 77% lên 446 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do Lãi thuần từ Hoạt động khác giảm sâu từ 254 tỷ đồng xuống chỉ còn 21,1 tỷ đồng nên trong quý I/2023, VietABank ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm 119 tỷ đồng, tương đương 35,1% so với quý I/2022./.