Phí bảo trì chung cư, chuyện muôn năm cũ
Mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư liên quan đến phí bảo trì, diện tích chung - riêng, phí dịch vụ, chất lượng dịch vụ… là những câu chuyện muôn năm cũ xảy ra tại các chung cư hiện nay.
Theo đó, con số 2% giá trị căn hộ để trả phí bảo trì chung cư từ trước đến nay vẫn luôn là một trong những “cuộc chiến” gay gắt nhất giữa chủ đầu tư, ban quản trị và cư dân ở nhiều dự án nhà ở, dẫn đến nhiều vấn đề về an ninh trật tự.
Phí bảo trì là gì? Vì sao chưa bao giờ hết “nóng”?
Theo Luật Nhà ở 2014 quy định người mua căn hộ chung cư phải nộp phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua nhà (trước thuế GTGT) tại thời điểm nhận bàn giao nhà. Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư cho ban quản trị để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.
Đây khoản phí được sử dụng để bảo trì, khắc phục kịp thời các hạng mục thuộc sở hữu chung tại tòa nhà bị xuống cấp trong quá trình sử dụng như hành lang, hầm đỗ xe, hệ thống phòng cháy chữa cháy, máy phát điện, hệ thống chiếu sáng,… để hạn chế tối đa những ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống cư dân.
Quy định là vậy, nhưng hiện nay không ít chủ đầu tư cố tình “chây ì”, chậm chuyển trả quỹ bảo trì nhằm tận dụng dòng vốn vào mục đích khác. Đây cũng là nguyên nhân khiến “chiến tranh” giữa chủ đầu tư với cư dân mãi không có hồi kết xảy ra tại nhiều chung cư trên địa bàn Hà Nội, TP.HCM,…
Ai chịu trách nhiệm quản lý phí bảo trì chung cư?
Theo Luật nhà ở, chủ đầu tư và ban quản trị nhà chung cư là những bên chịu trách nhiệm quản lý phí bảo trì chung cư, trong đó trách nhiệm của mỗi bên đều được quy định rõ ràng:
- Đối với chủ đầu tư:
Sau khi thu quỹ bảo trì chung cư, trong vòng 7 ngày chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển khoản tiền đó vào tài khoản tiền gửi tiết kiệm của một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam.
Sau 12 tháng kể từ thời điểm tòa nhà được bàn giao và đưa vào sử dụng và có trên 50% căn hộ nhận bàn giao, Chủ đầu tư có trách nhiệm phối hợp tổ chức Hội nghị nhà chung cư để bầu ra Ban quản trị tòa nhà.
Trong vòng 7 ngày làm việc kể từ khi thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao kinh phí bảo trì bao gồm cả lãi suất tiền gửi cho ban quản trị để thực hiện quản lým sử dụng và có thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh biết.
Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí này thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế buộc chủ đầu tư phải thực hiện bàn giao theo quy định của Chính phủ.
- Đối với ban quản lý chung cư:
Ban quản trị chung cư có trách nhiệm quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì đúng mục đích, đúng hạng mục cần bảo trì theo kế hoạch bảo trì đã được thông qua hằng năm. Việc sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung phải có hóa đơn tài chính, có thanh toán, quyết toán theo quy định của pháp luật về tài chính và phải báo cáo Hội nghị nhà chung cư.
Thành viên Ban quản trị nhà chung cư có quyết định sử dụng kinh phí không đúng quy định sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường thiệt hại.
Đối với phần kinh phí để bảo trì, phần sở hữu chung của cả tòa nhà và phần sở hữu chung của khu căn hộ sẽ được chuyển vào tài khoản do Ban quản trị nhà chung cư lập để quản lý, sử dụng theo quy định.
Bỏ hẳn 2% phí bảo trì chung cư có tốt cho người mua nhà?
Đã từng có nhiều kiến nghị bãi bỏ quy định người mua nhà phải đóng kinh phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua bán nhà tại thời điểm nhận nhà vì không cần thiết, không hợp lý và tạo thêm gánh nặng cho người mua nhà.
Tuy nhiên, sau khi phỏng vấn lấy ý kiến của Ban quản trị của nhiều dự án, có thể thấy rằng việc tranh chấp quỹ bảo trì giữa cư dân và chủ đầu tư chỉ là một trong nhiều vấn đề ở chung cư. Sẽ luôn tồn tại mâu thuẫn tranh chấp, quan trọng là chế tài để xử lý và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong giám sát cũng như xử lý các vấn đề xảy ra ra sao.