Quy hoạch phải phù hợp tình hình đất nước, với tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược

Phát biểu khai mạc “Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” sáng 14/9 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Quy hoạch phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, khả thi, phù hợp tình hình đất nước, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng công tác quy hoạch có ý nghĩa rất quan trọng với sự phát triển.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia theo Luật Quy hoạch trên cơ sở bám sát để cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII của Đảng, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), các nghị quyết của Trung ương, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, hướng tới các mục tiêu phát triển đất nước tới năm 2025, 2030 và 2045.

Quy hoạch phải tuân thủ các quy định của pháp luật, bảo đảm chất lượng, khả thi, phù hợp tình hình đất nước, với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược.

Quy hoạch phải phù hợp tình hình đất nước, với tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược - Ảnh 1

“Hội nghị thẩm định Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Thủ tướng Chính phủ nhắc lại quan điểm: “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới và sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân”. Với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, Quy hoạch phải chỉ ra được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, từ đó có giải pháp phù hợp để phát huy tối đa các nguồn lực, trong đó nội lực (gồm con người, thiên nhiên, truyền thống văn hóa – lịch sử) là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực (gồm vốn, công nghệ, quản lý, đào tạo nhân lực…) là quan trọng và đột phá.

Thủ tướng cho rằng, việc xây dựng quy hoạch đã quan trọng, nhưng công tác thẩm định còn quan trọng hơn. Đây là công việc khó bởi được làm lần đầu tiên, chưa có tiền lệ, quy mô rộng, nhiệm vụ lớn, phức tạp, nhạy cảm, do đó phải giữ vững đoàn kết, thống nhất, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau, quyết định theo đa số với tinh thần trách nhiệm cao nhất để bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn thiện quy hoạch.

Bộ đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Kinh tế trung ương và 5 Ủy ban của Quốc hội, các chuyên gia và các địa phương, đồng thời đăng tải hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tham khảo nhiều kinh nghiệm quốc tế, trong đó có quy hoạch quốc gia của các nước như Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản - các nước có nhiều điều kiện tương đồng và mức độ phát triển cao hơn trong khu vực - để tìm hiểu kinh nghiệm tổ chức lập và nội dung quy hoạch quốc gia ở các nước nêu trên.

Đồng thời, Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã cử các chuyên gia hỗ trợ nghiên cứu, góp ý cho các nội dung lớn của Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Quy hoạch phải phù hợp tình hình đất nước, với tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược - Ảnh 2Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở quan trọng để lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch tổng thể quốc gia đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Xác định các quan điểm lớn về phát triển quốc gia; xác định và định hướng phát triển cho các vùng động lực, cực tăng trưởng; hình thành các trục và hành lang kinh tế và hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng.

Báo cáo Quy hoạch tổng thể quốc gia đã cơ bản đánh giá được toàn diện thực trạng các yếu tố, điều kiện, hiện trạng phát triển của quốc gia, đồng thời dự báo, đánh giá các tác động, các xu hướng ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia trong thời kỳ quy hoạch.

Báo cáo đề nghị xem xét, bổ sung nhiều nội dung quan trọng, trong đó, về phát triển ngành nông nghiệp, đề nghị phân tích, đánh giá so sánh cơ cấu giữa các phân ngành; bổ sung các phân tích, đánh giá về khả năng cung ứng của các dịch vụ hỗ trợ trong các chuỗi giá trị nông nghiệp; cân nhắc việc đưa các số liệu quá chi tiết về diện tích, số lượng các loại cây trồng, vật nuôi trong quy hoạch tổng thể quốc gia.

Về phát triển ngành công nghiệp, cần đánh giá bổ sung rõ hơn về hiện trạng hạ tầng công nghiệp; phân tích, đánh giá tình hình phát triển của công nghiệp hỗ trợ; bổ sung phân tích, đánh giá sự kết nối liên ngành theo một số chuỗi giá trị chính như liên kết giữa phát triển vùng nguyên liệu nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, sự liên kết giữa công nghiệp chế biến với ngành du lịch, dịch vụ để tiêu thụ sản phẩm; các ngành công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp.

Đồng thời, đề nghị bổ sung đánh giá về hiện trạng hạ tầng thương mại, hạ tầng logistics; làm rõ hơn hiện trạng phân bố sản phẩm du lịch, hạ tầng kỹ thuật du lịch, mối liên kết phát triển du lịch giữa các vùng.

Bổ sung phân tích mối quan hệ giữa phân vùng sản xuất đối với phân bố, tổ chức dân cư đô thị, nông thôn; vai trò của hệ thống đô thị trung tâm.

Hà Anh

Theo Doanh nghiệp Việt Nam