Quyết liều 'chơi lớn', đại gia BĐS 'khùng' dồn trăm tỷ mua sa mạc: Chỉ nhờ 1 loại quả mà hốt bạc mỏi tay
Bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để mua 2.000 mẫu đất sa mạc cằn cỗi, quyết định của đại gia BĐS này từng bị nhiều người cho rằng không bình thường.
Trương Trì là một trong những tỷ phú bất động sản Trung Quốc. Ông sở hữu tài sản ròng hàng tỷ NDT. Sau khoảng thời gian cật lực nơi thương trường, ông gác lại công việc và dành phần lớn thời gian bên gia đình, con cháu. Tuy nhiên, một cơ duyên khác lại đưa vị tỷ phú này "giàu ở một tầm mới".
Chuyến đi định mệnh và cơ duyên với vùng đất cằn cỗi
Ninh Hạ là một khu tự trị của dân tộc Hồi ở Trung Quốc, nơi đây có hành lang trồng nho rộng hàng nghìn mẫu đất. Năm 2008, Trương Trì được một người bạn dẫn đi thực địa tại nơi đây, theo dõi và quan sát về vùng trồng nho, sản xuất rượu vang ở nơi đây.
Tuy nhiên, khi đến sa mạc Gobi ở Ninh Hạ, họ nhìn quanh chỉ thấy cát trải dài từng bãi rộng mênh mông và hoang vắng. Không hề có một chút tiềm năng hay cơ hội nào cho việc nông nghiệp hay phát triển kinh tế. Trong quá trình dạo quanh nơi đây, vị đại gia bất động sản biết được rằng người dân nơi này rất mong được các ông chủ lớn đầu tư vào vùng đất để họ có tiền cho con cái đi học. Thế là suy nghĩ phát triển kinh tế vùng đất cằn cỗi này trội dậy mạnh mẽ trong suy nghĩ của vị đại gia.
Bị mang tiếng đại gia bất động sản "khùng" vẫn quyết đầu tư mua 2.000 mẫu đất sa mạc
Sau khi xác nhận đầu tư vào mảnh đất cằn cỗi này, tỷ phú Trương Trì lập tức chi 30 triệu NDT (khoảng 100 tỷ đồng) để mua 2.000 mẫu đất sa mạc Gobi. Ông lựa chọn trồng nho, loại cây vốn đã được người dân địa phương trồng nhiều năm qua nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế như mong muốn. Hành động này của đại gia bất động sản được cho là ngông cuồng, mạo hiểm nên bị gia đình phản đối. Thậm chí, nhiều người bạn còn cho rằng Trương Trì bị điên mới dám nhận dự án này.
Tuy nhiên, tỷ phú này dường như không quan tâm đến những lời khuyên của người khác mà vẫn quyết tâm trồng nho ở sa mạc Gobi của Ninh Hạ. Ngoài lời hứa với bản thân trước đó, trước khi đến Ninh Hạ, Trương Trì cũng đã tìm hiểu và biết rằng sa mạc Gobi hoang vắng này thực sự là một vùng đất kho báu.
Theo đó, theo nghiên cứu của ông, ở chân núi Helen phía đông ở Ninh Hạ, thời gian nắng kéo dài, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm lớn, lượng mưa thấp, rất thuận lợi cho việc tích tụ glucose ở cây nho. Trương Trì quyết tâm phải tận dụng món quà từ tự nhiên này để giúp bà con nơi đây làm giàu. Ông cũng tin chắc rằng “bãi cát khô cằn” này nhất định sẽ trở thành “bãi cát vàng” trong tương lai.
Với nghiên cứu và nhận định của mình, Trương Trì chi tiền thuê và ký hợp đồng dài hạn với 500 nông dân tại địa phương. Sau đó, để giải quyết vấn đề nguồn nước, Trương Trì đã mời các kỹ thuật viên giỏi đến và chi 20 triệu NDT để xây dựng các kênh dẫn nước từ sông Hoàng Hà đến sa mạc Gobi để phục vụ tưới tiêu. Ông cũng đầu tư thêm 10 triệu NDT để đưa hệ thống lọc nước từ Israel đến những ngôi làng xung quanh để người dân được uống nước sạch.
Để chắn gió và chắn cát, Trương Trì đã chi thêm 50 triệu NDT và trồng hơn 3 triệu cây dương nhằm xây bức tường xanh bảo vệ vườn nho của mình. Chưa hết, ông còn cho xây những hàng rừng phòng hộ quanh làng.
Mặc dù là một tỷ phú có khối tài sản lớn trong tay, thế nhưng Trương Trì không ngại trực tiếp lặn lội nơi gió cát này, vác cuốc, làm lụng vất vả từ lúc mặt trời mọc với người dân trong làng, trực tiếp trải nghiệm bản thân trong môi trường này.
Khó khăn ập tới vẫn kiên trì chờ ngày "hái quả ngọt"
Bên cạnh quá trình trồng và chăm sóc nho, Trương Trì còn nghiên cứu kỹ "đầu ra" cho sản vật mình trồng được khi tự mày mò, nghiên cứu thêm công nghệ kỹ thuật để áp dụng cho việc nấu rượu vang. Bên cạnh đó, ông còn mạnh tay đầu tư thuê đội ngũ nấu rượu người Pháp hướng dẫn toàn bộ quy trình và mua sắm thêm trang thiết bị nấu rượu vang tiên tiến.
Năm 2015, thùng rượu đầu tiên do nhà máy rượu vang của Trương Chi sản xuất bắt đầu xuất hiện trên thị trường. Với hương vị thơm ngon và đặc trưng, rượu vang của ông được các chuyên gia đánh giá cao và cho rằng chất lượng không thua kém gì rượu vang ngoại.
Tuy nhiên, do là thương hiệu mới, chưa có tên tuổi trên thị trường mà rượu vang của công ty Trương Trì chưa thể phổ biến rộng rãi trên thị trường Trung Quốc cũng như chưa được người tiêu dùng đón nhận. Thế là vị tỷ phú lại loay hoay đi tìm cách quảng bá sản phẩm của mình. Nhiều người còn khuyên ông nên dừng lại dự án này và tiến hành chuyển nhượng nhà máy rượu vang để có thể gỡ vốn cũng như bớt đi được một mối lo.
Thế nhưng với quyết tâm của mình, vị tỷ phú vẫn không chịu buông tay. Năm 2018, Trương Trì quyết định tham gia Cuộc thi rượu vang quốc tế Pháp như một cách để quảng bá sản phẩm. Bất ngờ thay, sản phẩm của ông giành được huy chương vàng trong lần đầu tiên xuất hiện trên trường quốc tế, trở thành đại diện đầy triển vọng trong ngành chế biến rượu vang.
Sau cuộc thi này, rượu vang của Trương Trì trở nên vô cùng nổi tiếng, giúp ông giành được nhiều đơn đặt hàng trong nước và ở nước ngoài. Tầm ảnh hưởng không ngừng được mở rộng. Nhà máy rượu vang này hiện có hơn 10.000 mẫu đất trồng nho với quy trình sản xuất cao cấp và kỹ thuật ủ rượu cổ xưa. Có thể sản xuất hơn 10 triệu chai rượu mỗi năm và đã giành được nhiều giải thưởng lớn nhỏ tại Trung Quốc và quốc tế.
Thành công của Trương Trì với mảnh đất cằn cỗi đã nhanh chóng trở thành một bài học về sự quyết tâm cũng như thể hiện tấm lòng của vị tỷ phú với những người dân khó khăn của nơi đây. Cái tâm và cái tầm của Trương Trì khiến nhiều doanh nhân khác phải nể phục. Đó cũng chính là một trong những yếu tố giúp ông thành công đến vậy.