'Room tín dụng làm mất đi sự công bằng giữa các doanh nghiệp'
OLiên quan đến room tín dụng, bà Trần Lệ Hằng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lê My Trần cho rằng, room tín dụng này làm mất đi sự công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau, khi dòng vốn chỉ được tập trung cho lĩnh vực bất động sản, còn lĩnh vực thương mại thì lại không có nguồn vốn để phục vụ mục đích kinh doanh của mình.
Bà Trần Lệ Hằng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lê My Trần, cho biết doanh nghiệp không thể tránh khỏi việc vay tiền ngân hàng. Đối với doanh nghiệp của mình, bà Trần Lệ Hằng sử dụng chủ yếu 1 nguồn vốn duy nhất là vốn lưu động, để linh hoạt trong hoạt động kinh doanh.
Chính vì vậy, doanh nghiệp của bà Trần Lệ Hằng hiện nay đang vay ngân hàng với lãi suất 8,8% cho thời hạn 6 tháng. Tuy nhiên, mới đây, ngân hàng có thông báo, khách hàng chỉ trả vào và không giải ngân ra, khi nào giải ngân ra thì ngân hàng sẽ thông báo sau. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động kinh doanh của công ty.
"Là một doanh nghiệp chuyên cung cấp vật tư dự án xây dựng, tôi rất hoang mang khi không biết ngày mai sẽ như thế nào. Bởi hiện nay, chủ đầu tư không có nguồn vốn quay vòng, họ không có tiền để trả nhà thầu, đồng nghĩa với việc nhà thầu không có tiền trả cho đơn vị cung cấp", bà Hằng lo lắng.
Bà Trần Lệ Hằng cho biết, với tình hình như hiện nay, doanh nghiệp có thể xoay chuyển bằng cách không trả tiền cho ngân hàng. Số tiền đó, doanh nghiệp để lại, phục vụ cho việc làm ăn của mình. Tuy nhiên, làm như vậy doanh nghiệp dễ dẫn đến việc bị đưa vào danh sách nợ xấu.
Nguyên nhân là doanh nghiệp không kịp trả nợ theo đúng hạn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phần kinh doanh và các vấn đề khác liên quan đến vay vốn tín dụng… Chính những bất cập này, bà Hằng cho rằng đây là một chuỗi lệ lụy lớn cho doanh nghiệp trong thời gian về sau, trong khi đó lỗi này không phải thuộc về doanh nghiệp.
Ngoài ra, room tín dụng này làm mất đi sự công bằng giữa các doanh nghiệp với nhau, khi dòng vốn chỉ được tập trung cho lĩnh vực bất động sản, còn lĩnh vực thương mại thì lại không có nguồn vốn để phục vụ mục đích kinh doanh của mình.
“Ngân hàng không thể cào bằng các doanh nghiệp với nhau được, bởi điều này sẽ tạo ra sự thiệt thòi cho các doanh nghiệp thương mại”, bà Trần Lệ Hằng nhận định.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Võ Minh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Đà Nẵng, cho biết vấn đề này liên quan đến room tín dụng của năm 2022.
Theo đó, room tín dụng này là một trong những công cụ điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Mục đích của room tín dụng là để khống chế và điều chỉnh lượng tín dụng phù hợp với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Bởi nền kinh tế của Việt Nam hiện nay không thể nào để cho tín dụng tăng trưởng một cách ồ ạt.
Do đó, ngay từ đầu năm 2022, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra hạn mức tăng trưởng tín dụng của năm nay là 14% tính trên tổng thể hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong đó, dư nợ của hệ thống ngân hàng là 11 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, nguồn vốn tín dụng của ngân hàng thương mại tập trung vào các doanh nghiệp bất động sản tương đối nhiều.
“Đặc thù cho vay bất động sản là phải từ 12 tháng trở lên mới trụ được. Chính vì sự trên lệch kỳ hạn như vậy, các doanh nghiệp thương mại trở nên khó khăn. Qua đó, tôi đã có kiến nghị với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là kiên định lãi suất 14% cho năm 2022. Không có lý do gì để năng trần tín dụng của năm nay lên”, ông Minh nói.
Theo ông Võ Minh, bản thân các ngân hàng cũng có lỗi trong quá trình thực thi chính sách của mình khi cho vay lĩnh vực bất động sản ào ạt. Vì vậy, vốn liếng cho ngành thương mại không có.
“Quan điểm của Ngân hàng nhà nước là vốn liếng chỉ tập trung cho các lĩnh vực liên quan đến kinh doanh sản xuất là chính chứ không phải là lĩnh vực bất động sản, chứng khoán hay kinh doanh ngoại tệ….”, ông Minh khẳng định.