'Rục rịch' thay sếp lớn, ngân hàng nhỏ có 'đổi vận'
Mới đây, ngân hàng Eximbank, VietABank 'thay máu' lãnh đạo cấp cao. Động thái này liệu có đem lại diện mạo mới cho ngân hàng trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến kéo dài gần 2 năm qua.
Ngân hàng nhỏ 'rục rịch' thay sếp lớn
Mới đây, HĐQT Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank - Mã CK: VAB) vừa bầu ông Phương Thành Long làm Chủ tịch HĐQT thay thế cho ông Phương Hữu Việt (đã từ nhiệm vì lý do cá nhân). Quyết định có hiệu lực kể từ ngày hôm nay (8/9/2021).
Trước khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT, ông Long (sinh năm 1983) là Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc VietABank. Trong giai đoạn này, ông Long phụ trách Khối tài chính kế toán và quản trị rủi ro của ngân hàng.
Như vậy, ông Phương Hữu Việt thôi làm chủ tịch ngân hàng sau hơn 10 năm giữ cương vị này từ 2011. Ông và Tập đoàn Việt Phương do ông làm chủ đã bỏ vốn vào nhà băng này trong tình cảnh ngân hàng đứng trước áp lực buộc phải tăng vốn lên trên 3.000 tỷ đồng.
VietABank cho hay, sau khi từ nhiệm, ông Phương Hữu Việt vẫn là thành viên HĐQT của nhà băng này.
Theo báo cáo quản trị của ngân hàng, tính đến 24/4, VietABank có cổ đông lớn là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư Việt Phương, nắm hơn 54,3 triệu cổ phần tương đương tỷ lệ sở hữu 12,2%.
Cùng thời điểm này, HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) vừa thông qua việc bổ nhiệm ông Trần Tấn Lộc - Phó Tổng giám đốc giữ chức Tổng Giám đốc kể từ ngày 8/9 trong thời hạn 1 năm. Đồng thời, HĐQT cũng chấp thuận miễn nhiệm chức vụ Quyền Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Cảnh Vinh từ ngày 8/9.
Ngân hàng có 'đổi vận'?
Tại VietABank, sự thay đổi nhân sự cấp cao được kỳ vọng mang lại nhiều khởi sắc cho ngân hàng trong giai đoạn mới bởi từ khi thành lập năm 2003 đến nay, kết quả kinh doanh tại VietABank thuộc nhóm ‘chiếu dưới’.
Khoảng 3 năm trở lại đây, lợi nhuận của nhà băng này đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Năm 2019, lợi nhuận trước thuế tại VietABank tăng 83% so với năm 2018, đạt 276 tỷ đồng. Đến năm 2020 tăng 47% so với năm 2019, đạt 407 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận VAB gấp 2,7 lần cùng kỳ khi thu về 326 tỷ đồng lãi sau thuế.
Nguồn thu nhập chính của VietABank trong những năm gần đây vẫn chủ yếu đến từ tín dụng. Thu nhập lãi cho vay trung bình mỗi năm vẫn chiếm khoảng 85%. Kế sau đó là các khoản thu lãi từ kinh doanh, đầu tư chứng khoán nợ với tỷ lệ đóng góp mỗi năm từ 10 - 12%.
Với số vốn điều lệ hiện tại là 4.449 tỷ đồng, VietABank đang nằm trong nhóm những ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống. Theo kế hoạch được đại hội thường niên mới đây thông qua, VietABank sẽ tăng vốn điều lệ lên 5.400 tỷ đồng thông qua phát hành 95 triệu cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 21,35%. Thời gian dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Dù lợi nhuận khả quan nhưng so với nhóm ngân hàng cùng quy mô đang giao dịch trên sàn chứng khoán như KienLongBank, Nam A Bank thì lợi nhuận của VietABank có phần khiêm tốn hơn.
Đáng lưu ý, có một khoản mục liên tục tăng trong vài năm trở lại đây, đó là khoản lãi dự thu (lãi ảo). Thậm chí, số lãi dự thu tại VietABank còn lớn hơn cả lợi nhuận sau thuế.
Hiện nay, lãi dự thu cũng là một "khối u" nhức nhối không kém gì nợ xấu. Với khoản lãi dự thu lớn cho thấy chất lượng tài sản của ngân hàng đang kém dần ảnh hưởng đến việc đánh giá xếp hạng và áp dụng các chuẩn mực quốc tế.
Trường hợp tại Eximbank, Ông Trần Tấn Lộc lên giữ chức Tổng giám đốc khi cơ cấu nhân sự tại nhà băng này liên tục biến động trong thời gian dài, cũng như việc tổ chức đại hội đồng cổ đông khó khăn.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận trước thuế của Eximbank xấp xỉ cùng kỳ khi thu về gần 555 tỷ đồng và gần 445 tỷ đồng lãi sau thuế.
Mặc dù chưa thể tổ chức ĐHĐCĐ để thông qua, nhưng nếu so với kế hoạch lãi trước thuế 2.150 tỷ đồng được đề xuất cho cả năm 2021, thì Eximbank mới thực hiện được 26% sau nửa đầu năm.
Hơn nữa, tuy nợ xấu tại nhà băng này tính đến cuối quý 2/2021 đã giảm 16% chỉ còn gần 2.139 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhóm nợ cần chú ý vẫn ở mức khá cao với 774 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản nghĩa vụ nợ tiềm ẩn tại Eximbank tính đến 30/6/2021 bỗng tăng vọt 116% lên hơn 156.000 tỷ đồng.
Dù nợ cần chú ý và nghĩa vụ nợ tiềm ẩn chưa xếp vào nhóm nợ xấu nhưng với tình hình dịch Covid-19 diễn biến kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, đây rất có thể sẽ trở thành các khoản nợ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong tương lai tại Eximbank.