Phát hành giấy tờ có giá tại Big4 ngân hàng: BIDV tăng, Agribank giảm

Mặc dù phát hành giấy tờ có giá giúp các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR). Tuy nhiên, nếu ngân hàng phát hành giấy tờ có giá quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận trong tương lai.

Ngân hàng phát hành giấy tờ có giá bao gồm kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu để huy động vốn trung và dài hạn, được tính vào nguồn vốn cấp 2 của ngân hàng (nợ thứ cấp) để cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR).

Xu hướng tăng giá trị giấy tờ có giá đã xuất hiện từ năm 2016 cho đến nay. Đặc biệt, lượng phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh trong năm 2019 bởi đây là hạn chót để các ngân hàng chuẩn bị cho việc áp dụng hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) và đón đầu việc siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn xuống 40%.

Do đó, nhiều ngân hàng đã triển khai tăng vốn thông qua phát hành trái phiếu (kỳ hạn trên 5 năm và không được đảm bảo bởi tổ chức tín dụng) để đẩy vốn cấp 2 và chào bán chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài từ năm 2019 khiến lượng phát hành giấy tờ có giá tăng mạnh.

Tốc độ tăng trưởng phát hành giấy tờ có giá tại Big4 ngân hàng đang phân hóa  
Tốc độ tăng trưởng phát hành giấy tờ có giá tại Big4 ngân hàng đang phân hóa  
Các năm trước, nhóm Big4 ngân hàng gồm Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank đều là những ngân hàng có mức tăng trưởng phát hành giấy tờ có giá cao trong hệ thống. Tuy nhiên, tính đến cuối quý 2/2021, tốc độ tăng trưởng phát hành giấy tờ có giá tại các ông lớn này bất đầu có sự phân hóa rõ rệt.

Chẳng hạn tính đến cuối năm 2020, phát hành giấy tờ có giá tại Agribank tăng mạnh 43% so với đầu năm, lên mức 40.205 tỷ đồng (chủ yếu là trái phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu). Trong đó, phát hành trái phiếu tăng 31% lên mức gần 33.121 tỷ đồng; chứng chỉ tiền gửi tăng mạnh 157% so với đầu năm, lên mức 6.899 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo BCTC riêng lẻ soát xét bán niên năm 2021, tính đến 30/6/2021, lượng phát hành giấy tờ có giá tại Agribank đã giảm nhẹ 9% xuống còn 36.653 tỷ đồng.

Tương tự, trong BCTC riêng lẻ soát xét bán niên năm 2021, phát hành giấy tờ có giá tại Vietcombank xấp xỉ so với đầu năm, chỉ ở mức 21.364 tỷ đồng.

Trong khi Agribank và Vietcombank có mức tăng trưởng chậm hoặc giảm so với các năm trước, thì lượng phát hành giấy tờ có giá tại BIDV và Vietinbank tiếp tục tăng.

Theo BCTC riêng lẻ năm 2020 đã kiểm toán, phát hành giấy tờ có giá tại Vietinbank tăng nhẹ 5% ở mức 59.875 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2021, con số này tăng nhẹ 8% so với cuối năm 2020, ghi nhận hơn 64.960 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất tại BIDV, trong BCTC riêng lẻ năm 2020, phát hành giấy tờ có giá chỉ tăng nhẹ lên mức 63.187 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính đến 30/6/2021, phát hành giấy tờ có giá đã tăng lên 97.077 tỷ đồng, tương đương tăng mạnh 54% so với thời điểm cuối năm 2020.

Trong đó, chứng chỉ tiền gửi tăng vọt 146%, lên 57.346 tỷ đồng, chủ yếu là dưới 12 tháng với 26.378 tỷ đồng và từ 12 tháng đến dưới 5 năm với 29.965 tỷ đồng.

Xét về tỷ trọng, BIDV là ngân hàng có tỷ lệ lượng phát hành giấy tờ có giá trên tổng tài sản nợ cao nhất với 6%.

Nguồn: BCTC riêng lẻ soát xét bán niên năm 2021.    
Nguồn: BCTC riêng lẻ soát xét bán niên năm 2021.    
Mặc dù phát hành giấy tờ có giá giúp các ngân hàng cải thiện hệ số an toàn vốn (CAR), song, nếu ngân hàng phát hành giấy tờ có giá quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận trong tương lai.

Đó là rủi ro về mặt lãi suất. Rủi ro lãi suất xảy ra khi có sự chênh lệch giữa lãi suất huy động đầu vào và lãi suất đầu ra do biến động của thị trường và chênh lệch về thời hạn giữa nguồn vốn huy động và sử dụng vốn. Sự biến động của lãi suất sẽ tác động đến toàn bộ bảng cân đối tài sản và báo cáo thu nhập của ngân hàng.

Cụ thể, việc huy động vốn trung và dài hạn thường có lãi suất cao. Nếu thời hạn nguồn vốn lớn hơn thời hạn sử dụng vốn và nguồn vốn được đầu tư lại (cho vay) với lãi suất thấp hơn lãi suất huy động vốn do sự thay đổi của lãi suất thị trường sẽ gây ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng bởi chi phí đầu vào cao khiến biên thu nhập lãi của ngân hàng có thể bị thu hẹp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa ban hành Thông tư 12/2021/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước. 

 

Thông tư quy định các nguyên tắc mua, bán giấy tờ có giá. Theo đó, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, bán giấy tờ có giá phù hợp với nội dung mua, bán trái phiếu doanh nghiệp và/hoặc giấy tờ có giá khác ghi trong Giấy phép do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp. Bên mua, Bên bán chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mua, bán  giấy tờ có giá phù hợp với quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan. Đồng tiền thực hiện trong giao dịch mua, bán giấy tờ có giá là đồng Việt Nam.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 27/10/2021.

Hoàng Long

Theo Sở hữu trí tuệ