‘Rút lui’ khỏi hàng loạt dự án bất động sản, Ocean Group bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục?

Tại Báo cáo tài chính (BCTC) soát sét 6 tháng đầu năm 2021 của CTCP Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, mã chứng khoán: OCG) kiểm toán đã đưa ra kết luận ngoại trừ việc nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của công ty trong bối cảnh Ocean Group đã tuyên bố thoái lui khỏi loạt dự án bất động sản.

Báo cáo tài chính soát sét 6 tháng đầu năm 2021 của Ocean Group, 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu hợp nhất của công ty ghi nhận 220 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Doanh thu tài chính cũng lao dốc giảm 97%  từ 272 tỷ đồng còn 7,5 tỷ đồng. Được biết chỉ tiêu này giảm mạnh chủ yếu do không còn các khoản thu từ việc bán cổ phần tại hai công ty con là CTCP Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển Đầu tư và CTCP Du lịch Khách sạn Suối Mơ như nửa đầu năm 2020.

Sau khi trừ đi loạt chi phí, OGC ghi nhận lãi ròng giảm 4%, tức gần 43 tỷ đồng.

Một số chỉ tiêu tài chính của Ocean Group (Nguồn: BCTC soát sét 6 tháng đầu năm của OGC).    
Một số chỉ tiêu tài chính của Ocean Group (Nguồn: BCTC soát sét 6 tháng đầu năm của OGC).    

Trong bối cảnh vừa thoát lỗ, Ocen Group đã công bố điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho năm 2021. Cụ thể, đối với công ty mẹ, Ocean Group đặt ra mục tiêu mới là tổng doanh thu đạt gần 91 tỷ đồng, lãi sau thuế 25,2 tỷ đồng (tăng 6,21% so với kế hoạch ban đầu).

Đối với kế hoạch kinh doanh hợp nhất của tập đoàn, mục tiêu tổng doanh thu mới đạt 968 tỷ đồng (giảm 3,6 % so với kế hoạch ban đầu đặt ra). Lợi nhuận sau thuế đạt 40 tỷ đồng (giảm 58% so với kế hoạch ban đầu).

Quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2021 của Ocean Group.    
Quyết định điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2021 của Ocean Group.    

Đáng chú ý, sau 6 tháng đầu năm kinh doanh không mấy khả quan, kiểm toán đã nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của Ocean Group. Nội dung này được đề cập tại Báo cáo tài chính soát sét 6 tháng đầu năm của OGC.

Cụ thể, kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ về việc Công ty có các khoản nợ phải thu, khoản góp vốn cho các đối tác để triển khai dự án đầu tư và khoản cho vay, tài sản thiếu chờ xử lý và các khoản đầu tư khác với tổng số dư nợ gốc là 1,039 tỷ đồng, số dự phòng gần 296 tỷ đồng, giá trị thuần của tài sản sau bù trừ số dư nợ phải trả và trích lập dự phòng hơn 408 tỷ đồng. Kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để đánh giá khả năng thu hồi cũng như khả năng tiếp tục thực hiện và thu được lợi ích kinh tế trong tương lai của các khoản trên cũng như không thể thực hiện được các thủ tục thay thế để đánh giá giá trị dự phòng cần phải trích lập.

Kiểm toán nghi ngại về khả năng hoạt động liên tục của OGC.    
Kiểm toán nghi ngại về khả năng hoạt động liên tục của OGC.    

Bên cạnh đó, kiểm toán còn đưa ra ý kiến nhấn mạnh về vấn đề Công ty con – CTCP Khách sạn và Dịch vụ OCH đã nhận được văn bản của Cơ quan chức năng về việc “tạm dừng mọi biến động (giao dịch chuyển nhượng mua, bán, cho tặng, cầm cố, thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất..) đối với thửa đất số Lô 45-1, khu công nghiệp Quang Minh, thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội”. Đến thời điểm phát hành Báo cáo soát xét, Công ty vẫn đang làm việc với cơ quan chức năng để giải quyết vấn đề này.

Với mục tiêu cấp bách là chi trả các khoản công nợ đang bị thi hành án, các khoản nợ quá hạn thanh toán tại các tổ chức tín dụng nhằm tránh các khoản lãi, lãi phạt, bán giải chấp tài sản đảm bảo Ban lãnh đạo Ocean Group đã kiên quyết muốn bán bớt 20/120 triệu cổ phần OCH tại Khách sạn Đại Dương bất chấp sự phản đối của các cổ đông lớn. Cuộc chiến nội bộ Ocean Group liên quan đến thương vụ này đã kéo dài gần một năm nay và chưa thể đi đến hồi kết.

Đáng chú ý, kiểm toán còn nhấn mạnh khoản lỗ lũy kế của OGC đến ngày 30/06/2021 khoảng 2,624 tỷ đồng. Những yếu tố này, cùng những vấn đề kết luận ngoại trừ đã được nêu và các vấn đề khác cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty. BCTC hợp nhất giữa niên độ chưa bao gồm bất kỳ điều chỉnh nào có thể có phát sinh từ sự kiện này.

Chưa hết, kiểm toán còn lưu ý người đọc về các khoản nợ tiềm tàng của OGC. Theo OGC, các khoản công nợ tiềm tàng đã được Công ty đánh giá một cách thận trọng và ghi nhận các khoản chi phí tiềm tàng có thể phát sinh. Công ty đang làm việc với các đối tác để xác định các quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên.

Trước nghi ngờ từ phía kiểm toán về khả năng hoạt động liên tục của Ocean Group (đặc biệt do khoản lỗ luỹ kế 2.624 tỷ đồng tính đến ngày 30/6/2021), song phía Ocean Group cho rằng công ty có thể duy trì hoạt động liên tục.

Nguyên nhân bởi khoản lỗ luỹ kế nêu trên phát sinh trong giai đoạn 2014 – 2017, trong khi từ năm 2018 đến nay công ty liên tục ghi nhận có lãi trên báo cáo tài chính. Ngoài ra, công ty đang tích cực thu hồi các khoản công nợ bên cạnh việc tái cơ cấu các khoản đầu tư.

Ocean Group cơ cấu lại khoản đầu tư để trả nợ

Song song với việc thay đổi mục tiêu lợi nhuận trong năm 2021, phía Ocen Group cũng sẽ cơ cấu lại các khoản đầu tư.

Trong đó đáng chú ý, đối với mảng đầu tư bất động sản, doanh nghiệp cho biết, sẽ tập trung các nguồn lực hiện có trong toàn tập đoàn và huy động vốn ở ngoài để hoàn tất các thủ tục pháp lý, công tác chuẩn bị đầu tư nhằm triển khai hai dự án là Lega Fashion House và dự án 25 Trần Khánh Dư với vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng mỗi dự án.

Phối cảnh dự án Lega Fashion House.    
Phối cảnh dự án Lega Fashion House.    

Theo thông tin từ phía Ocean Group, Dự án “Trung tâm thiết kế thời trang – Thương mại dịch vụ – Cao ốc văn phòng”- Lega Fashion House có vị trí tại số 106 đường 3/2, quận 10, thành phố Hồ Chí Minh, trên diện tích khu đất 5.620 m2 với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 800 tỷ đồng.

Năm 2015, Dự án đã được HĐQT của Công ty mẹ phê duyệt chủ trương thoái vốn khỏi dự án. Tuy nhiên, do thời gian qua Chủ đầu tư dự án – Legamex chưa tìm được đối tác có năng lực để hợp tác, do vậy việc thoái vốn này chưa hoàn thành.

Hiện Ocean Group đang đàm phán với Legamex theo phương án tiếp tục tham gia vào Dự án và đã gửi văn bản cho các đối tác thông báo tiếp tục thực hiện Dự án đồng thời doanh nghiệp đang xem xét phương án mua lại phần vốn góp của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Gia Định (GDI) tại Dự án.

Còn dự án 25 Trần Khánh Dư do Ocean Group hợp tác đầu tư cùng Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đang bị chậm tiến độ do liên quan đến quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử TP Hà Nội và chủ trương Nhà nước về sử dụng đất quốc phòng vào mục đích kinh tế. Do đó, dự án sẽ được triển khai sau khi Bộ Quốc phòng có văn bản chấp thuận.

Ngoài việc tiếp tục thực hiện các dự án trên, Ocean Group cũng sẽ đồng thời rút khỏi 3 dự án khác.

Trong đó Ocean Goup chủ trương rút vốn tại dự án Công viên Hồ Điều Hòa để tái cơ cấu các khoản nợ với đối tác tại dự án này. Dự án nằm tại Khu đô thị Nam Trung Yên, với diện tích đất là 112.410 m2, tổng mức đầu tư dự kiến ban đầu là 1.600 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là dự án Toà nhà Lê Văn Lương (Licogi 19). Phía doanh nghiệp cho biết, do phần vốn của tập đoàn tại dự án rất thấp, Ocean Group cũng sẽ xem xét chấm dứt đầu tư để tái cơ cấu khoản công nợ với đối tác.

Cuối cùng, dự án Gia Định Plaza đã có đối tác quan tâm đề xuất mua lại phần vốn góp của Ocean Group, do đó doanh nghiệp sẽ xem xét việc thoái vốn nhằm bổ sung nguồn tiền cho hoạt động kinh doanh.

Một thông tin cũng đáng chú ý khác, Ocean Group cho biết, doanh nghiệp muốn đổi tên thành CTCP Tập đoàn OGC, đồng thời sửa đổi một số điều lệ liên quan đến vấn đề giao dịch bán tài sản của công ty/chi nhánh công ty sau những “lùm xùm” bán vốn tại Khách sạn Đại Dương.

Quang Anh

Theo Kinh doanh & Phát triển