Samsung đề xuất mua điện gió, điện mặt trời trực tiếp không qua EVN
Samsung đang đàm phán với Bộ Công Thương Việt Nam về việc tham gia dự án thí điểm năng lượng tái tạo. Đổi lại họ sẽ cho thêm nhiều doanh nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng.
Theo trang đưa tin Nikkei Asia, "gã khổng lồ" điện tử Hàn Quốc Samsung đang đàm phán với Chính phủ Việt Nam về việc tham gia dự án thí điểm năng lượng tái tạo. Đổi lại họ sẽ cho thêm nhiều doanh nghiệp địa phương tham gia vào chuỗi cung ứng.
Samsung đang đối mặt với áp lực giảm bớt sự phụ thuộc vào than đá. Theo đó, tập đoàn đề xuất đề xuất Bộ Công Thương hướng dẫn hỗ trợ trong việc triển khai thí điểm cơ chế DPPA (cơ chế mua bán điện trực tiếp). Nếu được thông qua, Samsung có thể tham gia vào dự án thí điểm cho phép hãng có thể mua điện từ các công ty khác thay vì thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trước đó, Samsung đã công bố bắt đầu xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) mới với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tập đoàn này xem xét việc sản xuất chất bán dẫn trong nước. Đồng thời, Samsung cũng được đề nghị xác định lại chuỗi cung ứng. Tuần trước, yêu cầu này lại được nhắc lại nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Năm 2020, khoảng 25 doanh nghiệp tại Việt Nam lọt vào danh sách các nhà cung cấp chính của Samsung Electronics. Tuy nhiên, phần lớn trong số này là các công ty nước ngoài. Samsung nâng cao chuỗi giá trị cũng sẽ giúp Việt Nam "cải thiện chất lượng nền kinh tế, tạo tăng trưởng bền vững và tránh bẫy thu nhập trung bình", Bộ Công thương cho biết trong bản tóm tắt cuộc họp hôm thứ 5.
Hiện Samsung vẫn chưa trả lời yêu cầu bình luận của Nikkei Asia.
Cũng theoNikkei Asia, trong một bản tóm tắt cuộc họp giữa Samsung và Bộ Công Thương Việt Nam, Bộ này cho biết các dự án phát triển bền vững sẽ giúp nâng cao chất lượng nền kinh tế, giúp đất nước phát triển mạnh mẽ, tránh bẫy thu nhập trung bình.
Việt Nam gần đây đã bắt đầu thử nghiệm DPPA cho năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Nhưng một liên minh các thương hiệu thời trang, từ Nike đến Mulberry, không hài lòng với tiến độ phê duyệt dự án thí điểm, hồi tháng 12 năm ngoái đã viết thư cho chính phủ đề xuất đẩy nhanh việc phê duyệt.
Dệt may từng là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam cho đến khi bị điện thoại, máy tính và các thiết bị khác vượt lên. Samsung là nhà đầu tư thúc đẩy quá trình chuyển đổi đó, biến Việt Nam thành cơ sở sản xuất nước ngoài lớn nhất của mình. Trong những năm gần đây, hàng loạt gã khổng lồ công nghệ khác đã đầu tư vào Việt Nam, trong đó có các nhà cung cấp lớn của Apple.