Sân bay đầu tiên tại Tây Nguyên sẽ đạt chuẩn quốc tế sắp có thêm một nhà ga
Theo quy hoạch, thời kỳ 2021-2030, sân bay này vừa là sân bay cấp 4E và sẽ là sân bay quân sự cấp 2.
Bộ Giao thông Vận tải vừa phê duyệt Quy hoạch Cảng hàng không Liên Khương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, giai đoạn 2021-2030, sân bay Liên Khương, tỉnh Lâm Đồng được quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, có công suất 5 triệu hành khách/năm, tăng gấp 2,5 lần so với hiện tại.
Theo quy hoạch này, vị trí, chức năng của Cảng hàng không Liên Khương trong mạng cảng hàng không, sân bay toàn quốc là cảng hàng không quốc tế; với tính chất sử dụng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự.
Thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương là sân bay cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế-ICAO) và sân bay quân sự cấp 2.
Loại máy bay khai thác là code C như A320/A321, code E như B747/B787/A350 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh là CAT II đầu 09 và giản đơn đầu 27.
Tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch là sân bay cấp 4E và sân bay quân sự cấp II. Loại máy bay khai thác là code C như A320/A321, code E như B747/B787/A350 và tương đương; phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT II đầu 9 và giản đơn đầu 27.
Hệ thống đường cất hạ cánh giai đoạn 2021-2030 giữ nguyên cấu hình đường cất hạ cánh hiện hữu với kích thước 3.250m x 45m, lề vật liệu rộng 7,5m. Tầm nhìn đến năm 2050: Kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Tây (đầu 09) thêm 350m lên thành 3.600m x 45m, kích thước lề vật liệu theo quy định.
Về quy hoạch các công trình dịch vụ hàng không, đối với nhà ga hành khách, thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương giữ nguyên nhà ga hành khách T1 công suất 2 triệu hành khách/năm, quy hoạch mới nhà ga hành khách T2 công suất khoảng 3 triệu hành khách/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, mở rộng nhà ga hành khách T2 để nâng tổng công suất toàn cảng đạt khoảng 7 triệu hành khách/năm; dự trữ đất phát triển khi có nhu cầu.
Đối với nhà ga hàng hóa, thời kỳ 2021-2030, Cảng hàng không Liên Khương được quy hoạch nhà ga hàng hóa và sân đỗ trên khu đất phía Đông khu hàng không dân dụng, diện tích khoảng 23.300m2, đáp ứng công suất khoảng 20.000 tấn hàng hóa/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, cải tạo, mở rộng tại vị trí hiện hữu khi có nhu cầu để đáp ứng công suất khoảng 30.000 tấn hàng hóa/năm.
Trên cơ sở quy hoạch này, Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo quy định; chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan liên quan tổ chức công bố, quản lý và thực hiện quy hoạch....
Khi được nâng cấp, Cảng hàng không Liên Khương sẽ trở thành cảng hàng không quốc tế đầu tiên tại khu vực Tây Nguyên. Các đường bay quốc tế đi và đến Liên Khương sẽ tạo điều kiện phát triển thuận lợi kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên.
Sân bay Đà Lạt hay sân bay Liên Khương được người Pháp xây dựng vào năm 1933. Những năm 1956-1960, sân bay do người Mỹ tiếp quản đã được tu sửa và nâng cấp với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, khả năng phục vụ đến 50.000 hành khách/năm.
Từ sau năm 1975, sân bay được Quân đội nhân dân Việt Nam điều hành, chuyên phục vụ quân sự và vận chuyển dân đi vùng kinh tế mới. Đến năm 1981-1985, sân bay Liên Khương được đưa vào để phục vụ các chuyến bay dân sự, tuy nhiên bị tạm ngừng vì lượng hàng khách ít. Cho đến năm 1992, cảng hàng không này mới hoạt động trở lại và bắt đầu khai thác thêm nhiều đường bay đa dạng.
Sau đó, sân bay được tu sửa nâng cấp lại, lấy hình ảnh mô phỏng theo cánh hoa dã quỳ - loài hoa đặc trưng của vùng cao nguyên Lâm Đồng làm thiết kế chính. Hiện nay, sân bay là một trong những điểm du khách check-in đông đảo khi đến với thành phố này.