Sàn giao dịch nợ xấu: Kỳ vọng không?

PGS.TS Lê Cao Đoàn băn khoăn ai đứng ra mua nợ xấu, giải quyết nợ xấu bằng cách nào để kiếm lời từ đó...

Theo thông báo của Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), công ty đang hoàn thiện những thủ tục cuối cùng để chính thức khai trương hoạt động của sàn giao dịch nợ trong thời gian tới.

Sàn giao dịch nợ VAMC ra đời với hoạt động trọng tâm là cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới mua bán nợ và tài sản của các tổ chức, cá nhân thông qua việc sử dụng các kiến thức chuyên môn để phát hiện vấn đề, đề xuất các giải pháp liên quan đến hoạt động mua, bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và làm trung gian, dàn xếp việc mua bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu giữa các bên.

VAMC cho biết, sàn giao dịch nợ được thành lập để hướng tới mục tiêu tạo lập, cung cấp một loại hình dịch vụ mới, chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động xử lý nợ xấu từ đó nâng cao vị thế, vai trò của VAMC, qua đó góp phần xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu, thúc đẩy thị trường mua bán nợ phát triển với VAMC đóng vai trò trung tâm của thị trường.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, nợ xấu được ví như "cục máu đông" của ngân hàng và đã có nhiều kỳ vọng rằng có sàn giao dịch nợ sẽ giúp thanh khoản các khoản nợ gia tăng, "cục máu đông" của ngân hàng cũng được xử lý.

Dù vậy, nêu quan điểm cá nhân, PGS.TS Lê Cao Đoàn lại không mấy kỳ vọng việc xử lý nợ xấu sẽ tiến triển tốt hơn nhờ sàn giao dịch nợ.

"Nợ xấu là gì? Tại sao lại nợ xấu? Việc giải quyết tận gốc món nợ xấu ấy nằm ở chỗ nào? Có nhiều hình thức mua bán nợ xấu để cho những doanh nghiệp có năng lực kinh doanh và tài chính có thể mua lại, rồi xử lý, kiếm lợi được từ nợ xấu, nhưng thực ra đó là chuyện bế tắc, tìm cách xoay xở bên ngoài hoạt động kinh doanh có lời", PGS.TS Lê Cao Đoàn nhận xét. 

VAMC sắp khai trương Sàn giao dịch nợ chuyên mua bán nợ, tài sản cho cả thị trường và VAMC giữ vai trò trung tâm.  
VAMC sắp khai trương Sàn giao dịch nợ chuyên mua bán nợ, tài sản cho cả thị trường và VAMC giữ vai trò trung tâm.  
 

Theo vị chuyên gia, kinh doanh có lời là cơ sở để giải quyết các vấn đề quan hệ tín dụng. Vay nợ và nợ là câu chuyện bình thường nhất trong nền kinh tế thị trường, nhưng đi vay mà cứ kinh doanh không hiệu quả, cuối cùng vỡ nợ, nợ chồng chất thì lại là vấn đề khác, và nếu cứ theo đà ấy thì doanh nghiệp đi đến chỗ phá sản.

Đặt ra vấn đề bán nợ xấu, theo ông Đoàn, chính là "bán bò tậu ễnh ương", chỉ là chuyện để an ủi lẫn nhau.

"Bán nợ xấu chính là bán của nợ. Thử hỏi ai là người có khả năng đứng ra mua của nợ ấy rồi đem kinh doanh, làm giàu được không? Tôi cho rằng, nếu không đi đến bản chất của chuyện đi vay thì không giải quyết được vấn đề gì. Nợ ấy phải "chết", phải thay đổi, lột xác thành thứ khác, phải chịu thua thiệt, hình phạt là phá sản chứ không thể có chuyện bán nợ xấu đi mà khá được. Người mua nợ xấu thì cũng phải có tiền và tính toán được lợi mới làm, mà chuyện này rất khó. Cho nên, hình thành sàn giao dịch nợ, đồ rằng người mua thì không thấy mà người bán thì nhiều", PGS.TS Lê Cao Đoàn chia sẻ quan điểm.

Ông dẫn ví dụ: một người kinh doanh nhà hàng rất kém nên phải bán nhà hàng ấy. Người khác nhìn ra những điểm họ có thể đầu tư, cải tạo, đổi mới nó để kiếm lời thì mới mua lại nó. Đằng này, ông băn khoăn khi mua lại nợ xấu thì cơ sở nào để biến nợ xấu ấy thành có lãi, hay lại khiến người mua nợ chồng nợ?

Nhấn mạnh phải đổi mới căn bản phương thức kinh doanh mới giải quyết được vấn đề nợ xấu, ông lưu ý, các quốc gia xử lý nợ xấu không phải là cứu ngay số vốn ấy mà là cứu các bộ phận của nền kinh tế. Như cơ thể con người, khi có bộ phận mà tế bào không sinh sôi nảy nở được thì phải cắt bỏ nó, thay bằng cái khác thì mới có thể phát triển được. Nợ xấu cũng vậy, tốt nhất là vứt hẳn nó đi, tránh để lây lan sang bộ phận khác, làm trầm trọng hơn sức khỏe của cả cơ thể. 

"Doanh nghiệp phải đổi mới bản thân, đổi mới phương thức kinh doanh để có lời, đằng này đen nợ xấu bán đi. Thử hỏi khi bán được rồi, doanh nghiệp lấy tiền ấy làm gì? Nếu doanh nghiệp năng lực kém, lại kinh doanh như cũ thì không giải quyết được gì.  

Cho nên, chuyện mua bán nợ xấu là không căn bản, không theo quy luật và không phải là "phép thánh" để có thể biến một cơ thể đã chết thành một cơ thể sống khỏe mạnh.

Đã là nợ xấu thì đến lúc nào đó thì người ta phải tuyên bố phá sản, tức tiêu diệt bệnh tật, tạo ra một cơ thể mạnh mẽ hơn và các vốn/tài sản của cơ thể ấy phải đổi mới để ở trong một cơ thể mới", PGS.TS Lê Cao Đoàn nhấn mạnh, đồng thời thừa nhận đây là một một câu chuyện rất khó khăn bởi một khi năng lực của các yếu tố tham gia kinh doanh đã kém thì không phải cứ nhập vào cơ thể mới là có thể chạy tốt ngay được.

Vị chuyên gia cho biết, nhiều ý kiến dẫn các quốc gia đã thành công trong xử lý nợ xấu với sàn giao dịch nợ, chứng khoán hóa nợ xấu. Tuy nhiên, ông cho rằng, căn bệnh nợ xấu ở mỗi quốc gia khác nhau. Có quốc gia nợ xấu không đáng kể, có thể mua đi bán lại, đầu tư thêm một chút để thay đổi nó thành cái mới. Nhưng ở Việt Nam, một trình độ khác, nợ xấu phần lớn do năng lực kinh doanh kém, do cơ chế và hàng loạt yếu tố khác gây ra, nên không thể áp dụng nguyên si cách làm của quốc gia khác.

"Liệu đã có tổng kết nào về việc mua nợ xấu, xử lý nó để sau nó có thể thành một thứ phát triển?", PGS.TS Lê Cao Đoàn đặt câu hỏi.

Thực hiện Đề án cơ cấu lại và nâng cao năng lực của VAMC giai đoạn 2017 – 2020 và hướng tới 2022 đã được phê duyệt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngày 28/04/2021, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành văn bản chấp thuận chủ trương thành lập Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh.

Thực hiện chỉ đạo của NHNN, VAMC đã khẩn trương tiến hành các thủ tục pháp lý để thành lập và đăng ký hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC.

VAMC đã ban hành Quyết định ngày 13/5/2021 về việc thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam – Chi nhánh Sàn giao dịch nợ (tên viết tắt: Sàn giao dịch nợ VAMC). VAMC cũng đã ban hành Quyết định ngày 18/6/2021 về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC.

Ngoài ra, VAMC cũng đã triển khai thủ tục đăng ký hoạt động của Sàn giao dịch nợ VAMC theo mô hình chi nhánh và đã được Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động.

Thành Luân

Theo Đất Việt