Sàn giao dịch quyền sử dụng đất: Có thực sự là “thuốc đặc trị” với nhà đất hai giá?
Việc nghiên cứu thành lập sàn giao dịch quyền sử dụng đất (QSDĐ) được nhiều chuyên gia đánh giá chủ trương hoàn toàn đúng đắn, có tác động tích cực tới thị trường nhà đất. Chủ trương này được kỳ vọng sẽ tránh được tình trạng mua bán nhà trên giấy, thông tin sai sự thật, đặc biệt là hoạt động mua bán nhà “hai giá”, lũng đoạn giá.
Chủ trương cần thiết và đúng đắn
Vào ngày 2/8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công văn giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch QSDĐ, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/8/2023.
Có thể nói, chủ trương nghiên cứu thành lập sàn giao dịch QSDĐ là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, có tác động tích cực tới thị trường:
Thứ nhất, sàn giao dịch QSDĐ sẽ góp phần quản lý, giám sát một cách đầy đủ và trọn vẹn hơn thị trường BĐS thay vì chỉ dừng lại ở sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai và đất nền dự án như hiện tại.
Thứ hai, tương tự cách thức hoạt động của các sàn giao dịch khác, “các sản phẩm” muốn được giao dịch qua sàn giao dịch QSDĐ phải có thông tin được niêm yết cụ thể, rõ ràng, với sự kiểm chứng chặt chẽ, đặc biệt là tính pháp lý và công khai giá. Đây là căn cứ quan trọng giúp người mua yên tâm để thực hiện giao dịch. Tránh tình trạng mua bán nhà trên giấy, hoạt động lừa đảo, thông tin sai sự thật, mua bán nhà “hai giá”, lũng đoạn giá. Việc kiểm soát một cách chặt chẽ từ khâu “đầu vào” cùng toàn bộ quá trình giao dịch, sẽ góp phần quan trọng giúp thị trường vận hành một cách đúng đắn, an toàn và minh bạch. Là cơ sở, tiền đề để thị trường phát triển ổn định hơn, bền vững hơn.
Thứ ba, khi triển khai sàn giao dịch QSDĐ. Nếu được kết hợp cùng với sàn giao dịch BĐS, sẽ là nguồn cung cấp, cập nhật dữ liệu giao dịch, là cơ sở xây dựng dữ liệu, lập bản đồ giá đất trên toàn quốc. Là thông tin vô cùng quan trọng cho cơ quan quản lý trong quá trình nghiên cứu, ban hành các chính sách điều tiết, định hướng tiêu dùng, thúc đẩy thị trường, kích thích nền kinh tế tăng trưởng, phát triển.
Thứ tư, việc triển khai sàn giao dịch QSDĐ sẽ tạo thêm phương thức tin cậy, giúp người dân, đặc biệt là các nhà đầu tư trong và ngoài nước thuận lợi trong việc tìm kiếm thông tin và giao dịch.
Ngoài ra, thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch QSDĐ cũng góp phần tích cực vào việc chống thất thoát thuế cho nhà nước. Bởi lẽ QSDĐ đang được giao dịch tự do, thiếu kiểm soát. Nhà nước chỉ thu thuế trên “giá trị khai báo”, không nắm được giá trị giao dịch thực.
Có là “thuốc đặc trị” nhà đất hai giá?
Trong một báo cáo mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, Việt Nam đã có sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch hàng hóa, sàn giao dịch vàng, sàn giao dịch ngoại hối, sàn giao dịch BĐS… và mới đây nhất là sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ. Kết quả thực tế cho thấy, sự ra đời của các sàn giao dịch đều là những bước tiến lớn, góp phần đưa thị trường phát triển theo hướng ổn định, bền vững và minh bạch.
Đồng thời, các sản phẩm muốn được giao dịch qua sàn giao dịch QSDĐ phải có thông tin được niêm yết cụ thể, rõ ràng, với sự kiểm chứng chặt chẽ, đặc biệt là tính pháp lý và công khai giá. Đây là căn cứ quan trọng giúp người mua yên tâm để thực hiện giao dịch. Tránh tình trạng mua bán nhà trên giấy, hoạt động lừa đảo, thông tin sai sự thật, mua bán nhà “hai giá”, lũng đoạn giá.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch VARS, nói: “Về lâu dài sàn giao dịch QSDĐ sẽ thiết lập một mặt bằng giá đất đai sát với giá thị trường, hạn chế tình trạng đầu cơ, thổi giá, tạo bong bóng trên thị trường đất đai”.
Tuy nhiên, QSDĐ là một “hàng hóa” có giá trị lớn và mức độ bao phủ rộng. Chính vì vậy, việc thành lập sàn giao dịch chắc chắn không đơn giản. Việc kiểm soát một cách chặt chẽ từ khâu đầu vào cùng toàn bộ quá trình giao dịch, sẽ góp phần quan trọng giúp thị trường vận hành một cách đúng đắn, an toàn và minh bạch. Là cơ sở, tiền đề để thị trường phát triển ổn định hơn, bền vững hơn.
“Muốn sàn giao dịch quyền sử dụng đất thực sự phát huy được tác dụng, không chồng chéo, gây phát sinh thêm các thủ tục hành chính phức tạp cho người dân, cần có quá trình nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng. Bên cạnh sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia đầu ngành, thì cần sự tham gia ý kiến từ những cá nhân, tổ chức có kinh nghiệm thực tiễn”, đại diện VARS cho hay.
Trong khi đó, theo ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) bày tỏ quan điểm: Khi nghiên cứu thành lập và vận hành sàn giao dịch QSDĐ cần xem xét vấn đề tổ chức bộ máy, người dân, doanh nghiệp có phải bắt buộc mua bán quyền sử dụng đất qua sàn hay không? Ai quản lý? Quản lý như thế nào?...
Ông Toản cho rằng cần chú trọng đến cơ chế vận hành, pháp lý ra sao để các chủ thể tham gia được hiệu quả, thuận lợi, nếu không sẽ tạo ra giấy phép con. Chủ trương đưa ra đều muốn tốt cho thị trường nhưng nếu các quy định không rõ ràng sẽ không thu hút người tham gia và có thể tạo thêm rào cản, phức tạp trong khi nhiều luật đã quy định. Triển khai sàn giao dịch quyền sử dụng đất cần có cơ chế tốt nhất cho người tham gia, phù hợp với hoạt động thực tiễn, thị trường.