Sắp chuyển niêm yết cổ phiếu sang sàn HOSE, Đầu tư Sài Gòn VGR (SIP) đang sở hữu quỹ đất KCN lớn cỡ nào?
CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (Mã CK: SIP) được biết đến với “kho” quỹ đất KCN lớn nhất trong các doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp. Vừa qua, SIP cũng đã nộp hồ sơ hồ niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE.
Vốn hóa “khủng” của SIP
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) cho biết, vào ngày 11/8 đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết 92,9 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP).
Theo đó, loại cổ phiếu mà doanh nghiệp đăng ký niêm yết là cổ phiếu phổ thông, là toàn bộ số cổ phiếu của doanh nghiệp hiện đang lưu hành trên thị trường chứng khoán.
Trước khi chuyển sang niêm yết tại HOSE, cổ phiếu SIP đã giao dịch tại thị trường Upcom từ ngày 6/6/2019. Kế hoạch chuyển đăng ký giao dịch cổ phiếu của công ty trên thị trường Upcom sang niêm yết tại HOSE đã được công bố từ tháng 6/2021 và tiếp tục được thông qua kế hoạch thực hiện tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của doanh nghiệp.
Với giá trị thị trường đang giao dịch 134.000 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên ngày 15/8), ước tính vốn hoá của Đầu tư Sài Gòn VRG đang khoảng 12.449 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG có địa chỉ tại Lô TT2-1, đường D4, KCN Đông Nam, xã Hoà Phú, huyện Củ Chi, TP. HCM. Hiện tại, Công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp và khu dân cư phục vụ khu công nghiệp.
CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG được thành lập năm 2007 bởi nhóm cổ đông sáng lập gồm Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, CTCP Cao su Phước Hoà (mã PHR), CTCP Đầu tư Xây dựng Cao su và các cá nhân khác.
Tuy nhiên, tính tới tháng 12/2021, Công ty có 4 cổ đông lớn gồm CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị An Lộc sở hữu 19,46% vốn điều lệ; ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 9,92% vốn điều lệ; CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (mã NTC) sở hữu 8,86% vốn điều lệ; ông Lư Thanh Nhã, Tổng giám đốc sở hữu 7,36% vốn điều lệ và còn lại 54,4% thuộc về nhóm cổ đông khác.
Về tình hình kinh doanh, trong quý II/2022, Đầu tư Sài Gòn VRG ghi nhận doanh thu đạt 1.610,5 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 265,74 tỷ đồng, giảm 22,4% so với cùng kỳ. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 19,7% về còn 12,9%.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 3.086,7 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 501,26 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ.
Trong năm 2022, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 835 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,8% và 24,8% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm 2022 với lợi nhuận trước thuế đạt 619,45 tỷ đồng, công ty hoàn thành 74,2% kế hoạch lợi nhuận năm.
Nắm trong tay quỹ đất lớn nhất trong các doanh nghiệp BĐS KCN?
Đợc biết, SIP đang sở hữu quỹ đất KCN lên đến 3.200 ha (chiếm 2,6% thị phần cả nước) với 4 KCN với quy mô lớn như KCN Đông Nam (tổng diện tích 278 ha) KCN Phước Đông giai đoạn 1 và 2 (2.190 ha), KCN Lê Minh Xuân 3 (220 ha) và KCN Lộc An Bình Sơn (497 ha).
Nên lưu ý, SIP cũng là doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp có doanh thu chưa thực hiện lớn nhất, theo thống kê trong 26 doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp đại chúng công bố báo cáo tài chính quý II.
Cụ thể, tại thời điểm cuối quý II, SIP có hơn 10.590 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện và hơn 220 tỷ đồng từ người mua trả tiền trước ngắn hạn. Đây đều là các khoản doanh thu mà SIP nhận trước từ khách thuê các dự án như KCN Phước Đông (Tây Ninh), KCN Đông Nam (TP HCM), KCN Lê Minh Xuân 3 (TP HCM), KCN Lộc An - Bình Sơn (Đồng Nai),... và sẽ được hạch toán vào kết quả kinh doanh khi đến kỳ.
Được biết, trong năm nay, Đầu tư Sài Gòn VRG đặt mục tiêu lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và các ngành công nghiệp cao là trọng điểm thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, đơn vị sẽ cho thuê 40 ha đất ở khu công nghiệp Phước Đông, và cho thuê xưởng tại 3 khu công nghiệp Đông Nam, Lê Minh Xuân 3, và Phước Đông với tổng diện tích lên tới gần 3,8 ha.