‘Sát vách’ TP. HCM sắp có thủ phủ công nghiệp đứng thứ 2 cả nước
Tỉnh này hiện có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất công nghiệp đã cho thuê gần 2.900ha.
Long An đang lên kế hoạch quy hoạch hàng loạt các khu công nghiệp
Theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, Long An sẽ có thêm 17 khu công nghiệp thành lập mới với diện tích gần 3.200ha, nâng tổng số khu công nghiệp của toàn tỉnh lên 51 khu với diện tích 12.433ha.
Với số lượng trên, Long An sẽ là địa phương đứng thứ 2 cả nước về diện tích các khu công nghiệp (sau Bình Dương - tỉnh có diện tích các khu công nghiệp dẫn đầu cả nước, với 31 khu công nghiệp hiện hành có tổng diện tích 12.721ha), tạo điều kiện và cơ hội lớn để thu hút đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài (FDI).
Theo thống kê từ UBND Long An, toàn tỉnh hiện có 26 khu công nghiệp đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất công nghiệp đã cho thuê gần 2.900ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,72%; có 17 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích đất đã cho thuê hơn 600ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 83,62%. Với số lượng này, theo quy hoạch đến năm 2030, Long An sẽ trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước (sau Bình Dương) về diện tích các khu công nghiệp, tạo điều kiện và cơ hội lớn để thu hút đầu tư.
Theo quy hoạch, tỉnh Long An thực hiện thu hút đầu tư đối với danh mục gồm 27 dự án hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp trên địa bàn. Đây là các dự án cụm công nghiệp được thành lập mới được phân bố ở nhiều địa phương trong tỉnh; trong đó, một số địa phương có nhiều dự án cụm công nghiệp đang thu hút đầu tư như huyện Đức Huệ có 7 dự án, huyện Đức Hòa có 5 dự án, huyện Cần Đước có 3 dự án…
Long An sẽ làm gì để hướng tới mục tiêu phát triển chung?
Để đáp ứng nhu cầu phát triển, Long An đã và đang đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông.
Về đường bộ, tỉnh sẽ cải tạo, nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây mới 29 tuyến đường tỉnh. Nâng cấp và xây dựng mới hệ thống bến xe tại các huyện, thị xã, thành phố; tăng cường hệ thống bãi đỗ xe ngầm, bố trí các bãi đỗ xe tập trung kết hợp với các chức năng sử dụng đất khác đảm bảo kết nối thuận lợi và an toàn.
Về đường sắt đô thị, Long An cũng lên kế hoạch xây dựng mới 2 tuyến đường sắt đô thị phục vụ kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và phục vụ phát triển du lịch là tuyến Hưng Nhơn - Tân An và tuyến bến xe Cần Giuộc mới - Cần Đước.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đầu tư đường sắt chuyên dụng kết nối từ tuyến đường sắt TP. HCM - Cần Thơ ra Cảng Hiệp Phước, đi qua các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc và đi tiếp qua huyện Nhà Bè, TP. HCM.
Về đường thủy, Long An cũng dự kiến nâng cấp, cải tạo 05 tuyến vận tải là: (i) Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Đức Hòa, (ii) Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Bến Lức - Mộc Hóa, (iii) Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Đức Hòa, (iv) Tuyến Tân Tập (cảng biển Long An) - Tân An - Mộc Hóa, (v) Tuyến Phước Đông Tân Kim và 11 tuyến nhánh.
Long An cũng quyết định quy hoạch 2 cảng cạn là cảng cạn Bến Lức và càng cạn Tân Lập. Đặc biệt, sẽ hình thành 10 trung tâm logistics để kết nối kinh tế với các tỉnh miền Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tỉnh Long An thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cách trung tâm TP. HCM khoảng 45km theo Quốc lộ 1.