Sau 16 năm bị 'đình trệ', tuyến đường vành đai tại thành phố đông dân nhất Việt Nam sắp được khởi động lại

Theo quyết định từ UBND thành phố, thời gian thực hiện và hoàn thành dự án là đến năm 2026.

Vành đai 2 được quy hoạch vào năm 2007 có chiều dài 64km, quy mô 6-10 làn xe. Tuyến đường bắt đầu từ Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) qua cầu Phú Mỹ (quận 7), tiếp tục ra ngã tư Bình Thái nối vào nút giao Gò Dưa (TP. Thủ Đức), điểm cuối ra Quốc lộ 1 rồi chạy vòng về Nguyễn Văn Linh tạo thành đường bao quanh TP. HCM.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường sẽ trở thành trục đường quan trọng giúp phân luồng, giảm ùn tắc giao thông ở nội thành cũng như tăng kết nối các cảng biển, khu công nghiệp, cao tốc...

Tuy nhiên, đến nay, toàn tuyến chỉ có 50km được hoàn thành, 14km còn lại vẫn là những đoạn được xây dựng dang dở hoặc chưa được triển khai.

Hiện trạng dự án Vành đai 2 TP. HCM (nguồn ảnh: Báo Lao Động)
Hiện trạng dự án Vành đai 2 TP. HCM (nguồn ảnh: Báo Lao Động)

Cụ thể, đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (TP. Thủ Đức) dài 2,7km được triển khai từ năm 2017. Kinh phí hơn 2.700 tỷ đồng, theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao). Song, dự án tạm dừng từ năm 2020 khi đạt 44% khối lượng vì vướng mặt bằng và thủ tục điều chỉnh dự án.

Sau nhiều năm ngừng thi công, mới đây UBND TP. HCM đã phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án trong đó, có việc điều chỉnh thời gian thực hiện và hoàn thành dự án đến năm 2026.

Trước đó, vào ngày 3/2, tại hội nghị triển khai kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công hai đoạn Vành đai 2 ở địa bàn TP. Thủ Đức, ông Võ Trí Dũng, Trưởng ban bồi thường, giải phóng mặt bằng TP. Thủ Đức cho biết, nhu cầu sử dụng đất triển khai hai dự án trên ước tính hơn 61,5ha với khoảng 935 hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng. Địa phương lên kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định định cư cho người dân làm hai giai đoạn.

"Địa phương đặt mục tiêu tháng 11/2024 sẽ bàn giao khoảng 70% mặt bằng để chủ đầu tư khởi công dự án, trước khi hoàn thành toàn bộ vào tháng 3/2025", ông Dũng nói.

Sơ đồ tuyến đường Vành đai 2 TP. HCM
Sơ đồ tuyến đường Vành đai 2 TP. HCM

Theo chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Hoàng Tùng, từ kinh nghiệm giải phóng mặt bằng Vành đai 3, các dự án Vành đai 2 trên địa bàn sẽ được địa phương ứng dụng công nghệ trong quá trình đo đạc, kiểm đếm nhằm chuyên nghiệp, hiệu quả hơn khi triển khai.

Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường nói hai đoạn Vành đai 2 ở TP. Thủ Đức có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp mở thêm không gian phát triển đô thị phía đông, liên kết các cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ... giảm ùn tắc khu nội thành. Nhiều năm qua việc khép kín đường được lãnh đạo thành phố quan tâm, nhưng ngân sách khó khăn, đến nay mới đủ điều kiện bố trí.

TP. HCM là thành phố trực thuộc Trung ương thuộc loại đô thị đặc biệt của Việt Nam. Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, thành phố này hiện có 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện, tổng diện tích 2.095km2.

Đây cũng là thành phố lớn nhất Việt Nam (gần 8,9 triệu người) về dân số và cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của Việt Nam. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP của thành phố ước đạt 1.621.191 tỷ đồng, tăng 5,81% so với cùng kỳ năm 2022.

Quốc Chiến

Theo Chất lượng và cuộc sống