Savills: Chỉ số giá bất động sản quý III/2022 tại Hà Nội và TP HCM đồng loạt tăng

Theo báo cáo mới công bố về chỉ số giá bất động sản của Savills (SPPI) quý III/2022, chỉ số giá bất động sản nhà ở và văn phòng tại Hà Nội và TP HCM đều có xu hướng gia tăng.

Chỉ số giá bất động sản nhà ở tăng

Chỉ số giá nhà ở tại TP.HCM là 130 điểm và tăng 1 điểm theo quý. Sự gia tăng này đến từ việc giá sản phẩm Hạng B tại quận 9 tăng 13% theo quý và Nhà Bè tăng 5% theo quý.

Trong quý 3/2022, tỷ lệ hấp thụ đạt 15% giảm 54 điểm phần trăm theo quý nhưng tăng 1 điểm phần trăm theo năm. Sự sụt giảm đáng kể đến từ việc giá sơ cấp tăng cao, niềm tin của người mua nhà giảm bởi việc lãi suất tăng và kiểm soát tín dụng chặt chẽ. Nguồn cung nhà ở Hạng B chiếm 54% nguồn cung sơ cấp, với giá cao nhất là 10 tỷ đồng /căn. Dòng sản phẩm Hạng A chiếm 23% nguồn cung sơ cấp, với mức giá lên tới 30 tỷ đồng/căn.

Chỉ số giá nhà ở TP HCM
Chỉ số giá nhà ở TP HCM

Chỉ số này tại Hà Nội cũng ghi nhận đà tăng với 8 điểm theo quý, đạt mức 126,1, ghi nhận mức tăng trong 12 quý liên tiếp, cao hơn 21% so với mức đáy 104,1 tại quý 3/2019. Giá bán trung bình đạt 37 triệu đồng/m2, tăng 8% theo quý do có các dự án mới gia nhập thị trường và 65% các dự án mở bán tăng giá.

Theo phân tích của Savills, nguồn cung hạn chế, chất lượng được cải thiện và chi phí xây dựng gia tăng đã thúc đẩy giá nhà ở tại Hà Nội tăng.

Trước đó, theo số liệu thị trường bất động sản tháng 10 của Batdongsan.com.vn, giá rao bán căn hộ tăng từ 3 - 17% tại Hà Nội và tăng từ 3 - 7% tại TP.HCM tùy từng phân khúc. Trong đó, căn hộ cao cấp (trên 55 triệu đồng/m2) dẫn đầu về tốc độ tăng giá ở cả Hà Nội và TP.HCM, lần lượt tăng 17% và 7% so với cùng kỳ năm 2021. Còn với căn hộ trung cấp (35-55 triệu đồng/m2) ở Hà Nội tăng 13% còn ở TP.HCM tăng 6% so với cùng kỳ. Với căn hộ trung cấp (dưới 35 triệu đồng/m2), giá rao bán cả Hà Nội và TP.HCM giá rao chỉ tăng 3% so với cùng kỳ.

Lượt tìm mua và lượng tin đăng bán chung cư cao cấp ở TP.HCM cũng có mức tăng ấn tượng, lần lượt là 23% và 29%, cao hơn hẳn phân khúc trung cấp và bình dân. Theo chuyên gia của đơn vị này nhận định, điều phần nào phản ánh phân khúc cao cấp đang áp đảo thị trường chung cư TP.HCM về mức độ tăng nhu cầu tìm kiếm, lượng tin đăng cũng như giá rao bán.

Trong khi đó, người mua chung cư tại Hà Nội vẫn săn đón các sản phẩm bình dân. Phân khúc này có tốc độ tăng giá thấp nhất trên thị trường chung cư Hà Nội nên cũng thu hút lượng quan tâm tăng cao nhất (20%), mặc dù mức độ quan tâm đến chung cư trung và cao cấp chỉ tăng 12%.

Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ bình dân hạn chế nên người mua cũng không có nhiều lựa chọn. Lượng tin đăng chung cư bình dân chỉ tăng 6% trong 10 tháng qua so với cùng kỳ năm trước, hoàn toàn lép vế so với mức tăng từ 14 – 17% của phân khúc trung và cao cấp.

Chỉ số giá văn phòng tăng 3 điểm so với quý trước

Ở phân khúc văn phòng, thị trường văn phòng TP HCM được cải thiện trong quý 3 sau một thời gian ổn định trong thời kỳ đại dịch. Chỉ số văn phòng TP HCM đạt 98 điểm, tăng 3 điểm theo quý và 5 điểm theo năm. Công suất cho thuê hạng B tăng 3 điểm phần trăm theo quý lên 92%, hạng A tăng 2 điểm phần trăm theo quý lên 97% và hạng C tăng 1 điểm phần trăm theo quý lên 94%; sự gia tăng đã thúc đẩy sự cải thiện.

Chỉ số giá văn phòng Hà Nội
Chỉ số giá văn phòng Hà Nội

Báo cáo SPPI cho thấy văn phòng khu vực ngoài trung tâm đang có tốc độ tăng trưởng về giá khá nhanh. Cụ thể, chỉ số của khu vực ngoài trung tâm đã tăng lên 111 điểm trong quý này, tăng 4 điểm theo quý và 7 điểm theo năm. Tỷ lệ lấp đầy ở khu vực ngoài trung tâm cải thiện 2 điểm phần trăm theo quý và 4 điểm phần trăm theo năm lên 91%, và giá thuê tăng 1% theo quý và 3% theo năm.

Chỉ số khu vực CBD đạt 109 điểm, cải thiện 3 điểm theo quý và 7 điểm theo năm nhờ công suất thuê 2 điểm và giá thuê tăng 1% so với quý trước. Nhóm văn phòng hạng A có mức tăng giá thuê cao nhất là 3% theo quý và 2% theo năm.

Trong khi đó, tại Hà Nội, chỉ số giá văn phòng đạt 72,9 điểm, tăng 2,4 điểm theo quý và 6 điểm theo năm, mức cao nhất trong vòng 5 năm. Công suất thuê ở tất cả các phân khúc đều tăng, cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường hậu Covid-19. Công suất cho thuê của hạng C có mức tăng lớn nhất 4 điểm % theo quý đạt 96%. Công suất của hạng A đạt 84% và hạng B đạt 89% sau khi cả hai hạng đều cải thiện 1 điểm % theo quý.

Chỉ số giá khu vực CBD thành phố tăng 1,9 điểm theo quý và 5,1 điểm theo năm lên 91 điểm nhờ giá thuê tăng 2% theo quý. Công suất thuê ổn định theo quý nhưng tăng 2,2 điểm % theo năm lên 92%. Công suất cho thuê đạt 89% tăng 1,7 điểm phần trăm theo quý và giá thuê tăng 1,5% theo quý, báo cáo SPPI nhấn mạnh điều này đã giúp chỉ số khu vực ngoài trung tâm tăng 2,8 điểm theo quý và 7,7 điểm theo năm lên 83,7 điểm.

Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), hiện tại thị trường BĐS có những chuyển biến ngày càng minh bạch, khi có những cơ chế, chính sách rõ ràng. Tuy nhiên vẫn có sự “lệch pha”, thiếu an toàn, thiếu ổn định do có sự chồng chéo giữa Luật Đất đai 2013 và Luật Nhà ở 2014 cùng các văn bản dưới luật… dẫn đến nhiều dự án vướng mắc về quy định pháp luật, thủ tục hành chính, nên nguồn cung thị trường BĐS thời gian qua không đáp ứng được nhu cầu… kéo giá nhà, đất, căn hộ tăng cao.

“Năm tới được coi là cơ hội vàng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, chồng chéo những vấn đề trên, bởi Nghị quyết 18-NQ/TW sẽ tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao… do Ban Chấp hành Trung ương ban hành; đồng thời việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan đang được Quốc hội xem xét, một khi được thực thi sẽ tháo gỡ vướng mắc nguồn cung BĐS” - ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh.

Hà Thu

Theo Chất lượng và Cuộc sống