'Sếp lớn' doanh nghiệp vẫn thích làm lãnh đạo... ngân hàng?
Đã từng có trào lưu nhiều lãnh đạo doanh nghiệp tham gia nắm quyền quản trị ngân hàng. Xu hướng này dường như chưa dừng lại khi mới đây, loạt lãnh đạo doanh nghiệp đã được bầu trở thành Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch của ngân hàng thương mại.
Bầu Thụy
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - LPB) vừa có thông báo về nhân sự cấp cao.
Ngày 06/5/2021 - trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng Quản trị (HĐQT) LienVietPostBank tổ chức ngay sau Đại hội đồng Cổ đông năm 2021, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) đã được HĐQT thống nhất bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank.
LienVietPostBank cho biết, việc bầu Thụy giữ chức danh Phó Chủ tịch HĐQT, cùng nhiều năm kinh nghiệm giữ vị trí lãnh đạo tại các doanh nghiệp lớn, HĐQT ngân hàng tin tưởng bầu Thụy sẽ đóng góp tích cực cho hoạt động của Ngân hàng, cùng với các thành viên HĐQT tiếp tục tạo dựng nền móng vững chắc để LienVietPostBank hiện thực hóa các chiến lược kinh doanh, khẳng định vị thế của Ngân hàng trong giai đoạn phát triển mới.
Được biết, bầu Thụy chính thức được giới thiệu là cổ đông lớn của LienVietPostBank hồi tháng 2 năm nay, tại sự kiện ngân hàng phối hợp với Thaiholdings trao tặng tiền quyên góp cho Quỹ mua Vaccine phòng chống Covid-19 của Bộ Y Tế.
Trước đó, vào đầu năm 2020, HĐQT Công ty Cổ phần Thaiholdings đã thông qua tờ trình về việc miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy).
Được biết, từ năm 2008 đến 2020, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Thaigroup và từ năm 2011 đến 2020, ông giữ chức Chủ tịch HĐQT của Thaiholdings.
Hiện tại, ông Nguyễn Văn Thuyết (quê Gia Viễn, Ninh Bình) chính thức là tân Chủ tịch HĐQT Thaiholdings từ ngày 12/4/2021. Ông Nguyễn Văn Thuyết được biết đến là em trai của bầu Thụy.
Ông Vũ Văn Tiền
Ông Vũ Văn Tiền sinh năm 1959 (biệt danh Tiền "còi"), là một doanh nhân có tên tuổi tại Việt Nam. Ông hiện đang giữ các cương vị lãnh đạo cao cấp như: Chủ tịch Tập đoàn Geleximco; Chủ tịch Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) và từng là chủ tịch Ngân hàng An Bình (ABBank).
Năm 2018, Ông Vũ Văn Tiền quyết định rời bỏ ghế Chủ tịch ABBank để giữ lại vị trí Chủ tịch HĐQT tập đoàn Geleximco để tuân thủ luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2018. Người thay thế ông chủ Tập đoàn Geleximco là ông Đào Mạnh Kháng. Ông Kháng là em rể của ông Vũ Văn Tiền. Sau đó, ông Tiền được bầu làm phó Chủ tịch HĐQT ABBank.
Sở hữu hơn 76 triệu cổ phiếu ABB (cả trực tiếp và gián tiếp qua Geleximco), ông Tiền là người quyền lực nhất tại ABBank. Doanh nhân này được đồn đoán là một tỷ phú đôla ẩn danh vì nhiều tài sản không được niêm yết.
Ngoài ra, hiện tại ông Vũ Văn Tiền vẫn là Chủ tịch của Công ty Chứng khoán An Bình (ABS).
Ông Trịnh Văn Tuấn
Ông Trịnh Văn Tuấn được xem là người khai sinh ra VIB. Sau đó, ông rời bỏ ngân hàng mà mình đã khai sinh và thành lập Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB). Hiện tại ông Tuấn tiếp tục là chủ tịch HĐQT ngân hàng OCB.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng kiêm nhiều vị trí khác như Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long, Công ty thực phẩm Xanh,... Tuy nhiên, đến năm 2018 ông đã thôi làm thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Nam Long để tập trung cho vị trí chủ tịch ngân hàng OCB.
Ông Dương Công Minh
Ông Dương Công Minh sinh năm 1960, quê Quế Võ, Bắc Ninh. Tên tuổi của ông Minh gắn liền với Tập đoàn Him Lam, nơi ông giữ vị trí Chủ tịch HĐQT với tỷ lệ sở hữu 99% và LienVietPostBank, nơi ông cùng từng giữ vị trí Chủ tịch HĐQT.
Ngày 30/6/2017, ông Dương Công Minh chính thức đắc cử chức Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Để bước chân vào Sacombank, ông Minh đã phải từ nhiệm chức vụ Chủ tịch LienVietPostBank. Đồng thời Tập đoàn Him Lam cũng buộc phải thoái toàn bộ phần vốn của mình tại LienVietPostBank để tránh tình trạng sở hữu chéo giữa hai ngân hàng.
Ông Hồ Hùng Anh
Ông Hồ Hùng Anh sinh năm 1970, là đại gia tiếng tăm trong lĩnh vực ngân hàng và hàng tiêu dùng.
Ông trở thành Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Đầu tư Masan từ năm 1997-2004, rồi làm Tổng giám đốc Công ty Masan - RUS Trading tại CHLB Nga. Từ năm 2004 là Phó Chủ tịch Tập đoàn Masan. Cũng trong năm 2004, ông Hồ Hùng Anh là thành viên HĐQT Techcombank và trở thành Phó Chủ tịch từ năm 2005 – 2008, sau đó là Chủ tịch ngân hàng này đến nay.
Ngoài ra, ông Hồ Hùng Anh cũng là Chủ tịch Techcom Capital và là thành viên HĐQT Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), hai công ty con thuộc Techcombank.
Tuy nhiên, đến năm 2018, sau hơn 10 năm giữ "chiếc ghế" phó Chủ tịch Tập đoàn Masan, ông Hồ Hùng Anh đã xin từ nhiệm để làm “sếp” Techcombank. Bên cạnh đó, ông Hồ Hùng Anh cũng thôi làm chủ tịch tại Techcom Capital.
Việc từ nhiệm này nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định mới của pháp luật áp dụng đối với các tổ chức tín dụng.
Hiện tại, ngoài chức danh chủ tịch Techcombank, ông cũng đang là thành viên HĐQT của Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS).
Ông Đỗ Minh Phú
Ông Đỗ Minh Phú là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TienPhongBank kiêm chủ tịch Tập đoàn Doji.
Vào thời điểm 2007, ông xây dựng Trung tâm thương mại đầu tiên chuyên về vàng bạc đá quý Doji Plaza tại Hà Nội. Nhưng đến năm 2011, ông đã bán Công ty Diana cho đối tác của Nhật. Thương vụ này có giá trị lên tới gần 200 triệu USD.
Với khoản lợi nhuận này, ông lại tiếp tục dốc vốn vào Ngân hàng Tiên Phong (TienphongBank) và làm Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
Đến năm 2018, ông quyết định đưa ra lựa chọn của mình, theo đó ông Đỗ Minh Phú sẽ thôi làm chủ tịch tập đoàn DOJI để làm ''sếp'' TPBank.
Để ngăn ngừa việc thao túng, đảm bảo minh bạch, an toàn trong hoạt động ngân hàng, năm 2018 Quốc hội đã thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung, theo đó quy định cấm Chủ tịch, Tổng giám đốc ngân hàng làm lãnh đạo công ty khác. Do đó, lãnh đạo hàng loạt ngân hàng sẽ phải thay đổi vị trí tại một trong hai đơn vị, hoặc ngân hàng hoặc doanh nghiệp nơi mình đang làm lãnh đạo kiêm nhiệm.
Luật này đã có hiệu lực từ ngày 15/1/2018, trong đó nhiều điều khoản, quy định mới nhằm hạn chế sở hữu chéo cũng như ngân hàng sẽ hạn chế được rủi ro trong hoạt động cho vay về sau.