Shophouse chục tỷ cho thuê 'bạc cắc': Giấc mơ sinh lời hóa gánh nặng

Nhiều shophouse tiền tỷ vẫn trong cảnh bỏ trống dù giá thuê chỉ ở mức vài chục triệu đồng mỗi tháng. Chủ đầu tư kỳ vọng cao, nhưng thực tế lại ảm đạm khi khách thuê ngày càng thưa vắng.

Shophouse chục tỷ đồng bỏ không cả dãy

Hiện nay, những dãy nhà shophouse khang trang, nằm ở các khu đô thị mới có giá lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng luôn trong tình trạng cửa đóng then cài, treo biển cho thuê dài ngày. Nhiều căn Shophouse tuy có giá bán lên đến 30 tỷ đồng nhưng giá cho thuê chỉ dao động 20 - 30 triệu đồng/tháng, thậm chí chấp nhận giảm giá “sốc” nhưng chưa có khách thuê.

Các sản phẩm shophouse này từng được xem là “gà đẻ trứng vàng” cho các nhà đầu tư, khi mà giá mua bán ngày càng tăng, không chỉ đầu tư dài hạn, chủ đầu tư còn có thể cho thuê để kiếm thêm dòng tiền sinh lời. Tuy nhiên thời gian gần đây, mô hình thuê shophouse để kinh doanh có phần trầm lắng do nhu cầu tiêu dùng của khách hàng thay đổi, đồng thời chi phí thuê ngày một tăng, điều này chính là lý do khiến các mặt bằng shophouse bị bỏ trống trong thời gian dài.

Shophouse bỏ không hàng loạt dù nằm ở mặt tiền đông đúc cư dân. 
Shophouse bỏ không hàng loạt dù nằm ở mặt tiền đông đúc cư dân. 

Điển hình như tại các khu vực như Geleximco, An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), Văn Phú (Hà Đông, Hà Nội), Eco Lake View (Hoàng Mai, Hà Nội) đang rao bán các shophouse có giá dao động từ 4,7 - 60 tỷ đồng/căn tuỳ diện tích sử dụng và vị trí. Đối với giá thuê sẽ dao động từ 15 - 60 triệu đồng/tháng. Nhiều căn yêu cầu khách hàng thuê phải ký hợp đồng lâu dài, không cho thuê ngắn hạn.

Lý giải về nguyên nhân các shophouse trên đang bị bỏ trống nhiều, anh Công Nguyên - từng đầu tư shophouse ở Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: “Do các căn Shophouse này nằm ở xa trung tâm, mật độ dân cư thưa thớt nên nhu cầu tiêu dùng chắc chắn sẽ thấp, nhiều môi giới và chủ nhà cứ rao shophouse giá cao nhưng thực chất không có tiềm năng thương mại, chỉ là chiêu bán hàng.

“Môi giới thường “hét” giá khá cao, kể cả mua hay thuê. Họ làm như vậy để tự thiết lập mặt bằng giá bán cao trên thị trường bất động sản, điều chúng ta nhìn thấy là nhu cầu mua/thuê của người dân chưa cao, dẫn chứng cụ thể và rõ ràng nhất đó chính là các căn shophouse chục tỷ đang bỏ trống, phơi mưa phơi nắng nhiều năm… Tuy nhiên, họ lại quảng bá rầm rộ, đã từng có nhiều khách hàng thuê chưa đầy 1 tháng đành phải “quay xe” vì không trụ được bài toán tài chính”, anh Nguyên bày tỏ.

Shophouse xa hoa nay trở thành chỗ ở tạm cho công nhân xây dựng. 
Shophouse xa hoa nay trở thành chỗ ở tạm cho công nhân xây dựng. 

Dưới góc độ nhà đầu tư, chị Quảng Hà (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, khi đi khảo sát để đầu tư, môi giới thường quảng cáo là “tọa lạc tại vị trí thương mại đắt giá” nhưng thực tế thì lại không có khách, dân cư thưa thớt. Nhà đầu tư bỏ ra hàng chục tỷ đồng để mua Shophouse nhưng chỉ cho thuê tiền triệu, đôi khi tính ra lợi nhuận cho thuê không bằng gửi tiết kiệm, nếu tính cả các chi phí bảo trì mặt bằng thì có khi chủ đầu tư “ôm” lỗ to.

Chị Hà nói thêm, thiết kế - quy hoạch của những đô thị shophouse này thiếu tính thực tế, xa trung tâm hàng chục km, luôn được đặt trong các khu khép kín, không có người ngoài tiếp cận, thiếu chỗ đậu xe, thiếu kết nối giao thông thuận tiện cho khách hàng vãng lai. Bên cạnh đó, việc đầu tư theo “trend”, tin vào quảng cáo mà không phân tích khả năng khai thác kinh doanh thực tế của vị trí đã khiến nhiều người “ôm hận”.

Thị trường có thể “tái sinh” ?

Theo các chuyên gia về bất động sản, giai đoạn 2017-2020, shophouse từng được xem là sản phẩm đầu tư “hái ra tiền” nhờ vị trí đắc địa, tích hợp giữa nhà ở và kinh doanh. Thế nhưng, trong vài năm gần đây, sản phẩm này liên tục rơi vào tình trạng dư cung và khó khai thác.

Theo khảo sát thực tế, tại các khu đô thị vùng ven Hà Nội và TP.HCM, không ít tuyến phố thương mại kiểu mẫu nay trở nên im ắng. Nguyên nhân chủ yếu đến từ giá bán và giá thuê bị đẩy lên quá cao, trong khi lưu lượng khách thực tế tại dự án chưa đủ để đảm bảo hoạt động kinh doanh.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia về thị trường cho thuê shophouse chia sẻ, mặc dù hiện nay gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường cho thuê shophouse vẫn còn dư địa để phục hồi, đặc biệt khi một số yếu tố tích cực đang dần xuất hiện.

Trước hết, làn sóng chuyển đổi công năng đang được các chủ đầu tư và cá nhân sở hữu shophouse triển khai. Thay vì cố gắng cho thuê làm cửa hàng truyền thống, nhiều người đã linh hoạt cải tạo thành căn hộ dịch vụ và văn phòng hoặt thiết kế các không gian làm việc sáng tạo.

Shophouse bỏ không, cỏ mọc um tùm, hạ tầng xuống cấp. 
Shophouse bỏ không, cỏ mọc um tùm, hạ tầng xuống cấp. 

Đặc biệt, sự phục hồi của ngành bán lẻ và F&B cũng là tín hiệu đáng chú ý, nhiều thương hiệu F&B, mô hình cà phê “Boutique” hoặc cửa hàng tiện lợi đang tìm kiếm mặt bằng có mật độ dân cư ổn định. Môi giới Vũ - người có 15 năm kinh nghiệm sale mặt bằng Shophouse cho thuê nói: “Điều kiện tiên quyết để Shophouse “tái sinh” nằm ở việc thay đổi chiến lược đầu tư và tư duy phát triển. Bởi, Shophouse không còn là kênh đầu tư “lướt sóng”, chủ sở hữu cần xác định đây là tài sản khai thác dòng tiền lâu dài, đồng thời phải chấp nhận mức sinh lời thực tế có được.

“Yếu tố quy hoạch và dân cư là yếu tố sống còn, những dự án quy mô lớn nhưng không có người ở sẽ không thể giúp mặt bằng thương mại phát triển, thị trường cho thuê shophouse khó có thể phục hồi trên diện rộng như thời “hoàng kim”, nhưng vẫn có thể “tái sinh” ở những vị trí chiến lược", chuyên gia từ Hội Môi giới Bất động sản chia sẻ.

Điều này đòi hỏi nhà đầu tư phải linh hoạt, tỉnh táo và thực tế hơn trong kỳ vọng lợi nhuận. Xu hướng phân khúc, chuyển đổi công năng, và điều chỉnh giá thuê đang mở ra một giai đoạn mới cho sản phẩm này – nơi sự bền vững và khai thác thực tế được đặt lên hàng đầu.

An Linh

Theo Vietnamfinance