Siết chặt giám sát, phát hiện các dự án FDI đầu tư "chui"
Để hoàn thiện thể chế liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, cần đặc biệt lưu ý đến tăng cường, giám sát, đánh giá dự án FDI, nhất là tình trạng đầu tư “núp bóng”.
Chất lượng vốn FDI vào Việt Nam chưa như kỳ vọng
Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) vừa công bố Báo cáo về đầu tư nước ngoài năm 2021, theo đó, ghi nhận những đóng góp to lớn, nổi bật của khu vực này.
GS Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE cho biết, đóng góp của khu vực này vào tăng trưởng kinh tế tăng liên tục, từ 2,1% năm 1989 lên 22,3% năm 2020.
Riêng hoạt động xuất khẩu rất tích cực, góp phần bù đắp cho việc nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước và từ đó hỗ trợ cho hoạt động thanh toán quốc tế; đặc biệt là tạo ra sự đa dạng hóa sản phẩm, thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng. Khu vực đầu tư nước ngoài trở thành động lực tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư nước ngoài cũng bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế; kể cả sự vi phạm pháp luật gây ra sự lo ngại, cho rằng đầu tư nước ngoài chưa đạt hiệu quả, chưa tương xứng với kỳ vọng.
Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn chỉ rõ: Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chưa thể hiện được sự đóng góp dù có lợi thế về quy mô vốn và những ưu đãi được hưởng. Số lượng dự án có công nghệ hiện đại, công nghệ nguồn từ Mỹ, EU chỉ chiếm 5% trong khi công nghệ trung bình chiếm 80% và công nghệ lạc hậu chiếm 15%.
Không ít nhà đầu tư chủ định tận dụng nguồn nhân lực giá rẻ, mặt bằng và ưu đãi để đầu tư vào Việt Nam. Sự liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và đơn vị trong nước cũng rất hạn chế, dẫn đến sự chậm trễ trong chuyển giao công nghệ và sự hội nhập chuỗi cung ứng quốc tế.
Tính chung, tỷ lệ nội địa hóa trung bình mới đạt 20-25% và Việt Nam vẫn nằm ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu; nhất là giá trị gia tăng của sản phẩm thấp. Một số dự án còn gây ô nhiễm môi trường trong quá trình vận hành, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và môi trường xung quanh cũng như gây nhức nhối đối với cộng đồng.
Chuyện có hơn 16.000 doanh nghiệp FDI có số lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính, tính đến hết năm 2020, theo báo cáo của Bộ Tài chính, chỉ là một trong những ví dụ tiêu biểu cho thấy chất lượng vốn FDI vào Việt Nam chưa như kỳ vọng.
Đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” diễn ra khá phổ biến
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một số trường hợp, việc thu hút FDI còn chưa cân nhắc đầy đủ, toàn diện các yếu tố liên quan tới quốc phòng, an ninh. Hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng sự thông thoáng của pháp luật để đầu tư “chui”, đầu tư “núp bóng” diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương, gây nhiều khó khăn cho điều hành, quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước.
Các chuyên gia xây dựng Báo cáo về đầu tư nước ngoài năm 2021 đã khuyến cáo có 5 hình thức đầu tư “núp bóng” rất đáng chú ý tại Việt Nam, đó là: Thông qua cá nhân Việt Nam lập doanh nghiệp bất động sản, góp vốn dưới 49%; thông qua cá nhân, tổ chức Việt Nam đầu tư tại các vị trí nhạy cảm về an ninh, quốc phòng, sau đó mua lại phần vốn góp; cho cá nhân Việt Nam vay tiền để thành lập doanh nghiệp; thông qua việc kết hôn, lập doanh nghiệp do vợ, chồng là người Việt Nam đứng tên; đứng sau người Việt Nam để kinh doanh.
TS Ngô Công Thành, thành viên Hội đồng biên soạn Báo cáo về đầu tư nước ngoài năm 2021 cho rằng cần tăng cường giám sát, đánh giá dự án FDI, nhất là tình trạng đầu tư “núp bóng”.
Cần tăng cường sự vào cuộc chủ động, mạnh mẽ, đồng bộ và thực chất của các bộ, ngành, địa phương nhằm kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng và minh bạch.